Đô thị ven biển Việt Nam: Gỡ vướng để phát triển xứng tầm

Bất động sản 04/08/2022 14:00

Phát triển bền vững đô thị biển dọc vùng duyên hải Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ sẽ tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội từng vùng và toàn quốc.

 

Đô thị ven biển quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng

Đô thị ven biển quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng

Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới

Nhiều ý kiến đề xuất mang tính giải pháp căn cơ về định hướng, quy hoạch, khai thác tiềm năng, phát triển đô thị ven biển Việt Nam được các chuyên gia đầu ngành, nhà nghiên cứu, quản lý đưa ra bàn luận, chia sẻ tại Hội thảo Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 3/8 tại Hội An (Quảng Nam).

Theo ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260km từ Móng Cái đến Hà Tiên, đi qua 28/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, đô thị biển tập trung dọc vùng duyên hải Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, đóng vai trò cửa ngõ hướng biển của vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội từng vùng và toàn quốc. Đây là điểm cơ bản của hệ thống biển Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. 

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, Quảng Nam có đất, biển, sông, tuy nhiên để sử dụng tốt các nguồn tài nguyên, tiềm năng, thế mạnh về biển, tỉnh mong muốn được các chuyên gia hiến kế giải pháp, định hướng cho những mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Nhất là giải pháp mang tính định hướng, quy hoạch, khai thác tiềm năng đối với khu vực nhạy cảm sông - biển, vừa thích nghi với khí hậu vừa tạo điểm nhấn cho đô thị ven biển.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thảo - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư & Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, với nguồn lực hạn chế, các dự án ven biển trong quá trình kêu gọi nhà đầu tư, xác định nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư gặp không ít vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Hội thảo Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới

Hội thảo Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới

Bà Thảo bày tỏ" Từ thực tế cho thấy, các dự án ven biển có nguồn gốc đất rất phức tạp, do đó, qua hội thảo lần này, chúng tôi mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực về khung pháp lý liên quan đến xác định nguồn gốc đất và lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế cho các dự án ven biển".

Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày xưa chỉ thấy ở biển là tiềm năng khai thác tài nguyên thiên nhiên, hiện nay là kinh tế mới về biển, kể cả đô thị ngầm về biển. Khai thác nguồn lực từ biển, Việt Nam cần quan tâm, vì có triển vọng khá lớn. Các nước như Anh, Scotland đang thực hiện khá thành công.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ thông tin: Bàn về phát triển bền vững, chúng ta cần quan tâm đến báo cáo Ngân hàng Thế giới về các biện pháp đảm bảo phát triển vùng biển. Báo cáo có 5 giải pháp: Một là, chúng ta phải có số liệu đầy đủ về không gian vùng biển bằng ảnh vệ tinh. Hai là, quy hoạch biển phải đẩy lên trước, vì chúng ta làm mọi việc mà không có quy hoạch thì không thấy đường mà đi. Ba là, tăng cường sức chống chịu của hạ tầng và các dịch vụ công cộng ven biển; hạ tầng chống chịu được thiên tai ở mức độ thường hay gặp. Thứ tư là, các quyết định phải dựa trên nguyên lý thuận thiên. Năm là, nâng cao năng lực ứng phó, phục hồi. 

"Chúng ta phải thực hiện từ quy hoạch tổng thể đến chi tiết, để đảm bảo phát triển bền vững. Chúng ta có thể học người Nhật đề phòng các tai họa thiên nhiên từ biển đi vào, các khách sạn cần chống chịu được gió bão, nước lụt, sạt lở…", GS.TSKH. Đặng Hùng Võ gợi mở.

Đô thị ven biển Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đô thị ven biển Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Vai trò, vị thế và những vấn đề đang đối mặt

KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, hiện nay các đô thị biển của Việt Nam chỉ mới phát triển tập trung ở dải ven biển như TP. Hạ Long, Hải Phòng, Sầm Sơn, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang. Nhưng chưa thể hiện rõ tư duy đô thị biển là hạt nhân trung tâm thúc đẩy các ngành kinh tế biển phát triển.

"Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển và thực sự trở thành cường quốc biển, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển các cực kinh tế biển, với hệ thống các chuỗi đô thị biển. Chuỗi đô thi biển là “pháo đài” tiền tiêu trong phòng thủ, là “bàn đạp”, hạt nhân tiến ra biển, đặt trong tư duy chiến lược liên kết vùng", ông Chính nhìn nhận.

