Tàu chiến Trung Quốc |
Hôm 18/2, cổng thông tin chính phủ Trung Quốc Sina.com.cn đưa tin 11 tàu chiến Trung Quốc đã xuất hiện ở Đông Ấn Độ Dương giữa lúc Maldives đối mặt với khủng hoảng chính trị và buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Theo Sina, một hạm đội gồm các tàu khu trục và ít nhất là 1 tàu hộ vệ cùng 1 tàu vận tải đổ bộ trọng tải 30.000 tấn cùng 3 tàu tiếp nhiên liệu của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, Sina lại không đề cập tới việc lực lượng tàu chiến Trung Quốc tới Ấn Độ Dương có liên quan gì tới cuộc khủng hoảng chính trị ở Maldives hay không cũng như hạm đội này được triển khai từ bao giờ và hoạt động trong khu vực bao lâu.
"Khi nhìn vào lực lượng tàu chiến cùng các trang thiết bị quân sự, chúng ta có thể thấy được khoảng cách giữa hải quân Trung Quốc và Ấn Độ là không lớn", Sina viết.
Cuộc đua cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở quốc đảo quốc Maldives được thể hiện rõ sau khi Tổng thống Abdulla Yameen đồng thuận tham gia sáng kiến “Vành đai và con đường” do Trung Quốc khởi xướng để xây dựng mạng lưới thương mại và giao thông xuyên châu Á.
Về phần mình, Ấn Độ vốn là một đồng minh chính trị và an ninh lâu đời của quốc đảo có 400.000 người hồi giáo sinh sống, đang tìm mọi cách ngăn chặn Trung Quốc mở rộng sự hiện diện ở Maldives. Bên cạnh đó, các chính trị gia đối lập ở Maldives đã hối thúc New Delhi có hành động can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.
Liên quan tới sự xuất hiện của hạm đội tàu chiến Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào. Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, trên tài khoản Weibo chính thức, quân đội Trung Quốc đã cho công bố một vài bức ảnh cũng như bài viết liên quan tới chương trình huấn luyện cứu hộ diễn ra ở Đông Ấn Độ Dương.
Hồi đầu tháng này, Trung Quốc cũng đã đưa ra lời khuyến cáo công dân nước này tránh du lịch tới Maldives, quốc đảo nổi tiếng với các khách sạn hạng sang, khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng những bãi biển nhiệt đới xinh đẹp.
Vào ngày 5/2, Tổng thống Yameen đã cho ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày sau khi Tòa án tối cao Maldives bác bỏ cáo buộc với 9 lãnh đạo đối lập đồng thời yêu cầu chính phủ thả tự do cho những người đang bị giam giữ. Còn trong ngày 19/2, ông Yameen đã yêu cầu quốc hội Maldives kéo dài thêm thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp sang 30 ngày.
Tờ Times of India lại cho rằng, giới truyền thông Trung Quốc đã cố tình lợi dụng các cuộc tập trận của quân đội nước này trên khu vực Đông Ấn Độ Dương để liên kết với tình hình chính trị ở Maldives sau khi phe đối lập Maldives kêu gọi Ấn Độ điều quân tới đảo quốc này.
Giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, các cuộc tập trận ở Đông Ấn Độ Dương được bắt đầu từ cuối tháng Một và nội dung diễn tập chú trọng vào những vấn đề nổi cộm hiện nay ở Biển Đông. Cụ thể, các tàu chiến Trung Quốc chỉ xuất hiện ở một phần nhỏ của Đông Ấn Độ Dương và này nằm gần Australia cũng như chỉ hoạt động trong khu vực vài ngày.
Ngay cả phe đối lập ở Philippines cũng đã lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận trên của Trung Quốc khi cho rằng, Bắc Kinh đang chuẩn bị phương án bá chủ Biển Đông, khu vực mà Manila cũng tuyên bố chủ quyền.
Nói cách khác, tờ Times of India khẳng định sự xuất hiện của các tàu chiến Trung Quốc ở Ấn Độ Dương không liên quan gì tới tình hình chính trị căng thẳng ở Maldives. Việc báo chí Trung Quốc ám chỉ cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương có liên hệ với khủng hoảng ở Maldives chỉ nhằm tạo ra một cuộc chiến tâm lý.
“Tàu chiến Trung Quốc xuất hiện ở Ấn Độ Dương là để ngăn Ấn Độ cản trở Bắc Kinh mở rộng lợi ích ở Maldives. Việc điều động lực lượng tàu chiến hoạt động ngoài khơi Maldives là một động thái mới và đáng quan ngại bởi nó cho thấy Trung Quốc đang cố mở rộng tầm ảnh hưởng ở quốc đảo vốn được Ấn Độ xem là đối tác chiến lược.
New Delhi cần xem đây là động thái đáng ngại. Hành động của Trung Quốc cũng sẽ làm thổi bùng ngọn lửa cạnh tranh chiến lược và làm gia tăng bất đồng giữa Trung – Ấn”, trang tin news.com.au của Australia dẫn lời ông Peter Jennings ở Viện Chính sách Australia nhận định.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.