Đam mê cống hiến
Nhận học bổng của một tập đoàn công nghệ Nhật khi là sinh viên năm thứ 2 Đại học Công Nghệ ĐHQG Hà Nội, ngay sau khi ra trường vào hè năm 2007 Đỗ Bá Đức lên đường sang Tokyo làm việc với tư cách kỹ sư phần mềm. Trong 3 năm đầu, dù sớm chứng tỏ được năng lực kỹ thuật trội hơn so với người Nhật cùng công ty, rào cản về ngôn ngữ và văn hoá đã khiến Đỗ Bá Đức gặp không ít khó khăn trong việc tìm ra tiếng nói chung với đồng nghiệp. Thêm vào đó, qua câu chuyện tương tự về khó khăn của nhiều bạn bè cùng ngành tại Nhật, Đức cảm nhận rõ rệt việc giá trị của người nước ngoài nói chung, đặc biệt là người Việt Nam nói riêng chưa được ghi nhận một cách công bằng trong con mắt người Nhật Bản. Đây là một trong những động lực lớn thôi thúc Đức đặt những bước chân mạnh dạn hơn trong những năm tiếp theo để tự vượt qua thử thách này.
Được ghi nhận ở vị trí ngang bằng hoặc trên người Nhật cùng tổ chức Năm 2010 Đỗ Bá Đức quyết định chuyển sang làm việc tại tập đoàn Rakuten, tham gia vào phát triển trang thương mại điện tử Rakuten Ichiba có chỗ đứng hàng đầu ở Nhật Bản. Đi lên từ vị trí kỹ thuật tới trưởng nhóm phát triển với 1 bằng sáng chế công nghệ, anh được công ty gửi đi tập huấn ở San Francisco rồi về quản lý mảng phần mềm di động trọng tâm của bộ phận thương mại điện tử. Sau 5 năm làm việc tại Rakuten, anh chuyển qua công ty LINE (sở hữu ứng dụng chat hàng đầu thế giới) ở vị trí tương tự. Không lâu sau đó, anh được SoftBank chiêu mộ, xuất phát từ việc đặt nền móng cho công ty liên doanh 100 triệu đô với Alibaba Cloud từ Trung Quốc.
Qua quá trình làm việc tại Softbank, với tư cách chuyên gia đánh giá công nghệ anh từng tham gia nhiều dự án đầu tư của tập đoàn này vào các công ty như: Automation Anywhere, DiDi, WeWork, SenseTime, Zimperium, Dome9, Cohesity, Packet… Ở thời điểm hiện tại, Đức là cố vấn công nghệ cấp cao của công ty Japan Computer Vision (100% vốn Softbank) và cố vấn phát triển thị trường cho Packet Host (một công ty điện toán đám mây từ Mỹ từng nhận đầu tư của Softbank).
Năm 2017, Đức quyết định mở công ty tư vấn phát triển sản phẩm và giáo dục công nghệ Tokyo Techies, tập trung vào những mảng kỹ thuật khó như AI, Robotics/IoT, Cyber security. Do những cống hiến rõ rệt của Đức, Softbank không để anh nghỉ việc mà vẫn luôn ưu ái dành cho anh vị trí cố vấn công nghệ không thường trực cho tới tận thời điểm này ( một trong những ngoại lệ ít thấy tại Softbank).
Quá trình khởi nghiệp tại Nhật Bản với tư cách người nước ngoài chứa đựng đầy rẫy khó khăn, nhưng với nỗ lực không ngừng nghỉ, Đỗ Bá Đức và công ty Tokyo Techies đã từng bước được khách hàng và đối tác ghi nhận. Tới nay công ty đã có khách hàng là hơn 40 doanh nghiệp Nhật/Mỹ với nhiều loại hình công nghệ và sản phẩm khác nhau, 900 học viên công nghệ đã tốt nghiệp các khoá đào tạo và có 25 bài báo cáo khoa học đã được gửi đi tham dự hội thảo khoa học quốc tế. Đội ngũ hiện tại có hơn 30 kỹ sư đến từ 8 quốc gia khác nhau, ở Nhật Bản đa số thành viên là người nước ngoài. Công ty Tokyo Techies còn được biết đến là một đơn vị do người Việt Nam làm chủ nhưng chi phí dịch vụ cao hơn hẳn cho với mặt bằng chung do tiếp cận lĩnh vực công nghệ khó, thời gian xử lý yêu cầu ngắn với chất lượng cao và linh hoạt phục vụ các đối tượng khách hàng nói tiếng Anh/ Nhật/ Việt.
Hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp người Nhật
Qua việc tham dự chương trình đào tạo khởi nghiệp 500 Startups Kobe 2018, Đỗ Bá Đức và Tokyo Techies đã được tỉnh Kobe nói riêng và cộng đồng khởi nghiệp tại Nhật nói riêng biết đến như một điểm nhấn nổi bật về công nghệ của chương trình. Tokyo Techies được lựa chọn là công ty phát biểu đầu tiên mở đầu chương trình và xuất hiện trên nhiều tạp chí công nghệ nổi tiếng như Tech Crunch sau khi sự kiện kết thúc.
Tiếp nối 500 Kobe 2018, Đỗ Bá Đức được tỉnh Kobe và các công ty, tổ chức Nhật mời tham dự nhiều sự kiện do tỉnh tổ chức với mục đích chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và trao đổi ý tưởng về hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ lập ra bởi thanh niên sinh viên Nhật.
Hoạt động giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp Việt tại Nhật
Tại diễn đàn Vietnam Summit in Japan 2019, Đỗ Bá Đức là một trong số ít khách mời phát biểu tại 2 khung chương trình nối nhau ở hội trường trung tâm với chủ đề “Thảo luận về định hướng cho giới trẻ Việt Nam tại Nhật Bản" và “Khởi nghiệp tại Việt Nam - cơ hội và thách thức".
Bắt đầu bằng việc nêu rõ bối cảnh Nhật Bản thiếu trầm trọng nguồn nhân lực IT (riêng về nhân lực IT bậc cao, con số này lên tới 50.000 người ngay trong năm 2020), Đỗ Bá Đức cho rằng đây là thử thách lớn đối với nước Nhật nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn cho giới trẻ người nước ngoài tại Nhật nói chung và người Việt Nam nói riêng cùng đóng góp sức mình giải quyết các bài toán lớn hơn, qua đó khẳng định được giá trị của mình trong con mắt người Nhật Bản.
Dẫn chứng từ câu chuyện của bản thân, Đức cho rằng một trong những cách tiếp cận cho những người dám nghĩ dám làm là chọn những việc ít ai dám làm để chứng minh khả năng và nhận về giá trị cao hơn so với mặt bằng thị trường. Cụ thể việc dạy học công nghệ cho người nói tiếng Anh ở mọi lứa tuổi với học phí cao xứng đáng với kết quả nhận về chính là xuất phát điểm của công ty Đỗ Bá Đức mở. Sau đấy công ty có chuyển mũi nhọn sang tư vấn công nghệ, nhưng vẫn chọn những dự án làm trọn gói từ tư vấn giải pháp đến thực hiện, hàm lượng kỹ thuật cao và thời gian eo hẹp mà các công ty khác không dám nhận để ghi điểm trong mắt bạn hàng, thu về giá trị hợp đồng cao. Cụ thể Tokyo Techies đã từng xử lý những dự án khó và gấp như thiết kế, phát triển một phần mềm di động liên kết với phần cứng mới được chế tạo trong vòng 10 ngày, hoặc tìm kiếm và hỗ trợ xử lý triệt để các lỗ hổng bảo mật cho một sàn giao dịch tiền ảo trong vòng 3 tuần.
Song hành cùng diễn đàn Vietnam Summit in Japan 2019, Đức đang hỗ trợ nhiều hoạt động tiêu biểu khác của cộng đồng khởi nghiệp của người Việt tại Nhật. Tiêu biểu là nhà tài trợ thường kỳ cho hoạt động của tổ chức chia sẻ kiến thức khởi nghiệp “Tokyo Founders” và làm giám khảo cho cuộc thi khởi nghiệp Viet Startup Contest 2019.
Trong tương lai gần, với nền tảng đã tạo ra là hai công ty Tokyo Techies tại Nhật và Tokyo Tech Lab tại Việt Nam, Đức đang ấp ủ những dự định dài hơi trong việc cấp học bổng đào tạo kỹ năng và ngôn ngữ cho các sinh viê Việt Nam qua các dự án thật ngay từ những năm đầu còn trên ghế nhà trường. Đức tin tưởng việc làm này sẽ giúp tạo ra được đội ngũ kỹ thuật viên IT quốc tế được các doanh nghiệp Nhật và các nước khác trên thế giới ghi nhận.
Với những bước đi nhỏ, khiêm tốn nhưng đầy hoài bão, Đức và đồng nghiệp đang bền bỉ cố gắng với niềm tin và đam mê của mình nhằm từng bước gặt hái được nhiều kết quả cụ thể hơn nữa trên con đường khẳng định giá trị của người Việt Nam trong con mắt người Nhật Bản.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.