Đường vào các xã Cẩm Duệ, Cẩm Quan mênh mông biển nước - Ảnh: Lê Minh |
Chia sẻ khó khăn với người dân bị ngập lũ, trong các ngày 20, 21/10 Công ty MTV Ninh Quỳnh (Lạng Sơn), Công ty TNHH X.E Việt Nam, nhà xe Đức Trưởng (Thái Bình), hãng xe khách Anh Khoa, cư dân tòa các tòa nhà Nơ 19,20 (khu đô thị Pháp Vân, Hoàng Mai, Hà Nội)... khẩn cấp cứu trợ hơn 500 thùng mỳ tôm, gần 2 tấn gạo, 350 can dầu ăn, 200 chai nước mắm, 200kg đường, nước sạch và 100 chăn ấm đến tận tay những gia đình đang bị cô lập giữa biển nước.
Ông Nguyễn Duy Ninh - Giám đốc Công ty Ninh Quỳnh, cho biết, khi những thông tin các tỉnh miền Trung ngập chìm trong lũ dữ được phát đi cũng là lúc chiến dịch cứu trợ người dân vùng lũ được ban lãnh đạo Công ty triển khai hết sức khẩn trương gấp rút.
“Khi hay tin hồ Kẻ Gỗ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh xả lũ khiến người dân vùng hạ lưu rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, tôi quặn đau từng khúc ruột. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách” là những điều mà tôi luôn ghi nhớ. Tôi mong rằng những món quà nhỏ này sẽ giúp đồng bào nơi đây vơi bớt khó khăn và khắc phục hậu quả sau mưa lũ”, ông Ninh chia sẻ.
Vượt qua hành trình cực kỳ gian nan do tuyến đường huyết mạch QL1A bị sạt lở, chia cắt, sáng 20/10, đoàn cứu trợ ngược dòng nước xiết về với huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nhưng khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận và trao những suất quà đầu tiên đến với bà con vùng lũ.
Từ thị trấn huyện Cẩm Xuyên vào các xe Cẩm Duệ và Cẩm Quan chỉ 3km nhưng phải mất gần 1 giờ đồng hồ di chuyển vì dòng nước chảy xiết. Dù nước đã rút hơn 1m nhưng tuyến đường chính dẫn vào hai xã này vẫn bị nước lũ bao vây.
Một ngôi nhà bị nhấn chìm - Ảnh: Lê Minh |
Nghe tin có đoàn cứu trợ vào tiếp tế nhu yếu phẩm, nhiều cụ ông, cụ bà năm nay đã ngót nghét 90 tuổi lật đật nhờ con cháu dìu ra. “Cảm ơn các cô chú kịp thời ứng cứu. Có mì tôm và nước lọc thời điểm ni quý lắm”- cụ Lân (85 tuổi, trú tại xã Cẩm Nhuệ) cho hay.
Cụ Lân nói đã mấy chục năm nay cụ mới thấy cơn lũ dữ như thế: “Khiếp vía. Sợ lắm. Nghe cháu kêu nước lên rồi mẹ ơi rồi dìu tôi lên nóc nhà ngồi. Cứ lo trong bụng, nếu tiếp tục xả tràn hồ Kẻ Gỗ thì sẽ không biết xoay xở mần răng”.
Chị Đào Thị An (xã Cẩm Quan) cho biết 5 ngày bị nước lũ bao vây, nhà nào có nền cao còn có điều kiện “ăn chín uống sôi”, còn nhà ngập nước thì tiện gì ăn nấy. Có khi là ăn sống mấy gói cho tôm lấy sức cầm cự chống lũ”.
“Nhà có bếp gas còn tranh thủ mang lên mái nhà nấu được miếng cơm, ăn mì tôm nóng. Còn nhà nấu củi hoặc là ăn sống, hoặc là tới bữa nhờ hàng xóm cứu trợ lương khô, khoai sắn”, chị An nói.
Theo xe trao cứu trợ tận nơi, chị Lê Thị Hải (nhân viên Công ty TNHH X.E Việt Nam) cho biết chị đã thấy bà con rất khó khăn nhưng khi trực tiếp tiếp cận mới thấu hiệu sự gian gian, khó nhọc của người dân vùng rốn lũ.
