Đổ xăng hãy nhớ lấy hóa đơn!

Tác giả: Theo Cafebiz

saosaosaosaosao
Bạn đọc 02/02/2016 07:39

Gần đây, phát sinh vấn đề một số ô tô và xe máy đổ xăng A95 từ cây xăng của Petrolimex bị hư hỏng, phải mang vào hãng sửa chữa. Thậm chí, một số người thử lấy xăng được hút ra để đốt thử thì thấy xăng không cháy hết.

Đổ xăng hãy nhớ lấy hóa đơn!

Việc xăng không cháy hết cho thấy xăng có lẫn tạp chất. Đại diện Petrolimex, ông Đặng Duy Quân đã xác nhận tình trạng này và tính toán việc bồi thường, trước hết là bồi thường chi phí nhiên liệu, sau đó là chi phí sửa chữa xe.

Tuy nhiên, để nhận bồi thường không dễ.

Anh Hùng, Q2, TP.HCM cho hay, sau khi đổ xăng tại một trạm trên đường Hai Bà Trưng (Q.3), xe chạy được một ngày thì bị hiện tượng khó nổ, nghe tiếng bụp bụp. Thợ sửa xe cho biết xăng anh đổ không dùng được vì lẫn tạp chất.

Làm việc với đại diện trạm xăng, họ cho biết khi mua anh Hùng không có hóa đơn, camera của trạm cũng xóa hết dữ liệu ngày anh đến đổ nên không thể kiểm tra.

Vấn đề ở đây là: Chủ trạm xăng yêu cầu phải có hóa đơn VAT làm bằng chứng pháp lý mới có thể bồi thường.

Yêu cầu của chủ trạm xăng dựa trên cơ sở pháp luật. Tuy nhiên, có lẽ hiếm ai đi xe máy lại chủ động lấy hóa đơn khi mua xăng.

Thực tế, ghi nhận cho thấy, việc mua xăng cung cấp hóa đơn VAT từ trước đến nay hầu hết chỉ diễn ra đối với ô tô. Và chỉ khi mà chủ nhân chiếc xe yêu cầu lấy hóa đơn chứng từ, trạm xăng mới cung cấp.

Chính vì thế, khi phát sinh các sự cố dẫn đến thiệt hại, người mua xăng không có bằng chứng đối chiếu để được bảo đảm quyền lợi mà lẽ ra mình được có.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khi chất lượng xăng kém, bán thiếu người tiêu dùng có thể thương lượng yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại bằng văn bản.

Nếu các bên thương lượng không thành thì người tiêu dùng có thể đi bước tiếp theo là khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

Tuy nhiên, nếu lôi nhau ra tòa, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ thua. Việc khiếu kiện các doanh nghiệp làm ăn gian dối lại không hề đơn giản bởi người tiêu dùng thường không có đủ bằng chứng pháp lý cần thiết như hóa đơn, chứng từ, video...

Chính vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng không có chứng cứ để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng không có cơ sở để xử lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

"Để bảo vệ mình, khi mua xăng người tiêu dùng phải tìm hiểu rõ và lấy hóa đơn để khi có tranh chấp thì các cơ quan có thẩm quyền có cơ sở giải quyết. Đây được coi là bằng chứng chứng minh việc cung cấp hàng hóa của doanh nghiệp đối với khách hàng", Luật sư Trần Minh Hùng nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận