Không phải cái tên quá nổi bật song Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) luôn thuộc top các doanh nghiệp Nhà nước có lợi nhuận lớn nhất, có khi vượt xa nhiều ông lớn như Petrolimex, EVN, ACV hay Vinacomin…
Thành lập năm 1990, VEAM là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực chế tạo động cơ, máy nông nghiệp, với các sản phẩm đa dạng từ động cơ nổ (diesel, xăng), máy cày, máy phay đất, máy kéo, máy gặt, máy xay xát, máy cấy, máy sấy, bơm thuốc trừ sâu, các loại thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản…
Doanh nghiệp có 20 công ty con, công ty liên kết; sử dụng 7.000 lao động và đang sở hữu nhà máy ôtô với thiết kế 33.000 xe tải một năm tại Thanh Hóa. Hiện VEAM còn tham gia cung cấp các linh kiện, phụ tùng cho các hãng Honda, Piaggio, Yamaha…
Đầu tư nhiều ngành nhưng lợi nhuận của VEAM lại không đến từ những ngành sản xuất mà đến từ khoản đầu tư góp vốn vào các công ty liên kết như Honda, Toyota, Ford Việt Nam.
Từ 558 tỷ đồng góp vốn ban đầu vào 3 đơn vị, giá trị khoản đầu tư đã lên tới 8.381 tỷ đồng |
Trong bối cảnh các đại gia xe thế giới đổ vốn vào Việt Nam xây dựng nhà máy những năm qua, VEAM đã nhanh chóng góp vốn và trở thành cổ đông của các liên doanh này.
Hiện VEAM đang nắm 30% cổ phần của Honda Việt Nam, 20% vốn của Toyota Việt Nam, 25% vốn của Ford Việt Nam (chuyển nhượng từ đơn vị thành viên Diesel Sông Công). Tổng vốn đầu tư vào 3 đơn vị này ban đầu là 558 tỷ đồng song đến nay, con số thực tế đã tăng lên 8.381 tỷ đồng.
Với mỗi chiếc xe Honda, Ford, Toyota ra thị trường… VEAM cũng đều được hưởng phần lợi nhuận. Con số của năm 2014 là 3.500 tỷ, 2013 là 2.554 tỷ đồng.
Sang năm 2015, doanh số bán xe của Toyota đạt kỷ lục (gần 51.250 xe, tăng 24,4%). Tương tự, con số của Ford và Honda cũng lần lượt tăng 48% và 28%, đạt 20.740 và hơn 8.300 chiếc. Kết quả này cũng hứa hẹn những khoản lời lớn cho VEAM trong năm tài chính tiếp theo.
Lợi nhuận lớn của VEAM không đến từ ngành sản xuất mà từ khoản đầu tư vào Honda, Toyota, Ford. |
Trên thực tế, nếu không nhờ vào lợi nhuận từ các khoản góp vốn nêu trên, VEAM có thể rơi vào thua lỗ. Cụ thể trong năm 2014, tổng doanh doanh thu từ bán hàng của tổng công ty đạt 5.098 tỷ đồng, trong đó giá vốn đã lên tới 4.660 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí doanh nghiệp, tài chính, công ty này có thể lỗ vài trăm tỷ đồng.
Tuy vậy, trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường ôtô, các khoản đầu tư "vàng" nêu trên dự kiến sẽ còn "đỡ đần" được cho VEAM trong những năm tới, khi các doanh nghiệp ngành xe được dự báo sẽ còn ăn nên làm ra.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.