“Ngôi sao” mới trong ngành hàng không
Vietstar Airline có lẽ là cái tên trong mấy ngày gần đây được nhiều người nhắc đến nhất. Bởi lẽ, đây là hãng hàng không mới gia nhập vào cuộc đua khốc liệt của ngành hàng không Việt.
Hãng này sẽ là hãng hàng không thứ 7 của Việt Nam khai thác vận chuyển trên thị trường nội địa sau Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco, Vietjet Air, Air Mekong và Indochina Airlines.
Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt – Vietstar Airlines chính là đơn vị được Thủ thướng Chính phủ cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Doanh nghiệp này thành lập từ năm 2010 với 3 cổ đông chính: Công ty sửa chữa máy bay A41 (Quân chủng Phòng không - Không quân, Công ty Cổ phần Hàng không Ngôi Sao Việt và Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Tín Thành.
Ông Phạm Trịnh Phương - Chủ tịch của Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi Sao Việt cũng là Chủ tịch HĐQT của Vietstar Airlines.
“Công ty đã xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu gồm logo, biểu tượng riêng phù hợp với hoạt động kinh doanh của Công ty”, ông Phương cho biết.
Theo báo cáo tài chính, tính đến hết ngày 31/12/2015, vốn điều lệ của công ty là 800 tỷ đồng, góp của chủ sở hữu là 700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 652.7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu chiếu theo đúng quy định tối thiểu về việc nguồn vốn cho việc thành lập hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế và nội địa thì Ngôi Sao Việt đang thiếu đến 47,3 tỷ đồng.
Thế nhưng theo chia sẻ của ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Cục Hàng không sẽ tạo điều kiện cho Vietstar Airlines hoạt động khai thác, vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa.
Đội máy bay của Vietstar Airlines
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 5 năm đầu hoạt động, Vietstar Airlines dự kiến khai thác đội máy bay gồm 3 chiếc gồm Boeing 737 và Airbus 320.
Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh hàng không mới này cũng đang có xuất trình để được thỏa thuận thuê 3 máy bay Boeing 737.
Boeing 737 có nhiều phiên bản khác nhau, từ Boeing 737 – 100 đến Boeing 737 – 800. Đây là dòng máy bay thân hẹp và có một lối đi ở giữa.
Sản phẩm này được ra đời khi nhà sản xuất Boeing muốn đưa ra một sản phẩm nhằm cạnh tranh với máy bay phản lực công suất nhỏ và tầm ngắn. Boeing 737 là mẫu máy bay bán chạy nhất trong lịch sử hãng sản xuất của Mỹ.
Đây cũng là chiếc máy bay được các hãng hàng không trên thế giới sử dụng khá rộng rãi. Chiếc máy bay này thích hợp cho các chặng bay ngắn.
Hiện tại, Vietjet Air và một số hãng hàng không Việt cũng đang sử dụng loại máy bay này.
Còn chiếc Airbus 320 cũng là một cái tên không hề xa lạ. Trong thương vụ trị giá gần 10 tỷ USD nhằm mua hơn 100 máy bay Airbus của Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air thì có dến 42 chiếc thuộc dòng A320.
A320 là dòng máy bay phản lực thương mại bán chạy nhất thế giới của Airbus, bay tầm trung với 150 ghế.
Các bộ phận khác nhau của chiếc A320 được sản xuất ở nhiều nhà máy khác nhau của Airbus. Phần trước của thân máy bay được sản xuất ở St. Nazaire, Pháp. Phần sau lại được sản xuất ở Hamburg, Đức.
Theo một báo cáo của Reuters, hiện nay, trên thế giới có hơn 3.600 máy bay Airbus A320 đang hoạt động, và 3.700 chiếc khác chờ hoàn thiện để phục vụ nhu cầu thị trường châu Á.
Các chuyên gia đánh giá đây là 1 trong 2 dòng phi cơ có sự an toàn nhất trong ngành công nghiệp hàng không.
Tại Việt Nam, ngoài Vietjet Air thì còn có Jetstar Parcific cũng đang khai thác dòng máy bay tầm trung này.
Như vậy, đội nay của hãng hàng không Ngôi Sao Việt là những sản phẩm máy bay bán chạy nhất của 2 tên tuổi hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing.
Vietstar Airlines là một đơn vị kinh tế của Bộ Quốc phòng nên ngoài việc kinh doanh dân dụng như các hãng hàng không khác thì Vietstar Airlines còn phục vụ cho cả quân dụng như vận chuyển quân lực, quân trang, bay thăm dò, khảo sát. Chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 5 năm đầu của hãng là phát triển thị trường mục tiêu và đường trục nội địa Bắc - Nam, khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.