Đôi điều suy nghĩ Lễ hội đầu năm

Tác giả: Trần An

saosaosaosaosao
Xã hội 31/03/2017 06:12

Hiện nay cả nước có gần 8.000 lễ hội hàng năm, qua đó khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, do những bất cập trong công tác quản và ý thức của một bộ phận người dân đã làm mất đi vẻ đẹp văn hóa vốn có của lễ hội.

 

1
Giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc trong hoạt động lễ hội

Những thay đổi đáng ghi nhận

Lễ hội Việt Nam là sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng, là nơi bảo tồn, trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, góp phần tạo ra sự đa dạng văn hóa, là một kho tàng tài sản quý giá của đất nước. Lễ hội còn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của con người, thể hiện rất rõ sắc thái văn hóa của từng vùng miền. Thông qua lễ hội, nhu cầu văn hóa và tâm linh của cộng đồng được thỏa mãn, các truyền thống và phong tục tập quán được duy trì, làm tăng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, văn hóa, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Công tác quản lý lễ hội luôn được coi trọng, bảo đảm cho người dân tham gia lễ hội thực sự văn minh, an toàn, tiết kiệm. Năm 2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 41/CT-TW và Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện 229/CĐ-TTg về tăng cường công tác tổ chức quản lý lễ hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có hướng dẫn các địa phương về tổ chức lễ hội, đưa hoạt động lễ hội vào nền nếp, thu hút, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nhiều địa phương đã quản lý tốt hoạt động lễ hội hàng năm.

Hiện nay, cả nước có gần 8.000 lễ hội/năm, trung bình có 21 lễ hội/ngày. Các lễ hội đầu năm vẫn luôn là nơi phô bày sinh động những giá trị truyền thống tốt đẹp, thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương đã nêu cao nhận thức về vai trò lễ hội trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Nhiều nơi đã xây dựng kịch bản công phu, tổ chức lễ hội lành mạnh, trang trọng, truyền tải được truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa vùng miền độc đáo như: Lễ hội Pháo Đồng Kỵ mùng 4 Tết tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Đây là lễ hội mở màn cho mùa lễ hội đầu năm, cũng là lễ hội hiếm hoi giữ được những giá trị truyền thống đậm nét. Lễ hội này luôn thu hút hàng nghìn người tham gia trong không khí sôi động nhưng không có cảnh chen lấn, giẫm đạp. Hiện tượng ăn xin, trộm cắp, hàng rong, cầu may thái quá… gần như không xuất hiện.

Màn chém lợn tại lễ hội truyền thống làng Ném Thượng ngày mồng 6 Tết tại phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh năm nay đã được “chém kín” trong một ngôi nhà bạt thay vì chém lợn giữa sân đình theo truyền thống. Sự thay đổi của làng Ném Thượng là rất đáng ghi nhận sau khi vấp phải nhiều ý kiến phản đối bởi màn chém lợn công khai tại sân đình gây sự phản cảm.

Còn nhiều bất cập

2.
Cần chấn chỉnh những biến tướng của lễ hội

 

Tại nhiều lễ hội hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là sự lệch chuẩn trong nhận thức và hành vi của một bộ phận không nhỏ người dân đi dự hội, mất đi nhiều nét văn hóa vốn có. Công tác quản lý nhà nước đối với nhiều lễ hội chưa được quan tâm đúng mức, chưa tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn cụ thể để người dân nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Các hoạt động dịch vụ phục vụ các lễ hội còn yếu kém, hàng quán mở bán tràn lan, giá cả tùy tiện. Việc đổi và sử dụng tiền lẻ diễn ra công khai; tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; tiền công đức, đóng góp của nhân dân ở một số lễ hội chưa được quản lý chặt chẽ và công khai đã gây thắc mắc, khiếu kiện trong nhân dân ở một số nơi.

Tình trạng quá tải, ùn tắc, TNGT, mê tín dị đoan, ăn xin, cờ bạc trá hình, chen lấn, xô đẩy, mất an ninh trật tự gây bức xúc trong xã hội. Đó là cảnh chen lấn, tranh cướp lộc tại Lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); cụ bà bị xô ngã do dẫm chân cô gái đi Chùa Hương; cướp lộc hoa tre tại Hội Gióng; cướp chiếu tại Hội Đắp bụt (Vĩnh Phúc); tại Hội Lim (Bắc Linh), các liền anh, liền chị ngả nón xin tiền du khách khi hát chầu văn; người dân chặn xe thu phí Hội Lim; trèo rào, chen lấn xin ấn Đền Trần (Nam Định); tranh giành đồ cúng tại Hội Làm chay (Long An); đua nhau rải tiền che kín giếng di tích Cổ Loa; xoa tiền cầu may trên đỉnh Yên Tử; tranh cướp bạo lực tại Hội cướp Phết xã Hiền Quan (tỉnh Phú Thọ); hội, lễ hội chọi trâu có biểu hiện thương mại hóa, trục lợi, trái với quy định tại một số địa phương như: Yên Bái, Tuyên Quang…; khai ấn, phát ấn tại tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An không phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa; một số bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra tình trạng sử dụng xe công, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cùng với đó, hiện tượng đốt hương, vàng mã, sắm lễ, tiền mua thẻ, mua dấu ấn, tiền phúng viếng, tiền giọt dầu vứt la liệt ở tượng phật, giếng, sân của di tích gây lãng phí, tốn kém. Điều đáng nói là một số lễ hội tổ chức quy mô quá lớn, thời gian kéo dài, mạnh địa phương nào địa phương đó tổ chức, thiếu sự điều hành và quản lý của cấp ủy và chính quyền địa phương. Chính những hình ảnh bất cập và phản cảm trong một số lễ hội thời gian qua đã làm méo mó, mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Để chấn chỉnh và khắc phục những hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 156/CĐ-TTg, qua đó đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương, các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương. Tuy nhiên, những bất cập trong công tác quản lý lễ hội, bất cập từ nhận thức của người dân vẫn đang khiến nét đẹp văn hóa truyền thống của các lễ hội méo mó.

Thiết nghĩ, để trả lại vẻ đẹp thật sự của lễ hội truyền thống, công tác tổ chức lễ hội trong những tháng còn lại của năm nay và cả những năm tiếp theo rất cần các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, chấn chỉnh, hướng dẫn, góp phần hạn chế, tiến tới xóa bỏ những tiêu cực, lộn xộn. Các cơ quan văn hóa địa phương cần hướng dẫn việc tổ chức lễ hội sao cho đúng đắn, trang nghiêm, tiết kiệm, lành mạnh, không rườm rà, tốn kém. Các nhà quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những biểu hiện vi phạm, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội

Ý kiến của bạn

Bình luận