Hơn 500 thùng mì, gần 2 tấn gạo, 350 can dầu ăn loại 2 lít, 200 chai nước mắm, 200kg đường, 100 chăn ấm được chuẩn bị chu đáo cứu trợ bà con vùng lũ- Ảnh: Lê Minh |
Ông Nguyễn Duy Ninh (người ngoài cùng bên phải) - vượt qua dòng nước chảy xiết trên chiếc xe tải cà tàng, trực tiếp cứu trợ bà con rốn lũ Cẩm Duệ và Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. |
“Tận tay trao các suất quà của các nhà hảo tâm đến bà con bị cô lập, tôi mới thấy được những sự hỗ trợ cấp bách với bà con là vô vùng quý giá. Mong sao có nhiều những tấm lòng tiếp sức, chia sẻ với bà con lúc hoạn nạn”, chị Hải nói.
Ông Nguyễn Huy Long, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Quan - cho biết nhiều thôn của xã bị cô lập, chia cắt 5 ngày nay, người dân đang rất cần nhu yếu phẩm và nước sạch.
“Những phần quà cấp thiết của các doanh nghiệp vận tải và nhà hảo tâm phần nào giúp đỡ người dân vượt qua những ngày lũ lớn, đặc biệt bà con ở những vùng trũng bị ngập nhiều ngày nay. Những gói mì, bao gạo, chai nước mắm…sẽ giúp bà con duy trì sự sống thêm nhiều ngày tới nếu mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp”, ông Long chia sẻ.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBMTTQ huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Thanh Long xúc động nói, “tình người trong hoạn nạn thật đáng quý biết bao. Trong lũ dữ, mới thấm đẫm tình người”.
“Nhiều ngày nay gia đình cũng chỉ biết ăn mì gói nhưng cũng chỉ còn vài gói. Tôi có điện nhờ người thân cứu trợ nhưng đường ngập không thể chuyển. Nếu tiếp tục mưa lũ trong những ngày tới thì không biết lấy gì mà ăn, nước cũng không có để uống. Cảm ơn đơn vị, cảm ơn các nhà hảo tâm đã giúp đỡ bà con”, ông Long.
Do mất điện, nước bao vây nhiều ngày nên người dân rất trông chờ chuyến hàng cứu trợ - Ảnh: Lê Minh |
Cũng theo lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên, toàn huyện hiện còn khoảng 13 xã bị ngập sâu. Thiệt hại mùa màng, tài sản chưa thể thống kê được.
Ngoài các xe Cẩm Duệ, Cẩm Quan, còn các xe như Cẩm Thành, Cẩm Lĩnh, Cẩm Sơn…cũng thiệt hại nặng trong lũ.
“Trước mắt là vấn đề nước uống, các nhu yếu phẩm cần nhất cho bà con trong lũ như gạo, mì gói, chăn bông…Huyện mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm để chung tay cứu trợ bà con vừa tiếp tục lên phương án chống đợt lũ mới”, vị lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên nói.
Những vùng trũng ở huyện Cẩm Xuyên nước rút nhích từng tí một. Ba con nơi đây đang thiếu nước uống trầm trọng do tất cả các giếng đều bị ngập chìm trong bùn đất. Điều đáng lo hơn sau đợt lũ, dự báo mưa lũ còn tiếp tục nhiều ngày và có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nỗi lo sẽ tăng theo nước lũ dâng.
Những điểm cao được ưu tiên làm nơi ở cho lợn - Ảnh: Lê Minh |
Ngay trong ngày đầu tiên (21/10) ra lời kêu gọi “Ủng hộ Nhân dân Hà Tĩnh bị thiệt hại do mưa lũ”, Ban Vận động cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận đăng ký và trực tiếp ủng hộ của hàng chục tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền 11,195 tỷ đồng; trong đó có 10,933 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật trị giá 262 triệu đồng. Tất cả các nguồn hỗ trợ sẽ được thực hiện công khai, đúng mục đích, đúng đối tượng để kịp thời giúp đỡ bà con bị thiệt hại bởi mưa lũ, đặc biệt là những khu vực đang ngập nặng và cô lập. Trước mắt, tất cả hiện vật, nhu yếu phẩm đã được Ban Vận động cứu trợ tỉnh phân phối về các địa phương: Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Hương Khê, Lộc Hà, Thạch Hà. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.