Doanh nhân phải “Mạnh về sức - Tinh về trí - Lựa về thời”

Doanh nhân 24/10/2016 05:58

Ông Lê Hồng Chiến - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long đã có những trải lòng cùng Tạp chí GTVT về con đường xây dựng doanh nghiệp và sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân nước nhà.

20161005_152357
Ông Lê Hồng Chiến - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long

PV: Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ doanh nhân hiện nay và lực lượng này cần làm gì để “mạnh về sức, tinh về trí” trên con đường cạnh tranh, hội nhập?

Ông Lê Hồng Chiến: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã nêu rõ, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên chính thức của WTO và TPP thì đội ngũ doanh nhân nước ta, trong đó có đông đảo doanh nhân thuộc thành phần kinh tế tư nhân đã lớn mạnh không ngừng và tham gia ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp nước ngoài, tạo diện mạo mới của thương hiệu Việt trong bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, để thương hiệu Việt mà nòng cốt là đội ngũ doanh nhân nước ta “mạnh về sức, tinh về trí” trên con đường cạnh tranh, hội nhập, theo tôi cần phải có những yếu tố sau:

Nhà nước phải sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tạo dựng được môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Nhà nước phải có chính sách bảo hộ sản phẩm Việt trước sức ép của sản phẩm ngoại và Nhà nước cũng cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Để doanh nghiệp phát triển bền vững cần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đầu tư thiết bị và công nghệ tiên tiến, đáp ứng đòi hỏi của thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng cường liên danh liên kết, có cơ chế quản lý năng động, sử dụng hiệu quả vốn của các cổ đông và vốn huy động từ các nguồn khác, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cổ đông và người lao động.

PV: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách mạnh mẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, vậy theo ông Chính phủ cần có những chính sách gì thêm để tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Lê Hồng Chiến: Để tạo sự bứt phá cho doanh nghiệp, theo tôi Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế để đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong đấu thầu, chỉ định thầu, phòng chống tham nhũng, ngăn chặn hạn chế tiêu cực; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước, những sản phẩm sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng và đã được thị trường chấp nhận cả về chất lượng và giá cả thì kiên quyết không cho nhập khẩu như khe co giãn, gối cầu…; tạo điều kiện thuận lợi, cởi mở để doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. 

PV: Thương hiệu Công ty Cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long gắn liền tên tuổi cầu Thăng Long lịch sử và ngày nay đang khẳng định là một trong những thương hiệu lớn trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, theo ông đâu là bí quyết tạo nên sự thành công đó?

Ông Lê Hồng Chiến: Những bí quyết chủ yếu tạo nên thương hiệu Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long chính là bề dày của một doanh nghiệp có 42 năm xây dựng và phát triển mà tiền thân là Nhà máy Cơ khí 4 được thành lập ngày 26/8/1974 theo quyết định của Bộ GTVT. Trong giai đoạn thi công cầu Thăng long (1974 - 1985), Nhà máy Cơ khí 4 được mệnh danh là “trái tim thép” tại phía Bắc cầu Thăng Long. Từ đó đến nay, ngành nghề chủ đạo của Công ty vẫn là chế tạo cơ khí và sản xuất kết cấu thép. Để phù hợp với thời kỳ hội nhập từ 1996 - 1998, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hàng triệu USD để mua dây chuyền chế tạo dầm thép khẩu độ lớn với công nghệ của EU để thi công cầu và các công trình kết cấu thép công nghiệp, từ đó đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế của Công ty trên thương trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, lớp lớp thế hệ CB, CNV Công ty đã thấm nhuần lời dạy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi về thăm cầu Thăng Long, Người đã căn dặn: “Xây dựng xong chiếc cầu là quý, nhưng không quý bằng có được đội ngũ cán bộ, công nhân tinh thông nghề nghiệp”.

