"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT

Giao thông 24h 14/11/2022 06:43

Với những thay đổi quan trọng, Thông tư 04/2022/TT-BGTVT được kỳ vọng giúp việc đào tạo lái xe nghiêm túc, thực chất hơn, thậm chí hạn chế tiêu cực… Tuy nhiên, quá trình thực hành lái xe dưới sự giám sát của thiết bị DAT (gắn trên xe tập lái) cũng xuất hiện những tình huống cười ra nước mắt.


Kỳ 1:

Những tình huống "cười ra nước mắt" với DAT

Kể từ ngày 15/6/2022 khi Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX có hiệu lực, hình thức học và dạy tại các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, các trường nghề… có thay đổi cơ bản, tăng thời gian thực hành trên đường, giám sát để ngăn tình trạng dạy và học mang tính hình thức, đánh trống ghi tên…. Nhưng nhiều đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe cũng "dở khóc dở cười" khi áp dụng việc truyền dữ liệu quản lý DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe).

Thay đổi quan trọng về đào tạo lái xe

Theo quy định của Thông tư 04, cơ sở đào tạo lái xe phải ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1). Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe; sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe.

"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT   - Ảnh 1.

Học viên thực hành lái xe ôtô tại Trường cao đẳng công nghệ Hà Tĩnh

Cơ sở đào tạo lái xe ôtô trang bị và duy trì thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành.

Thông tư cũng bổ sung một số nhiệm vụ của cơ sở đào tạo lái xe như: Truyền dữ liệu quản lý DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, trung thực dữ liệu DAT và dữ liệu quản lý DAT. Bảo đảm an toàn dữ liệu, bảo mật cho hệ thống thông tin DAT. Bảo mật tên đăng nhập và mật khẩu truy cập phần mềm hệ thống thông tin DAT của Cục Đường bộ Việt Nam.

Ngoài ra, cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin, dữ liệu DAT cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Theo dõi, khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin DAT để phục vụ công tác quản lý đào tạo lái xe; kiểm tra tính chính xác các thông tin về giáo viên, xe tập lái.

Hệ thống DAT kết nối thông tin từ các cơ sở đến Cục Đường bộ VN. Thông qua hệ thống này, Cục có thể theo dõi, khai thác dữ liệu để phục vụ công tác quản lý đào tạo lái xe; kiểm tra tính chính xác của các thông tin về giáo viên, xe tập lái.

"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT   - Ảnh 2.

Học viên Trường cao đẳng Bắc Kạn tập lái xe ôtô

Để tăng chất lượng đào tạo, Thông tư 04 cũng quy định khối lượng chương trình và phân bổ thời gian đào tạo hướng tới hiệu quả hơn so với quy định cũ.

Với chương trình đào tạo lái xe ôtô hạng B1, B2 và C đều được điều chỉnh tăng thời gian học thực hành trên đường giao thông nhưng đồng thời cũng giảm thời gian học thực hành trên sân tập lái.

Những quy định mới của Thông tư 04 giúp kiểm soát chương trình đào tạo học viên tốt hơn cũng như nâng cao chất lượng đào tạo khi tăng cây số chạy đường trường, giám sát chương trình dạy và học qua phần mềm DAT.

Những chuyện "dở khóc, dở cười" với DAT

Tại một trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, học viên Trịnh Thị Bích Ngọc bộc bạch: "Trong quá trình học trên đường trường, nhiều lúc trời nắng hắt vào camera cũng không nhận diện được người học, coi như phiên học hôm đó không được thiết bị lưu trữ, phải học lại".

"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT   - Ảnh 3.

Giáo viên dạy lái xe của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Hà An thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển Hà An thao tác trên thiết bị DAT do đơn vị tự phát triển và sử dụng

Vẫn là câu chuyện liên quan đến thiết bị DAT, phóng viên có dịp ghé thăm một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe thuộc một trường cao đẳng nghề đóng trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Anh Phạm Đăng Khôi, một học viên đang tham gia khóa học hạng B2 chia sẻ: "Phiên học trước đáng lẽ ra tôi đã đủ điều kiện để thi tốt nghiệp rồi, thế nhưng trong quá trình "chạy DAT" thực tế, tôi phải quay qua trái hoặc qua phải để liếc nhìn gương chiếu hậu, thế nhưng camera cũng không nhận diện được, vậy là tôi lại phải mất công học lại phiên học đó".

Đồng cảm với nhiều học viên rơi vào tình cảnh này, thầy giáo dạy thực hành Nguyễn Quang Điềng không khỏi bức xúc: "Rất nhiều học viên của tôi chạy thực hành trên đường giao thông đủ 810km (hạng B2) nhưng khi gửi dữ liệu về trung tâm, có học viên bị lỗi hơn 200km, có học viên bị lỗi 300km. Vậy là cả thầy và trò phải học lại số km đó mới đủ điều kiện thi tốt nghiệp. Ngoài ra, toàn bộ chi phí xăng xe, học lái phát sinh, học viên mất thêm khá nhiều tiền, còn thầy giáo thì mất công, mất sức.

