Điều chuyển luồng tuyến xe khách trên địa bàn Hà Nội:Bẻ tuyến, ai được lợi?

Tác giả: Anh Vũ

saosaosaosaosao
Ý kiến 01/11/2016 08:35

Như đã biết, trong đề xuất gửi UBND Tp. Hà Nội lần này, Sở GTVT Hà Nội bất ngờ đề xuất “bẻ tuyến” cho các xe khách Thanh Hoá (phía Nam) được chạy trên đường Phạm Hùng - Đại lộ Thăng Long – Đường Hồ Chí Minh (phía Bắc). Vậy việc “bẻ tuyến” này có đi ngược với chủ trương phân xe theo đúng hướng Bắc, Nam, Đông, Tây của Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung? Việc bẻ tuyến này ai được lợi? Tại sao không phân xe theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch Hà Nội lại “vẽ” cung đường mới?

1461997803-1461997551-anh-2
Ảnh minh họa

Hành động đi ngược với các văn bản trước đó của chính Sở GTVT Hà Nội khiến dư luận không thể không nghi ngờ có “lợi ích nhóm tại đây”. Nếu Sở GTVT cho phép các xe Thanh Hoá chạy tuyến trên, vậy các xe Nghệ An, Đắc Lăk có được chạy tuyến này không (bởi họ cũng đang chạy tuyến đường y hệt như các xe Thanh Hoá)?

“Bẻ tuyến” vì ai?

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đặt vấn đề, hiện lãnh đạo thành phố Hà Nội đang rất quyết tâm sắp xếp lại luồng tuyến theo đúng quy hoạch. Đặc biệt là việc điều chuyển phương tiện về các bến theo đúng hướng tuyến đã được hoạch định nhiều năm qua.

“Nhưng rất lạ rằng, Sở GTVT lại bất ngờ bẻ tuyến xe Thanh Hoá chạy từ Phạm Hùng – Đại Lộ Thăng Long – đường HCM thì ai dám chắc các tỉnh có phương tiện hoạt động từ bến Mỹ Đình đi phía Nam sẽ không kiến nghị để các nhà xe ở lại bến này và chuyển qua đi đường Hồ Chí Minh?”

Ông Liên khẳng định: nếu tất cả các xe tuyến Thanh Hoá, Nghệ An, Đắc Lắk… đồng loạt loạt xin bẻ tuyến như trên sẽ “rất khó xử” với hoạt động vận tải Thủ đô. Điều này cũng lộ rõ nhiều bất nhất.

Thứ nhất, nếu điều chuyển sai đồng nghĩa là không thực hiện được theo quy hoạch hướng tuyến Bắc – Bắc, Nam - Nam của Bộ GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chủ trương và nghị quyết của UBND, HĐND Hà Nội đề ra.

Thứ hai, nếu chỉ có các phương tiện đi Thanh Hoá, Nghệ An, Đắc Lắk được chấp nhận ở lại Mỹ Đình và bẻ tuyến đi đường Hồ Chí Minh, trong khi các phương tiện khác đi Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắc Lăk... đang hoạt động từ bến Nước Ngầm cũng đồng loạt “đòi” công bằng thì Sở GTVT sẽ tính ra sao? Liệu có sự ưu ái, “ẩn khuất” gì sau quyết định bẻ tuyến không? Còn nếu để đảm bảo công bằng, chứng tỏ không dành “quyền lợi đặc thù” cho riêng ai, Hà Nội sẽ  đồng ý cho tất cả được ở lại bến Mỹ Đình và thay đổi lộ trình chạy theo đường Hồ Chí Minh. Như vậy, sẽ có lượng xe cực lớn ngay trên đường Phạm Hùng (điểm ùn tắc nghiêm trọng), và ai chắc chắn trên quãng đường này, các xe sẽ không đua nhau tạt vào bắt khách dọc đường? Đó là chưa kể đến việc nếu ai cũng “đòi” đặc quyền như vậy thì bến Mỹ Đình liệu có thêm một lần “vỡ trận”?

Chỉ đạo “nằm trên giấy”

Có mặt trên các tuyến đường Phạm Hùng, dễ dàng nhận thấy tình trạng ùn tắc vào rất nhiều các cung giờ trong ngày. Thế nhưng, tình trạng các xe Thanh Hoá, Nghệ An chạy từ bến ra (dù đường vắng hay đường tắc), chỉ “rùa bò” với tốc độ 10-20km/h để đón khách, gây áp lực lớn cho giao thông khu vực trên. Vậy mà không hiểu tại sao Sở GTVT Hà Nội vẫn không điều chuyển xe theo đúng chỉ đạo văn bản 1686/SGTVT-QLVT mà Sở GTVT Hà Nội từng đề nghị. Chính văn bản này cũng đã được Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội đồng ý và yêu cầu thực hiện.

Mới nhất là Chủ tịch UBND Tp. Nguyễn Đức Chung yêu cầu điều chuyển phương tiện về các bến theo đúng hướng tuyến, không chỉ riêng tuyến Nghệ An – Hà Nội, mà sẽ rà soát, tiến hành trên nhiều tuyến vận tải hành khách liên tỉnh từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh... Và phải hoàn thành trước ngày 1/10/2016.

Nhưng rất lạ rằng, trước báo giới, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Việc “bẻ tuyến” là để tránh các xe chạy xuyên tâm nhằm giảm lượng xe trên các đường vành đai. Rằng Hà Nội không còn xe xuyên tâm. 

Vậy xin hỏi “điểm nóng” ùn tắc trên đường Phạm Hùng có nằm trong nội đô không, tại sao lại vẫn để các xe phía Nam hoạt động tại đây mà không điều chuyển theo quy hoạch của Sở GTVT Hà Nội trước đó. Phải chăng, những chỉ đạo trước đây của chính Sở GTVT Hà Nội và của Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội chỉ “nằm trên giấy”?

Chúng tôi cũng xin nhắc lại, tuyến đường Phạm Hùng là tuyến đường đặc biệt, đường dẫn đoàn và có trung tâm Hội nghị quốc gia. Còn các tuyến Đại lộ Thăng Long và đường Hồ Chí Minh ngoài nhiệm vụ vận tải còn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đường giao thông phục vụ hoạt động quốc phòng. Vì thế, các tuyến đường này phải thông thoáng để sẵn sàng phục vụ các hoạt động an ninh quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị cần được coi là ưu tiên hàng đầu, trên tất thảy những lợi ích khác? Vậy đề xuất “bẻ tuyến” của Sở GTVT Hà Nội liệu có làm rối thêm cho giao thông Thủ đô, hay là mục đích câu giờ, làm chậm điều chuyển các xe theo đúng hướng tuyến?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả!

Ý kiến của bạn

Bình luận