Gần 10 đơn vị cung cấp thiết bị DAT
Theo tìm hiểu của Tạp chí Giao thông vận tải, hiện nay có 8 đơn vị cung cấp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe (DAT) được Cục Đường bộ VN công nhận phù hợp với QCVN 105:2020/BGTVT.
8 đơn vị này gồm: Công ty CP Kỹ thuật công nghệ EcoTek; Công ty CP Công nghệ sát hạch Toàn Phương; Công ty Hà An; Công ty CP sản xuất thiết bị điện tử tin học; Công ty TNHH BHQ Việt Nam; Công ty TNHH Công nghệ giáo dục 4.0; Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh.
Quá trình khảo sát và tìm hiểu của Tạp chí Giao thông vận tải cho thấy, giá thành mỗi bộ thiết bị dao động từ 7 – 9 triệu đồng, tuỳ từng thương hiệu, chủng loại.
Ông Trần Đức Minh, phụ trách kỹ thuật DAT thuộc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Cà Mau cho hay, giá thành thiết bị hiện quá cao, làm tăng gánh nặng tài chính cho các trung tâm đào tạo, đồng thời tăng chi phí cho người học.
"Trong trường hợp thiết bị phát sinh lỗi, trục trặc, lại tốn thêm chi phí và thời gian bảo hành thiết bị. Trung tâm phải đầu tư thêm thiết bị dự phòng, đồng thời cũng làm tăng chỉ phí và thời gian giảng dạy rất nhiều", ông Minh cho hay và kiến nghị đối với phần cứng DAT, camera phải tự động điều tiết được ánh sáng tốt hơn, đảm bảo ghi hình, nhận dạng cả ngày lẫn đêm, đặc biệt ban đêm khi có xe ngược chiều.
Ngoài ra, theo ông Minh, thiết bị DAT phải nhận dạng được khi xe bị rung lắc, khi học viên quan sát gương chiếu hậu buộc phải nhìn lên, sang phải, sang trái.
Nhà cung cấp thiết bị DAT nói gì?
Là một trong những đơn vị cung cấp thiết bị và chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thiết bị DAT cung cấp cho các cơ sở, trung tâm đào tạo lái xe, đại diện Công ty CP Kỹ thuật công nghệ EcoTek cho biết cũng đã nhận được phản hồi của một số đơn vị. Tuy nhiên, về những vấn đề trục trặc thiết bị mà Tạp chí Giao thông vận tải đề cập ở những kỳ trước, đại diện EcoTek cho rằng, nguyên nhân chính là do việc lắp đặt, vận hành và khách quan.
"Chẳng hạn như việc camera đặt không theo hướng dẫn hoặc lấy mẫu khuôn mặt chưa đúng quy trình thì quá trình nhận diện người học cũng không thực hiện được", ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Giám đốc Công ty CP kỹ thuât Công nghệ EcoTek cho hay.
Ông Ninh cũng phủ nhận thông tin cho rằng, khi phương tiện đi qua những địa hình đồi núi, hầm, cầu…, sóng yếu hoặc hệ thống bị quá tải,thì dữ liệu sẽ bị mất. "Với những tình huống đó, dữ liệu chỉ bị gián đoạn trong thời gian ngắn khi mất sóng. Khi có sóng GPS, dữ liệu vẫn được cập nhật đầy đủ, không ảnh hưởng đến quyền lợi của học viên, các dữ liệu đều được lưu trữ đầy đủ trong bộ nhớ thiết bị", ông Ninh khẳng định.
"Thực tế, khi cung cấp thiết bị, EcoTek đều có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn đầy đủ, tập huấn. Nhưng tại mỗi trung tâm, do thời gian đầu mới tiếp cận công nghệ, thiết bị, quy trình vận hành nên nếu thầy giáo am hiểu về kỹ thuật, công nghệ thì dễ tiếp nhận, nhưng với những thầy giáo có tuổi hoặc không am hiểu về công nghệ thì việc tiếp nhận và vận hành có khó khăn hơn.
