Phiên bản thử nghiệm chạy thử trong điều kiện ngập lụt tại Thái Lan. Ảnh: Bloomberg |
Hideo Tsurumaki từng tận mắt chứng kiến thảm họa sóng thần quét vào bờ biển đông bắc Nhật Bản ngày 11/3/2011, cuốn đi vô số ôtô với những người đang cố gắng thoát ra ngoài.
Nhìn những chiếc xe chìm dần vào lòng biển, Tsurumaki nghĩ về mẹ mình, người cũng đang sống gần biển, tại một vùng thường xuyên bị động đất. Bà cũng gặp khó khăn về đi bộ, tương tự như nhiều người đã cố thoát khỏi chiếc ôtô ngày hôm đó. Và ông nghĩ rằng, nếu những chiếc xe có thể trôi nổi thì không nhiều người sẽ phải chết như thế.
Hai năm sau, ông bắt đầu thiết kế một chiếc ôtô điện nhỏ và kín nước để có thể trôi nổi trong lũ lụt và thậm chí là vẫn có thể di chuyển ở tốc độ thấp. Ý tưởng khởi nghiệp của ông nhận được vài ủng hộ đáng kể. Dự kiến, cuối năm nay, phiên bản thương mại sẽ xuất xưởng tại một nhà máy được thuê gần Bangkok (Thái Lan). Tsurumaki sẽ sản xuất 10.000 chiếc xe "vượt lũ" mỗi năm và định IPO công ty vào 2020.
Thực tế, những loại phương tiện có thể vừa di chuyển trên mặt đất vừa nổi và đi được trên nước đã có từ thế kỷ 19, được dùng nhiều trong quân đội. Dù sản phẩm của Tsurumaki lấy cảm hứng từ sóng thần nhưng nó cũng không thể chống chọi được với bão lụt cấp độ mạnh.
Theo Bloomberg, người mua nên hình dung nó như một chiếc xe điện nhỏ, chủ yếu dùng di chuyển cự ly gần. Bản thân nhà sáng chế cũng thừa nhận, có lẽ hầu hết khách hàng cũng sẽ thực sự dùng chiếc xe trong hoàn cảnh trôi nổi khẩn cấp một lần trong đời.
Tsurumaki năm nay đã 55 tuổi. Ông từng là một tay đua môtô và chỉ từ bỏ đam mê sau một tai nạn. Năm 2012, ông bỏ vị trí kỹ sư chính tại Toyota Auto Body để thành lập Fomm Corp. Vốn đầu tư ban đàu của ông chỉ vỏn vẹn 1.804 USD và xây dựng nguyên mẫu đầu tiên của chiếc xe tại ký túc xá.
Tsurumaki đã cộng tác ba năm với các nhà nghiên cứu Đại học Tokyo về cách lái ôtô trong nước với tất cả lốp xe bị chìm để hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, giúp chiếc xe có thể "bơi" trong điều điện ngập nước.
Đến năm 2016, Fomm hợp tác với Trinex Assets, một công ty bất động sản Thái Lan đang sở hữu một hãng sản xuất phụ tùng xe hơi. Hiện mẫu xe đã đi đến bản thử nghiệm thứ tư và dự kiến có bản thương mại vào tháng 12 tới.
Dự án cũng thu hút một số nhà đầu tư lớn của Nhật Bản. Yamada Denki, nhà cung cấp thiết bị gia đình lớn nhất nước này đã rót vốn hồi tháng 10 năm ngoái nhưng không tiết lộ số cổ phần nắm giữ. Đơn vị này cũng sẽ tham gia kinh doanh xe của Fomm. Tháng 11/2017, Tsurumaki ký hợp đồng với công ty sản xuất thiết bị nghe nhìn Funai Electronics để tiến tới sản xuất xe ngay tại Nhật.
Chiếc xe "vượt lũ" của Tsurumaki chạy bằng điện với pin có thể thay được nên không phải chờ 6 giờ để sạc đầy. Chiếc xe nhỏ gọn như một chiếc xe golf, có thể chạy được 160km mỗi lần sạc đầy, tốc độ tối đa 80km/h.
“Chiếc xe có thể là một lựa chọn để nâng cấp xe ba bánh tại Bangkok khi chính phủ Thái Lan đang đẩy mạnh dùng các phương tiện sạch hơn mà vẫn dễ điều hướng như tuk-tuk. Tôi thấy cơ hội hợp lý để họ thành công”, Ken Miyao, nhà phân tích của hãng tư vấn Carnorama tại Tokyo nói.
Tuy nhiên, nhà sáng lập Tsurumaki cũng đang đối diện nhiều thách thức. Trong đó, đau đầu nhất là chi phí. Sản xuất xe điện rất tốn kém, nhất là chi phí cho pin. Đó là chưa kể để chiếc xe nổi lềnh bềnh và di chuyển trên nước thì nó lại tốn thêm chi phí.
Ban đầu, Tsurumaki định hình xe của mình theo hướng rắn rỏi như xe quân sự. Nhưng chi phí buộc ông từ bỏ ý tưởng. Ông đành chọn một thiết kế với vật liệu ít tốn kém hơn để nó vẫn nổi được.
Vì sản lượng khá ít việc đàm phán để hạ giá thành với các nhà cung ứng tương đối khó. Do đó, dự kiến giá bán của xe sẽ hơn 18.100 USD, đủ để mua một chiếc ôtô thông thường cỡ nhỏ. Tuy nhiên, ông Tsurumaki vẫn đang ôm mông giảm giá bán xuống dưới 5.000 USD mỗi chiếc, bằng cách tìm nhà cung ứng linh phụ kiện hàng loạt với chi phí thấp hơn.
“Họ cần phải làm cho chiếc xe rẻ như những chiếc không có khả năng nổi trên nước. Tôi không nghĩ bất kỳ ai cũng chịu trả gấp đôi số tiền để mua, chỉ vì lời quảng cáo cho một chiếc xe mà có khả năng họ chỉ dùng một lần trong đời khi gặp lũ lụt”, Ken Miyao thẳng thắn nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.