"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT   - Ảnh 4.

Thiết bị DAT hiển thị các thông tin của giáo viên và học viên Trường cao đẳng Bắc Kạn

Anh Phan Ngọc Tuấn, thầy giáo dạy thực hành lái xe ô tô tại một trường trung cấp nghề có trụ sở tại tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, bản thân anh và nhiều giáo viên của trường trong quá trình tham gia đào tạo, sử dụng thiết bị DAT cũng gặp không ít trục trặc. "Đơn cử, trong quá trình thao tác để vào phiên học, học viên lúc chụp ảnh lấy mẫu thì không đeo kính cận nhưng khi chạy xe có đeo kính, camera cũng không nhận diện được", anh Tuấn dẫn chứng. 

"Dở khóc, dở cười" với học lái xe theo DAT   - Ảnh 5.

Thông tin học viên trên thiết bị DAT của Công ty Hà An

Còn tại một trung tâm giáo dục nghề nghiệp có trụ sở tại tỉnh Cao Bằng, anh Mùa A Vàng, học viên đang tham gia học lái xe hạng B1 phân trần: "Nhà báo ơi, sao bây giờ học lái xe vất vả thế, mình từ bé đến giờ đã được tiếp xúc với cái máy này đâu (thiết bị DAT). Có cái máy này giám sát, lên xe nó phải nhìn mình xong nó mới cho học, mà chạy được một lúc, thấy trời nắng nó lại không nhận ra mình nữa (thiết bị DAT bị "treo"). Cứ như vậy biết khi nào mình mới học xong?".

Ông Văn Đức Phúc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thiên Phúc Đức (có trụ sở tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) kể, có những lúc khi chạy vào những vùng mất sóng di động 4G hoặc mất sóng định vị GPS thì thiết bị không tính được quãng đường chạy bởi mất kết nối. Thiết bị tự thoát ra ngoài và số km của học viên đã chạy trước đó bị mất, phải chạy lại những phiên học đó để đảm bảo quãng đường học.

"Xảy ra tình trạng "treo" ứng dụng, phải tắt nguồn thiết bị và bật lại, phiên học đó cũng không tính số km học viên đã chạy trước và sau khi bị "treo". Vào những vùng mất sóng di động 4G không kết nối về máy chủ nên không thể đăng nhập phiên học cho học viên khác. Khi hoạt động thời gian lâu thiết bị quá nóng, thiết bị tự khởi động lại dẫn đến mất phiên học đang chạy", ông Phúc liệt kê một số tình huống thường gặp.

Cho rằng, việc giám sát đào tạo lái xe qua thiết bị DAT là chủ trương đúng đắn của Bộ GTVT, phù hợp với thực tế nhưng theo ông Trần Đức Minh, phụ trách kỹ thuật DAT thuộc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Cà Mau, vẫn còn một số bất cập cần giải quyết. Chẳng hạn, ban đêm đèn hồng ngoại camera chiếu sáng cường độ cao nên khuôn mặt học viên bị lóa không nhận dạng được. Trên những đoạn đường xấu làm cho xe rung lắc thì camera cũng không nhận dạng được học viên, phiên học.

"Camera không nhận dạng lúc đang dạy mặc dù những phiên trước vẫn nhận dạng đúng dẫn đến giáo viên phải quay về Trung tâm đổi thiết bị. Thiết bị bị "treo", không tương tác được trên màn hình cảm ứng, màn hình chập chờn nhấp nháy, giữa phiên dạy loa không hoạt động. Trong khi đó, phần quét thẻ, không nhận thẻ giữa đường dẫn đến giáo viên phải cho xe quay về Trung tâm đổi thiết bị", ông Minh nói và cho rằng, tất cả các lỗi trên làm tốn kém chi phí và thời gian bảo hành thiết bị. Trung tâm phải đầu tư thêm thiết bị dự phòng, đồng thời cũng làm tăng chi phí và thời gian giảng dạy rất nhiều. Giáo viên không tập trung hướng dẫn thực hành do phải theo dõi giám sát thiết bị dẫn đến có thể mất tập trung, cơ thể mệt mỏi gây mất an toàn giao thông.

Anh Trần Lê Phương, đại diện một đơn vị đào tạo lái xe có trụ sở trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng cho rằng, do việc áp dụng gấp nên quá trình dạy và học lái xe bằng dữ liệu DAT xuất hiện những tình huống "cười ra nước mắt" đối với học viên và giáo viên. "Nhiều hôm trời u ám, mây nhiều, hình ảnh của học viên đang chạy DAT bị ảnh hưởng khó nhận dạng, phải mất nhiều giờ đồng hồ đợi thời tiết tốt hơn thầy, trò mới tiếp tục được phiên học", anh Phương chia sẻ.

(Còn nữa)