Cũng không loại trừ khả năng thầy giáo thao tác chưa chuẩn hoặc chưa đúng theo hướng dẫn, quy trình vận hành, sau đó lại nghĩ do thiết bị", ông Ninh nói và cho biết, EcoTek cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị khắc phục, đến nay vận hành đã ổn định", ông Ninh nói.
Trong khi đó, ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất thiết bị điện tử tin học cho rằng, cấu hình camera sử dụng để nhận diện học viên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thực tế trongquá trình đào tạo học lái xe. Tuy nhiên có một số yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến việc nhận diện khuôn mặt học viên.
"Trên thực tế, người học phải quan sát tình huống giao thông trên đường ở nhiều góc nhìn khác nhau tùy theo tình huống giao thông, việc quan sát này sẽ ảnh hưởng đến việc nhận diện khuôn mặt của học viên. Để đảm bảo tỷ lệ nhận diện thành công cao, chúng tôi đã yêu cầu các trung tâm cung cấp đủ số lượng mẫu nhận diện của học viên ở nhiều góc nhìn để hỗ trợ cho chức năng nhận diện được chính xác", ông Thanh nói.
Với trường hợp học thực hành lái xe ban đêm, do phải sử dụng hình ảnh hồng ngoại, ánh sáng đèn phản chiếu nên việc nhận diện khuôn mặt học viên cũng bị ảnh hưởng. Theo ông Thanh, Công ty đã đưa ra các phương án tối ưu thuật toán nhận diện cùng với một số yêu cầu đối với trung tâm như chọn vị trí đặt camera phù hợp, hạn chế hồng ngoại để tránh hình ảnh bị lóa… , đảm bảo hình ảnh ban đêm được camera ghi nhận là tốt nhất nhằm hỗ trợ chức năng nhận diện đạt được kết quả cao.
Trả lời câu hỏi: Khi thiết bị gặp trục trặc, lỗi đường truyền về hệ thống máy chủ của Cục Đường bộ VN, giải pháp khắc phục là gì để đảm bảo quyền lợi của học viên và giáo viên?, ông Thanh cho biết, trong quá trình đào tạo, dữ liệu phiên đào tạo của học viên sẽ được lưu trữ trên thiết bị DAT sau đó dữ liệu phiên học này sẽ được gửi lên máy chủ của cơ sở đào tạo.
"Khi nhận đủ dữ liệu phiên học thì tối đa sau 2 phút dữ liệu sẽ được đồng bộ lên máy chủ của Cục Đường bộ VN. Như vậy, khi đường truyền của Cục Đường bộ VN bị lỗi, dữ liệu sẽ vẫn còn lưu tại thiết bị DAT hoặc trên máy chủ của cơ sở đào tạo. Khi đường truyền lên máy chủ của Cục Đường bộ VN ổn định thì phiên học của học viên sẽ được gửi lên để đảm bảo đủ dữ liệu học cho học viên", ông Thanh cho biết thêm.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên Tạp chí Giao thông vận tải, có trường hợp trên cùng 1 xe có thể lắp đặt nhiều thiết bị DAT để "chạy khống" cho học viên. Dưới góc độ là một trong 8 nhà cung cấp thiết bị DAT, ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất thiết bị điện tử tin học cho rằng, việc này (dùng nhiều thiết bị "chạy" trên cùng một xe) có thể làm được, tuy nhiên dữ liệu phiên đào tạo của học viên sẽ không được đảm bảo chính xác, nhất là ở phương diện nhận diện khuôn mặt.
"Công ty CP sản xuất thiết bị điện tử tin học cũng đã khuyên cáo cho các đối tác sử dụng thiết bị của công ty là không sử dụng hình thức đó để đào tạo vì dữ liệu đào tạo không phù hợp, có thể sẽ phải đào tạo lại, ảnh hưởng đến tiến độ đào tạo của trung tâm", ông Thanh cho hay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.