VỐN TỪ XÃ HỘI HÓA - MỘT HƯỚNG ĐI QUAN TRỌNG
Theo báo cáo của Bộ GTVT về danh mục các dự án hàng hải với số vốn rất lớn, trước bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư vào hàng hải hiện nay cực kỳ lớn, trong khi vốn từ ngân sách rất hạn chế, đặt ra yêu cầu bức thiết phải huy động nguồn vốn khác nhau, bao gồm cả ODA, trái phiếu đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa.
Nhằm huy động tối đa các nguồn vốn từ xã hội đầu tư vào hạ tầng hàng hải, Bộ GTVT đã có chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển ngành Hàng hải. Theo đó, từ năm 2015, toàn bộ các dự án cơ sở hạ tầng hàng hải sẽ do tư nhân đầu tư. Nhà nước chỉ đầu tư những dự án không hấp dẫn được nhà đầu tư tư nhân, khả năng thu hồi vốn thấp, những dự án có tính chất đảm bảo quốc phòng, an ninh. Và cảng Lạch Huyện sẽ là dự án hạ tầng cuối cùng mà Nhà nước đầu tư vào hàng hải.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay nguồn vốn đầu tư vào 2 mảng là cơ sở hạ tầng công cộng và cơ sở hạ tầng ngoài công cộng. Cơ sở hạ tầng công cộng hàng hải bao gồm luồng lạch, hoa tiêu… được duy tu và bảo trì theo nguồn ngân sách nhà nước, trong đó nguồn vốn được sử dụng từ phí đảm bảo hàng hải. Về vấn đề này, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, hiện nay phí đảm bảo hàng hải để nạo vét, duy tu và bảo trì cơ sở hạ tầng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vốn của cơ sở hạ tầng công cộng. Năm tới, đối với luồng Cái Mép - Thị Vải, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ đề nghị huy động nguồn vốn nạo vét theo hình thức PPP, còn luồng Nghi Sơn - Thanh Hóa, luồng Thọ Quang - Đà Nẵng đang được thực hiện theo hình thức này.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng ngoài công cộng của ngành Hàng hải bao gồm cảng biển, khu neo đậu, bến phao… hiện nay được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Các doanh nghiệp tham gia rất tích cực và thực hiện có hiệu quả các dự án.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần từ 16 - 17 tỷ USD/năm cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong khi khả năng đáp ứng theo cách truyền thống là từ ngân sách chỉ khoảng 50 - 60%. Các chuyên gia cho rằng con đường duy nhất là cần mở rộng các kênh đầu tư mới trong xã hội, phải có cơ chế chính sách đột phá nhằm huy động được khối tư nhân tham gia tích cực hơn trong phát triển kết cấu hạ tầng. Và để làm được điều này, cần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư, cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư, từ đó mới có thể hút được nguồn vốn. Như vậy, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn chế, chủ trương đẩy mạnh xã hội hội hóa đầu tư hạ tầng GTVT, trong đó có ngành Hàng hải tạo điều kiện phát triển, từ đó tạo sức lan tỏa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
SỬ DỤNG ĐÚNG VÀ TIẾT KIỆM VỐN
Trong thời gian tới, để có thể hóa giải những bài toán khó về vốn, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn vốn từ xã hội hóa. Theo đó, về duy tu, bảo trì, từ trước đến nay đều có nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế,
tuy còn eo hẹp nhưng Cục Hàng hải Việt Nam đã cân đối đáp ứng được nhu cầu trước mắt. Về lâu dài, 2 nơi có nhu cầu đột biến về duy tu luồng là luồng Quan Chánh Bố và Lạch Huyện. Đây là luồng mới xây dựng, dự liệu bồi lắng, khối lượng bồi lắng lớn dẫn đến kinh phí cho nạo vét duy tu lớn ở những năm đầu sau khi làm xong.
Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang, nguồn vốn cho duy tu bảo trì cơ sở hạ tầng có thể sẽ tăng đột biến. Cục đang kiến nghị xin bổ sung phân bổ nguồn vốn sự nghiệp hàng hải cho phần này hay phải sử dụng một phần phí bảo đảm hàng hải thu được để bù đắp cho phần vượt trội, hoàn toàn theo đúng quy định Bộ Tài chính. Cục đã và đang nghiên cứu, đề xuất Bộ Tài chính cho phép để lại 100% phí bảo đảm hàng hải bắt đầu từ năm 2018 nhằm đáp ứng nhu cầu tăng đột biến nạo vét duy tu.
Còn đối với kè, bờ, luồng từ truớc đến nay khi xây dựng xong Cục giao cho các đơn vị bảo đảm hàng hải nhưng chưa được quan tâm lắm đến việc duy tu bảo trì dẫn đến một số nơi do tuổi thọ, tác động của môi trường có hư hỏng nhất định. Cục Hàng hải Việt Nam đang cho rà soát và yêu cầu rà soát xây dựng định mức cho bảo trì, xây dựng dự toán cho việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng của kè.
Đối với các nhu cầu khác như đầu tư xây dựng cơ sở hậu cần, tàu tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, hiện nay, một số cơ sở hạ tầng đã được huy động vốn trung hạn nhưng khả năng bố trí vốn rất hạn hẹp. Cục sẽ giải trình báo cáo Bộ GTVT, đề nghị Bộ làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn cuốn chiếu xây dựng các cơ sở hạ tầng của tìm kiếm cứu nạn, để hoàn thiện, thực hiện đề án phát triển.
Đứng trước bái toán khó khăn về vốn cho các dự án, Cục Hàng hải Việt Nam xác định phải rà soát để cân đối, có thể đề xuất công trình đầu tư mới trọng tâm trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài và để tránh đầu tư dàn trải trong điều kiện ngân sách eo hẹp như hiện nay. Từ đó, Cục sẽ đề xuất để kiện toàn văn bản pháp luật, để hoàn thiện cơ chế kêu gọi xã hội hóa thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án nạo vét duy tu, thu hút càng nhiều doanh nghiệp tham gia xã hội hóa, giảm gánh nặng cho ngân sách nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp hài hòa.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam đang nghiên cứu cơ chế đặt hàng các dịch vụ công ích với đảm bảo an toàn hàng hải, hoa tiêu, thông tin liên lạc để làm sao cùng với đồng tiền đó mang lại hiệu quả cao nhất, tiết kiệm ngân sách.
Xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải đã đem lại hiêu quả lớn Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công “Xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải là chủ trương đúng nên bước đầu đã có hiệu quả, lợi ích cho nhà nước, cũng như cho doanh nghiệp. Qua nhiều năm triển khai, chúng ta đã tiết kiệm được khá nhiều kinh phí và hiệu quả vẫn cao. Có những luồng tiết kiệm được đến hơn một nửa, như luồng Đà Nẵng, những năm trước đây phải chi đến khoảng 17 tỷ đồng cho nạo vét, nhưng năm 2016 chỉ khoảng 9 tỷ đồng. Hay luồng Cái Lân trước đây cũng tốn khoảng hơn 20 tỷ, nhưng năm 2016 chỉ khoảng chục tỷ. Luồng Quy Nhơn cũng chỉ mất có 5 tỷ đồng, trong khi đó trước đây phải mất hơn chục tỷ đồng” |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.