Công ty luôn coi trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Nhiều thế hệ thợ sắt, thợ hàn, thợ gia công cơ khí đã nối tiếp nhau viết lên trang sử hào hùng của người thợ cầu Thăng Long. Hơn 40 năm qua, người lao động của Cơ khí 4 đã tham gia thi công ở hầu hết các công trình, dự án lớn, hiện đại như cầu Thăng Long, Chương Dương, Bến Thủy, Thuận Phước và hàng loạt các cầu thép nhẹ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh… Qua mỗi dự án, người thợ lại tích thêm cho mình những kinh nghiệm để thích nghi trong thời kỳ hội nhập.

Phát huy thế mạnh, Công ty Cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long lấy lĩnh vực thi công cầu và các công trình kết cấu thép công nghiệp có chất lượng cao làm sản phẩm chủ lực để phát triển bền vững doanh nghiệp. Công ty luôn biết kế thừa truyền thống người thợ cầu Thăng Long lịch sử để gắn kết doanh nghiệp với người lao động và người lao động làm việc vì lợi ích bản thân và vì lợi ích phát triển doanh nghiệp.

slide0345_image026
Cầu vượt thép nhẹ - một sản phẩm của Công ty Cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long

PV: Với những sản phẩm chủ lực cầu vượt thép, khe co giãn, gối cầu… được các đối tác đánh giá cao và tin tưởng sử dụng, thời gian tới, để vươn cao, vươn xa hơn trên trường quốc tế thì Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long cần làm gì và đâu là mục tiêu chiến lược của Công ty?

Ông Lê Hồng Chiến: Từ năm 2011 đến nay, hàng loạt cầu vượt thép tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh do Công ty Cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long trực tiếp thi công đang phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm giao thông và hạn chế UTGT tại đô thị. Bên cạnh đó, hàng nghìn mét khe co giãn thép được Công ty chế tạo và lắp đặt tại các công trình trọng điểm như đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, cầu Bãi Cháy, Vĩnh Tuy, Thanh Trì… đã cơ bản thay thế hàng nhập ngoại bởi chất lượng tốt, giá thành hạ và là sản phẩm mang thương hiệu Việt. Hiện tại, để khẳng định vị thế của doanh nghiệp tốp đầu ngành Cơ khí GTVT, Công ty đang tập trung nghiên cứu để chế tạo gối cầu - sản phẩm đòi hỏi có sự đầu tư công nghệ cao.

Với thế mạnh về thiết bị, công nghệ và đội ngũ cán bộ kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm, những sản phẩm chủ lực của Công ty đã được các đối tác đánh giá cao và tin tưởng sử dụng. Thời gian tới, để vươn cao, vươn xa hơn trên thị trường quốc tế, Công ty Cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long đã xây dựng kế hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là: “Trở thành Công ty mạnh hàng đầu về thi công cầu và các công trình sản phẩm kết cấu thép công nghiệp, hướng tới phát triển hoạt động đa ngành nghề, trong đó lấy thi công cầu và các công trình kết cấu thép công nghiệp làm ngành chủ lực, tạo thế phát triển bền vững”.

Theo đó, mục tiêu phát triển của Công ty là tạo lợi nhuận nhiều nhất trên cơ sở nâng cao sức cạnh tranh, tạo động lực mạnh mẽ với cơ chế năng động, sử dụng hiệu quả đồng vốn; đổi mới công nghệ, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực nhằm tối đa hóa lợi nhuận và không ngừng cải thiện đời sống, điều kiện làm việc, thu nhập cho người lao động.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng đưa ra quan điểm, doanh nghiệp là “nồi cơm” của đất nước, doanh nhân là những “con gà” đẻ trứng vàng. Nhận định đó đã và đang được khẳng định tính đúng đắn khi chỉ sau 40 năm, Singapore từ một làng chài đã trở thành một cường quốc kinh tế mạnh trong khu vực và thế giới. Để có được thành tựu đó, Singapore đã xây dựng chiến lược phát triển độc đáo, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của doanh nghiệp và các chính sách phải tạo được sự đột phá cho doanh nghiệp.

 

 

Ý kiến của bạn

Bình luận