Ông Trần Ngọc Chính đề xuất giải pháp tại Hội thảo.

Ông Trần Ngọc Chính đề xuất giải pháp tại Hội thảo.

Theo ông Chính, với xu hướng phát triển như hiện nay, các thành phố, thị trấn ven biển đang phải đối mặt với những thách thức phát triển cân bằng, môi trường bị hủy hoại dưới tác động của các hoạt động kinh tế và đô thị hóa…

Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý về quy hoạch, đầu tư xây dựng và đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững quỹ đất ven biển, ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Bàn về giải pháp phát triển kinh tế đô thị biển và hạ tầng đô thị biển Việt Nam,  PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất: Phải có tầm nhìn và cách tiếp cận mới về đô thị biển, phải thể hiện trong quy hoạch quốc gia. Đô thị biển phải là toạ độ hội nhập quốc gia, mở cửa và trở thành trung tâm cạnh tranh quốc tế. Tích hợp chức năng của đô thị trên tinh thần hiện đại hoá, đó là đô thị cảng biển (hàng hoá hoặc du lịch), là trung tâm công nghiệp thông minh, là tổ hợp logictis kiểu mới.

"Chúng ta phải tạo tư duy, có cơ chế trao quyền phải gắn với chức năng đặc thù cho các đô thị biển để tăng tính chủ động, sáng tạo. Động lực phát triển đô thị biển phải dựa vào các doanh nghiệp tư nhân", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ ý kiến về phát triển đô thị ven biển tại Hội thảo

PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ ý kiến về phát triển đô thị ven biển tại Hội thảo

Cần có cơ chế, quy hoạch chung về đô thị biển

Bàn về phát triển của đô thị ven biển gắn với bảo tồn giá trị văn hóa, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản chia sẻ: Trong quá trình phát triển đô thị biển cần lưu ý vấn đề về bảo tồn giá trị văn hoá. Nếu mất đi, phục dựng lại cũng không còn nhiều giá trị.

Đô thị biển tác động bởi các chỉ tiêu quy hoạch, cần xem xét lại để hạn chế diện tích sử dụng, giữ gìn không gian cảnh quan. Nhiều dự án hạ tầng chỉ mới xây dựng được vài năm đã gặp vấn đề về hạ tầng. Phát triển đô thị biển cần có giải pháp bảo vệ hành lang bờ biển, giải quyết xung đột để chia sẻ quyền lợi giữa các chủ thể khác nhau.

"Trong quá trình phát triển tới đây, chúng ta cần có cơ chế riêng để phát triển đô thị biển", ông Lập nêu quan điểm.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ nhìn nhận: Chúng ta có thể bàn về quy hoạch tương lai, giải pháp, nhưng ở Việt Nam những khái niệm cơ bản nhất lại không được đưa vào bàn. Quy định về đường biển, đất liền cũng chưa có.

Còn TS Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc phát triển đô thị biển hiện nay chưa có quy hoạch chung. Hiện nay chỉ có quy hoạch về đất liền còn quy hoạch về phát triển đô thị biển lại đang thiếu. Điều này dẫn đến hệ lụy, tất cả các đô thị biển không có nét đặc trưng, không có sự liên kết lẫn nhau, đôi khi còn xung đột lợi ích.

"Giai đoạn này chúng ta đang làm đề án Quy hoạch Quốc gia nhưng không có chỗ nào nói về quy hoạch biển, đô thị biển", ông Dũng nói.

TP Hội An một trong những đô thị biển ở tỉnh Quảng Nam

TP Hội An một trong những đô thị biển ở tỉnh Quảng Nam

Theo ông Dũng, để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, chúng ta cần sớm đưa khái niệm về đô thị biển vào trong quy định của pháp luật như là định nghĩa về đô thị đặc thù. Để từ đó hình thành mô hình phát triển đô thị biển bền vững trên cơ sở phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, xã hội, quá trình phát triển của các đô thị ven biển hiện nay (kể cả mặt tốt và mặt chưa tốt) trong nước và quốc tế.

"Hiện nay, đã phân loại đô thị, nhưng chỉ mới có đô thị miền núi, đô thị hải đảo, chưa có đô thị biển, nên cần phải định nghĩa rõ ràng về đô thị biển, để có quy hoạch, phương án xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị biển trong phân loại đô thị. Từ đó tạo thuận lợi cho việc xác định vị trí, vai trò chức năng của đô thị biển, nhất là các đô thị biển", ông Dũng nhìn nhận. 

Ý kiến của bạn

Bình luận