Doanh nghiệp chuẩn bị hành trang để hội nhập thành công

Doanh nhân 14/02/2016 15:32

Để hội nhập thành công, các doanh nghiệp cần nắm vững thông tin về thương mại tự do và sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa chính thức được ký kết tại New Zealand là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa 12 nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu, Hiệp định TTP chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, chính thức ký kết TPP sẽ tạo ra những cơ hội mới giúp doanh nghiệp hội nhập sâu rộng vào thị trường nhiều quốc gia có thế mạnh để xuất khẩu hàng hóa một cách thuận lợi.

TPP_copy_PIIK
Ký kết TPP sẽ tạo ra những cơ hội mới, giúp doanh nghiệp hội nhập sâu rộng vào thị trường nhiều quốc gia 

TPP không phải là Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên mà Việt Nam tham gia và cũng không phải là FTA thế hệ mới duy nhất mà nước ta đã hoàn tất đàm phán cho tới thời điểm này. Tuy nhiên, với thị trường 800 triệu dân, chiếm 40% GDP của thế giới, lưu lượng giao dịch hàng hóa chiếm 30% thương mại toàn cầu… TPP sẽ là FTA có tác động lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước trong tương lai gần.

Ông Huỳnh Nghĩa Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất Thép Vina One cho biết, việc đất nước vừa ký kết Hiệp định TPP trong dịp đầu năm mới là tín hiệu vui cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Từ đây, Hiệp định sẽ tạo ra những thuận lợi về thuế quan cũng như những ưu đãi để doanh nghiệp các nước hợp tác sâu rộng hơn trong thời gian tới.

“Doanh nghiệp đã tìm hiểu về Hiệp định TPP từ những năm trước, và đã có những chỉ đạo đối với tất cả các phòng ban, phòng kinh doanh cũng đã đi tìm hiểu thị trường và cũng đã tiếp xúc với một số khách hàng trong các thị trường này như thị trường Mỹ… Doanh nghiệp hi vọng Hiệp định được ký kết sẽ tạo ra mặt thuận lợi về thuế quan từ thì trường các nước trong Hiệp định. Đặc biệt, qua đó các nước sẽ được hợp tác sâu rộng hơn và Thép Vinaone đưa sản phẩm ra các thị trường mới một cách thuận tiện và dễ dàng hơn,” ông Thiện chia sẻ.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan trong TPP, hàng hóa sản xuất phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ. Vì vậy yêu cần đặt ra cho các doanh nghiệp thiết lập được nguồn cung nguyên liệu mới, điều chỉnh dây truyền sản xuất để đáp ứng được những yêu cầu, quy tắc cũng như tìm kiếm khách hàng tại TPP.

Ngành dệt may được đánh giá được đánh giá là ngành hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia vào TPP, Hiệp định được ký kết sẽ có thị trường rộng hơn và mức độ giảm thuế về 0% nhanh hơn. Đây là cơ hội lớn để ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, quy định về xuất xứ cũng tạo ra thách thức lớn khi phải áp dụng chặt chẽ nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” (yarn forward) đối với các nguyên liệu đầu vào phải được nhập từ nước thành viên của TPP, trong khi hiện Việt Nam nhập tới 60% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên cho rằng, doanh nghiệp cần tự chủ về nguồn nguyên liệu- phụ liệu nhằm tăng dần tỉ lệ nội địa hóa, đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ đầu tư vào.

“Có 8 dòng hàng được hưởng lợi trong 5 năm, do đó Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu từ sợi, phải khai thác trước về những yêu cầu trong các nước TPP đang dành quyền ưu đãi cho Việt Nam. Ví dụ như các mặt hàng áo tắm, áo bơi, quần áo trẻ em và một số dạng sợi cao cấp mà Việt Nam chưa làm được, do đó hiện nay đang tập trung vào các điều đó để khai thác trước trong vòng 5 năm. Theo lộ trình trong vòng 5 năm tới sẽ phải đầu tư vào một số mặt hàng mà có lợi thế về số lượng để hưởng lợi thế về mặt thuế quan,” ông Dương phân tích.

Doanh_nghiep_copy_CDFZ
Yêu cần đặt ra cho các doanh nghiệp là thiết lập được nguồn cung nguyên liệu mới

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc ký kết Hiệp định TPP đặt ra tâm thế cho các doanh nghiệp phải sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh lớn và sòng phẳng. Khi đó, đối thủ không chỉ trong nước mà là nhiều nước lớn và có tiềm lực kinh tế, bề dày phát triển lâu năm. Yêu cầu trong xu thế mới đó là: phải chuyên nghiệp trong công tác quản trị doanh nghiệp, quay lại những yếu tố kinh doanh cốt lõi những mặt hàng, sản phẩm có thế mạnh thực sự, củng cố yếu tố nền tảng…

Ông Lộc nhấn mạnh, để hội nhập TPP phải nắm vững thông tin, yêu cầu từ Hiệp định, từ đó phân tích những tác động đối với doanh nghiệp nhằm đưa ra giải pháp phát triển hợp lý. Ông Lộc cũng cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần đẩy mạnh việc cải cách thể chế giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, các Hiệp Hội doanh nghiệp có các chương trình hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cho quá trình hội nhập.

Hiệp định TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia được hình thành với mục tiêu chính là xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này, như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động… Do đó, để tận dụng hiệu quả những cơ hội từ TPP doanh nghiệp Việt Nam phải làm ăn bài bản, vươn tới chuẩn mực quốc tế để hội nhập thành công trong bối cảnh hiện nay.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận