Điều chuyển xe ở bến Lương Yên về Yên Nghĩa: Bất cập và chồng chéo

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
19/07/2016 15:10

Việc điều chuyển 43 chuyến xe/ngày chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội về hoạt động tại bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải đứng trước nguy cơ phá sản do hoạt động chồng chéo, “vỡ trận” tuyến Hà Nội – Hải Phòng.


Sau khi Sở GTVT Hà Nội đưa ra kế hoạch điều chuyển các tuyến vận tải từ bến xe Lương Yên về các bến xe khác trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó điều chuyển 43 chuyến xe/ngày chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội về hoạt động tại bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải đứng trước nguy cơ phá sản do hoạt động chồng chéo, “vỡ trận” tuyến Hà Nội – Hải Phòng.

Lựa chọn không theo tiêu chí đề ra

Theo thông báo của Sở GTVT Hà Nội báo cáo với UBND TP Hà Nội về thời hạn đóng cửa bến xe Lương Yên và dự kiến xây dựng 2 phương án di dời xe khách. Trong đó, tiêu chí lựa chọn của Sở GTVT Hà Nội đưa ra theo báo cáo 800/BC-SGTVT là: Lựa chọn các bến xe còn khả năng tiếp nhận; Tuyến sau khi điều chuyển được bố trí tại bến xe gần bến xe Lương Yên nhất; Lựa chọn bến xe gần bến xe Lương Yên nhất để hành khách đi lại được thuận tiện, giảm thiểu xáo trộn đi lại của người dân…

Ngoài ra, theo nguyên tắc sắp xếp các tuyến vào các bến xe theo thứ tự ưu tiên về khoảng cách từ bến xe đó đến bến xe Lương Yên gần nhất (Gia Lâm đến Lương Yên:5,8km; Nước ngầm đến Lương Yên: 8km; Yên Nghĩa đến Lương Yên là 16Km). Khi chọn tuyến điều chuyển sẽ chọn ưu tiên các tuyến thuộc tỉnh, thành phố có lượt xe xuất bến 1 ngày từ lớn đến bé. Tổng số chuyến xe tiếp nhận của mối bến xe không vượt quá khả năng tiếp nhận thêm của bến xe đó và có ý kiến đồng thuận việc tiếp nhận của các bến…

20150909103537-anh7_ENXB
Xe khách luôn góp mặt trong các vụ ùn tắc cục bộ tại đường Vành Đai 3 - Nguyễn Trãi

Đồng thời, các tuyến từ bến xe Lương Yên sang bến xe tiếp nhận phải thỏa mãn đồng thời các tiêu chí: Ưu tiên bố trí các chuyến xe đang khai thác của đơn vị vận tải tại các bến xe tiếp nhận để đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh của đơn vị vận tải; Việc bố trí giờ xuất bến tại bến xe tiếp nhận đảm bảo phù hợp với thực trạng của bến xe đó, đồng thời đảm bảo hợp lý đối với giờ xuất bến tại bến xe Lương Yên…

Như vậy, theo phản ánh của doanh nghiệp, với 5 tiêu chí và 7 nguyên tắc sắp xếp thì bến xe Yên Nghĩa đạt được tiêu chí thấp nhất nhưng Bộ GTVT và các Sở lại có quyết định điều chuyển đến 43 chuyến/ngày về Bến xe Yên Nghĩa, số chuyến này vượt xa quy hoạch định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định 4899/QĐ-BGTVT

Trao đổi với phóng viên, một chủ doanh nghiệp xin đề nghị giấu tên cho biết: “Công ty chúng tôi cũng không hiểu sao trong khi hiện tại Bến xe Nước Ngầm khả năng tiếp nhận còn rất lớn và đặc biệt là hiện nay chưa có doanh nghiệp nào đăng ký khai thác tuyến Hải Phòng tại bến xe Nước Ngầm mà chỉ có 47 chuyến xe/ngày tuyến Hải Phòng.

Hơn nữa, các doanh nghiệp thuộc diện điều chuyển đều hoạt động tại 1 bến đi và đến 1 bến đến hiện nay (Bến xe Niệm Nghĩa – Bến xe Lương Yên) đã có nhiều năm thực hiện theo biểu đồ hoạt động của hai đầu Sở một cách bình thường, nay lại có phương án “chia tách” là một điều hết sức phi lý và dẫn đến hậu quả khó lường trong quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt, là với chủ trương và thay đổi lớn như vậy và có sự ảnh rất lớn đến các doanh nghiệp đang hoạt động tại bến Yên Nghĩa không được họp bàn và thông báo”.

Quyết định chồng chéo

Theo quyết định số 4899/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2014 của Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch định hướng phát triển mạng lưới vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: lưu lượng vận tải tuyến Hải Phòng – Hà Nội năm 2014 là 374 chuyến/ngày, định hướng phát triển đến năm 2020 là 507 chuyến/ngày (tăng 35,56% so với năm 2014) .

Mới đây, Bộ GTVT tiếp tục ra quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/06/2015 phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Số 3848/QĐ-BGTVT ngày 29/10/2015 điều chỉnh bổ sung Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/06/2015 của Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp theo ngày 15/01/2016 Bộ GTVT tiếp tục có quyết định số 135/QĐ-BGTVT điều chỉnh bổ sung Quyết định số 2288/QĐ-BGTVT ngày 26/06/2015 của Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

didoibenxeluongyensechamduttinhtrangxekhachdaugaut
Bến xe Lương Yên trước giờ di dời vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết

Như vậy, với khoảng thời gian chưa đầy 1 năm, Bộ GTVT đã quy hoạch bổ sung tăng 55 chuyến xe/ngày từ Hải Phòng đi Bến xe Yên Nghĩa (tăng trên 80%) số chuyến xe khai thác tại bến xe Yên Nghĩa.

Trong khi đó, khi thực hiện kế hoạch điều chuyển các tuyến vận tải từ bến xe Lương Yên về các bến xe khác trên địa bàn thành phố Hà Nội,  Sở GTVT tiếp tục điều chuyển thêm 43 chuyến xe/ngày chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội về hoạt động tại bến xe Yên Nghĩa.

Theo ông Thân Văn Thanh, nguyên Phó chủ tịch hội doanh nghiệp vận tải Việt Nam thì: “Nếu tiếp tục điều chỉnh tăng thêm 43 chuyến xe/ngày theo phương án của Sở GTVT Hà Nội + 55 chuyến xe/ngày đã điều chỉnh quy hoạch thì số chuyến xe tăng thêm so với năm 2014 chỉ tính riêng cho bến xe Yên Nghĩa sẽ là 98 chuyến xe/ngày (tăng gần 150% so với năm 2014 tại thời điểm Quyết định 4899/QĐ-BGTVT có hiệu lực), đẩy số chuyến từ Hà Nội đi Hải Phòng là 164 chuyến/ngày (bình quân 4 phút/1 chuyến xe).

“Việc làm trên đã trái với quyết định 4899/QĐ-BGTVT khi quy định đến năm 2020 chỉ tăng 35%, nếu theo quyết định của Bộ GTVT số chuyến xe tăng thêm cho bến xe Yên Nghĩa đến năm 2020 mức tăng tối đa cũng chỉ là 23 chuyến xe/ngày”, ông Thanh phân tích thêm.

Hàng loạt DN “ngộp nước” vì quyết định "ngẫu hứng"

Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải hành khách, hiện nay tỷ lệ % có khách tại bến xe Yên Nghĩa là rất thấp. Cụ thể, theo báo cáo của Bến xe Yên Nghĩa trong quý I/2016 tỷ lệ % có khách chỉ là 32%, tỉ lệ này lại tiếp tục giảm do tăng số chuyến xe chạy và nay chỉ đạt khoảng trên 20%.

20160715163746-20151229131200-bat-xe-05
Các tuyến vận tải hoạt động cố định Hải Phòng - Hà Nội (bến xe Yên Nghĩa) luôn trong tình trạng vắng khách, cung vượt quá cầu

Như vậy, việc liên tục tăng lượng xe chạy tại bến xe Yên Nghĩa có khả năng sẽ tạo nên tình trạng xe chạy không khách là rất lớn. Trong khi đó tình trạng cạnh trạnh không lành mạnh đang là vấn nạn gây nhức nhối cho dư luận xã hội, gây hoang mang và thiệt hại lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp vận tải.

Trong nhiều cuộc họp và chỉ đạo, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do có nhiều doanh nghiệp được cấp phép hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến Hải Phòng – Hà Nội với tần suất các xe xuất bến hàng ngày rất cao (hơn 400chuyến/ngày) dẫn đến tình trạng “ cung vượt quá cầu”.

Vì vậy việc tăng tần suất chạy xe theo kiểu “đổ dồn” các doanh nghiệp vào một bến đang có tần suất hoạt động lớn như bến xe Yên Nghĩa sẽ làm gia tăng tình hình phức tạp trên gây khó khăn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên tuyến.

Theo một doanh nghiệp vận tải cho biết: “Nếu Bộ GTVT và Sở GTVT Hà Nội thực hiện việc điều chuyển 43 chuyến xe/ngày vào bến xe Yên Nghĩa vừa không đúng với các quy định hiện hành, vừa không nằm trong quy hoạch theo quyết định 2288/QĐ-BGTVT chắc chắn sẽ làm cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại bến xe Yên Nghĩa cực kỳ khó khăn, có những doanh nghiệp đầu tư trên dưới 100 tỷ đồng có nguy cơ phá sản bởi một quyết định “bất thường” này”. 

Ý kiến của bạn

Bình luận