Doanh nghiệp gia công phần mềm Việt với bài toán về thị trường Bắc Mỹ

Tác giả: pv

saosaosaosaosao
18/10/2016 04:34

Trong những năm gần đây, ngành gia công phần mềm ở VN có nhiều lợi thế nhất định để trở thành một trong những QG gia công phần mềm hàng đầu.

800x600-01

Bài toán không khó

Trong những năm gần đây, ngành gia công phần mềm ở Việt Nam có nhiều lợi thế nhất định để trở thành một trong những quốc gia gia công phần mềm hàng đầu. Tiếp nối những thành công đạt được tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt đang tích cực tìm kiếm thêm những cơ hội mới tại thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong đó thị trường Bắc Mỹ được rất nhiều doanh nghiệp CNTT đặc biệt quan tâm, bởi đây là một thị trường công nghệ thông tin lớn, kỳ vọng sẽ là thị trường tiềm năng thứ hai sau Nhật Bản.

Nhắc đến thị trường gia công phần mềm của Bắc Mỹ là nhắc đến một thị trường có quy mô lớn nhiều tỷ đô, nhu cầu cao nhưng nhân lực đáp ứng được thì thiếu và tính cạnh tranh rất khốc liệt. Vì thế, doanh nghiệp phần mềm Việt Nam không thể ngồi chờ các đối tác này tiếp cận mà chỉ dựa vào yếu tố: giá thành rẻ nếu so sánh với Trung Quốc, Philippines hay Ấn Độ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt vẫn có được những lợi thế rất lớn so với những doanh nghiệp về CNTT khác trên thế giới:

- Thứ nhất phải kể đến là việc Việt Nam hiện đang được các công ty lớn chọn làm điểm đầu tư lâu dài, như: Intel, Samsung, LG, Renesas, Foxconn, Fujitsu, Canon, Panasonic đã đặt nhà máy sản xuất; HP, CSC, Cisco, NTT, Toshiba, Sony, Hitachi, Boeing, Deutsche Bank đã chuyển phần nghiên cứu và phát triển về Việt Nam.

- Thứ hai, Việt Nam có nguồn nhân lực kỹ thuật cao dồi dào với trên 40.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm từ hơn 290 trường đại học trên cả nước.

- Thêm vào đó, Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghệ cao, khu phần mềm; và các ưu đãi thuế cùng chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

- Và cuối cùng là giá dịch vụ gia công phần mềm tại Việt Nam dù có tăng trong những năm gần đây, nhưng vẫn thuộc hàng thấp nhất thế giới.

...Nhưng lời giải không hề đơn giản

Để cạnh tranh trong nền kinh tế hiện nay, việc nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu chi phí đang là những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Quang Minh, Trợ lý về Công nghệ thông tin của Tổng giám đốc Hanel, đồng thời là Tổng giám đốc HanelSoft - một công ty thành viên của Hanel: “Những tiêu chí về mặt chất lượng dịch vụ, đội ngũ nhân lực có trình độ cao, nguồn công nghệ chuyên sâu đa dạng và tiết kiệm chi phí cho khách hàng sẽ là chìa khóa cho các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt giữ chân được các đối tác, khách hàng từ các thị trường khó tính như Nhật hay Mỹ”.

Việt Nam đang có sự chuyên biệt khá rõ ràng về thị trường khi hầu hết các công ty gia công phần mềm tại Hà Nội tập trung cho thị trường Nhật Bản, còn đối tác từ Mỹ thường tìm đến các công ty phía Nam. Trong bối cảnh đó, việc Global Cyber Soft – một trong những công ty gia công phần mềm thuộc top đầu tại thành phố Hồ Chí Minh - mới lập thêm văn phòng ở Hà Nội hay sự kiện một loạt các doanh nghiệp phần mềm phía Bắc được Sở Công thương Hà Nội tổ chức sang Canada và Mỹ để giao thương, ký hợp đồng đối tác, chứng tỏ sự giao thoa và mở rộng khá rõ nét trong chiến lược phát triển mạnh mẽ và chủ động của các công ty. 

Vấn đề là các “ông lớn” trong ngành có sẵn sàng chia sẻ cơ hội và hỗ trợ cho các công ty nhỏ hơn để cùng phát triển và xây dựng cộng đồng gia công phần mềm nói riêng cũng như ngành CNTT Việt Nam nói chung trở nên mạnh mẽ và có giá trị hơn hay không; như mục tiêu mà rất nhiều các Liên minh, Hội và Hiệp hội cùng ngành đã ra đời và mong muốn hướng tới.

Ý kiến của bạn

Bình luận