Doanh nghiệp hàng hải “kêu” khó đối với thủ tục hành chính

Bạn đọc 30/09/2014 21:37

Chiều nay (30/9), tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị sơ kết chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước cảng biển. Tới dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cùng đại diện lãnh đạo các cục, vụ, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT.


Theo ông Đỗ Đức Tiến – Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) cho biết: Bộ GTVT hiện quản lý 42 tuyến luồng hàng hải và các khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển. Đây là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch nên hàng năm nhà nước có trách nhiệm nạo vét, duy tu theo chuẩn tắc thiết kế để bảo đảm giao thông hàng hải với kinh phí dự kiến khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước hiện rất khó để bố trí thực hiện đầy đủ, đúng chuẩn tắc thiết kế và cũng chỉ có thể thực hiện nạo vét từ 12 – 20 tuyến luồng, không có kinh phí nạo vét các tuyến luồng khác cũng như khu neo đậu, chuyển tải, tránh trú bão.

Hội nghị sơ kết chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước cảng biển

Hội nghị sơ kết chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước cảng biển

Theo đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục HHVN và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải.

Doanh nghiệp “kêu” khó đối với thủ tục hành chính

Theo Công ty cổ phần ĐT&TM Linh Thành Quảng Bình cho biết: Dự án “Nạo vét thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu tại cửa sông Giang tỉnh Quảng Bình” ký thực hiện từ năm 2009, tuy nhiên Chính phủ có quy định tạm ngưng xuất khẩu cát nhiễm mặn từ ngày 30/6/2010. Đến năm 2013 công ty tiếp tục tái khởi động dự án, các hồ sơ phải được thiết kế lại thì trong đó có thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động của môi trường phải làm lại từ đầu là không cần thiết, gây mất nhiều thời gian và kinh phí cho nhà đầu tư.

Trong đó, thời gian cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn là rất ngắn, bởi vì một số nguyên nhân khách quan và đặc thù của dự án này là thực hiện theo mùa khô, nên nhà đầu tư phải liên tục xin gia hạn giấy phép xuất khẩu từ Sở Xây dựng đến UBND tỉnh Quảng Bình và sau đó trình lên Bộ Xây dựng. Còn đối với hồ sơ xin phê duyệt phương án đảm bảo an toàn hàng hải của dự án trình từ tháng 8/2013, nhưng phải đến tháng 6/2014 thì đơn vị đảm bảo hàng hải mới có ý kiến và quyết định phê duyệt.

Doanh nghiệp này còn “kêu” khó đối với thủ tục thông quan, xuất cảnh cho tàu và hàng hóa. Khi tàu làm hàng xong lúc đó mới bắt đầu làm thủ tục thông quan và xuất cảnh, thời gian tàu phải đợi ít nhất 3 tiếng, gây ra phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, trung bình một con tàu phải trả 600 USD/giờ. Chưa kể đến tàu xong hàng vào buổi đêm thì phải đợi đến sáng hôm sau mới làm thủ tục, gây nên thiệt hại về thời gian và chi phí rất lớn.

Các dự án đều triển khai chậm tiến độ

Theo ông Nguyễn Nhật – Cục trưởng Cục HHVN cho biết: Các nhà đầu tư cơ bản đã cố gắng tiến hành thủ tục để có thể thực hiện dự án (khảo sát, thiết kế, trình phê duyệt dự án, đánh giá tác động môi trường, đăng ký khối lượng tận thu…). Đã có 05 dự án tiến hành thi công nạo vét và 06 dự án hoàn thành thủ tục để thi công từ cuối năm 2014, đầu năm 2015. Tuy nhiên, hiện phần lớn các dự án chưa thi công nên chưa đạt hiệu quả mục tiêu thông luồng đề ra.

Các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải đều triển khai chậm tiến độ

Các dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu luồng hàng hải đều triển khai chậm tiến độ

Đánh giá năng lực của nhà đầu tư, ông Nguyễn Anh Hữu – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận cho rằng: Chủ đầu tư chưa tự đánh giá hết năng lực, kinh nghiệm và điều kiện thực tế cũng như quá trình thực hiện dự án có liên quan đến rất nhiều cơ quan, ban ngành, chủ đầu tư chưa phối hợp tốt nên quá trình thực hiện dự án đã dẫn đến tiến độ chậm.

Việc tiến hành thực hiện thi công nạo vét tuyến luồng hàng hải, sau đó tận thu sản phẩm cát nhiễm mặn để xuất khẩu sang nước ngoài bù chi phí đi đôi với việc thiết lập vị trí cho tàu thuyền nước ngoài neo đậu, chuyển tải cát nên ảnh hưởng đến các thủ tục có liên quan cần thiết theo quy định để được thành lập khu chuyển tải. Điều này khiến cho tiến độ thực hiện thi công của dự án bị chậm trễ.

Trong đó, đa số các phương tiện thi công nạo vét, chuyển tải cát thuộc loại đăng ký phương tiện thủy nội địa phân cấp SI, SII nên khi thực hiện thi công, chuyển tải tại các khu vực biển không đảm bảo phù hợp điều kiện cho phép về vùng hoạt động của phương tiện theo quy định.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, việc ngân sách nhà nước còn hạn chế, nguồn vốn ODA giảm mạnh. Thì việc xã hội hóa nạo vút duy tu luồng hàng hải là hết sức to lớn và đúng đắn. Chính vì vậy Bộ GTVT, sẽ tạo mọi điều kiện về cơ chế để thu hút nhà đầu tư. Bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ban ngành liên quan đưa ra các giải pháp cụ thể để rút ngắn các thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư.

Trường Thọ

Ý kiến của bạn

Bình luận