Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 60/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư 63/2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức và cá nhân trong hoạt động kinh doanh vận tải. Nhân dịp này, Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải để làm sáng tỏ hơn về những điểm mới trong hoạt động kinh doanh vận tải, đưa hoạt động kinh doanh vận tải đi vào nền nếp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc |
PV: Xin ông cho biết những điểm mới của Thông tư 60 vừa được Bộ GTVT ban hành?
Ông Trần Bảo Ngọc: Nhằm quyết liệt cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tổ chức vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngày 02/11/2015, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Thông tư số 60/2015/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ đường bộ. Nội dung của Thông tư chủ yếu là tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hai năm 2015 - 2016.
Nội dung sửa đổi, bổ sung chính của Thông tư bao gồm:
- Quy định về dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ nhằm giải quyết hiện tượng lợi dụng xe cứu hộ để vận chuyển xe ô tô;
- Quy định về đơn vị tổ chức tập huấn cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và người điều hành vận tải theo hướng phân cấp mạnh cho Hiệp hội và các doanh nghiệp sẽ tổ chức tập huấn; các sở GTVT không tổ chức tập huấn mà tập trung vào công tác quản lý nhà nước, thanh, kiểm tra;
- Quy định về thời gian hoạt động của hộp đèn taxi theo hướng chỉ cần bật vào buổi tối để tránh lãng phí không cần thiết;
- Quy định về bổ sung phù hiệu “Xe đầu kéo” để phù hợp với điều kiện khai thác thực tế của doanh nghiệp;
- Quy định về điều kiện kinh nghiệm để điều khiển xe khách có giường nằm hai tầng nhằm phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Trong đó, nội dung quan trọng nhất là quy định về thủ tục và quy trình đăng ký khai thác tuyến để bỏ thủ tục chấp thuận tuyến.
PV: Hiện nay, dư luận quan tâm nhất về việc bỏ chấp thuận đầu bến, liệu có dẫn đến tình trạng quá tải ở các bến xe của các thành phố lớn vốn đã quá tải không, thưa ông?
Ông Trần Bảo Ngọc: Việc bỏ chấp thuận tuyến không có nghĩa là các doanh nghiệp vận tải có thể tùy ý khai thác, hoạt động tự do mà không theo một quy hoạch, quy định nào, do đó, chắc chắn không dẫn đến tình trạng quá tải ở các bến xe.
Để thay thế cho việc chấp thuận tuyến, Bộ GTVT đã xây dựng một phương thức quản lý mới đơn giản hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan quản lý nhà nước.
Biện pháp thay thế để loại bỏ thủ tục chấp thuận tuyến được thực hiện như sau:
- Căn cứ vào Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, các sở GTVT có trách nhiệm công bố biểu đồ chạy xe chi tiết trên trang thông tin điện tử của sở.
- Các doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trên tuyến căn cứ vào biểu đồ chạy xe nêu trên chủ động đăng ký với sở GTVT nơi đầu bến.
- Nếu chỉ có 01 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện thì doanh nghiệp đó được coi là đăng ký thành công và được làm thủ tục cấp phù hiệu cho xe hoạt động mà không cần phải chờ đợi sở GTVT có văn bản chấp thuận.
- Trong trường hợp có từ 02 doanh nghiệp trở lên cùng đăng ký trên 01 tuyến thì sở GTVT sẽ thực hiện quy trình lựa chọn theo quy định của Bộ GTVT.
PV: Sự ra đời của Thông tư 60 buộc các sở GTVT phải công khai minh bạch luồng tuyến cho các doanh nghiệp, đây là một khó khăn cho công tác quản lý vận tải ở một số địa phương, ông lý giải điều này thế nào?
Ông Trần Bảo Ngọc: Việc công bố biểu đồ chạy xe không phải là một khó khăn trong công tác quản lý vận tải.
Như trao đổi ở trên, để loại bỏ thủ tục chấp thuận tuyến, căn cứ vào quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, các sở GTVT có trách nhiệm công bố biểu đồ chạy xe chi tiết trên trang thông tin điện tử của sở; các doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trên tuyến căn cứ vào biểu đồ chạy xe nêu trên chủ động đăng ký với sở GTVT nơi đầu bến.
Việc sử dụng quy trình lựa chọn đơn vị khai thác trên tuyến thay cho thủ tục chấp thuận tuyến như trước đây sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký khai thác trên tuyến, đồng thời cũng đưa ra các tiêu chí lựa chọn đơn vị khai thác cụ thể, công khai, minh bạch, giúp các sở GTVT thực hiện công tác quản lý nhà nước hiệu quả, nhanh chóng hơn. Ví dụ, nếu như trước đây chưa có quy trình lựa chọn tuyến thì các sở GTVT sẽ rất khó khăn trong việc lựa chọn một đơn vị kinh doanh vận tải có đủ năng lực tham gia khai thác tuyến trong trường hợp có nhiều doanh nghiệp cùng có nhu cầu đăng ký khai thác một tuyến mới. Nhưng hiện nay, với quy trình lựa chọn tuyến có đầy đủ các tiêu chí do Bộ GTVT ban hành, các sở căn cứ vào đó sẽ lựa chọn được doanh nghiệp phù hợp để khai thác tuyến mới đó.
PV: Năm 2015, lĩnh vực vận tải được đánh giá đã có nhiều đổi mới theo hướng vì sự hài lòng hơn của doanh nghiệp, vậy năm 2016, Vụ Vận tải sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất gì cho Bộ GTVT để đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh hơn nữa?
Với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu cho lãnh đạo Bộ về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát huy những kết quả ban đầu đã đạt được, trong thời gian tới, Vụ Vận tải sẽ tiếp tục tham mưu Bộ GTVT thực hiện các nội dung sau:
1. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thủ tục hành chính đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp (như việc xem xét sửa đổi Nghị định 86, Thông tư 63...).
2. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề án Tái cơ cấu vận tải chuyên ngành nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của các phương thức vận tải khối lượng lớn để giảm áp lực cho vận tải đường bộ; đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng, đặc biệt tại các đô thị lớn nhằm giảm UTGT; tăng cường kết nối các phương thức vận tải, phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; phát triển thị trường vận tải theo hướng giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ vận tải; góp phần bảo đảm trật tự, an toàn và bảo vệ môi trường.
3. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý vận tải nhằm nâng cao hiệu quả, giảm chi phí, ví dụ như phát triển sàn giao dịch vận tải đường bộ, đường biển; thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
4. Thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải, dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics, các doanh nghiệp cảng, bến trong lĩnh vực GTVT… nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
5. Tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải; xử lý nghiêm các hiện tượng xe dù, bến cóc... nhằm tạo lập thị trường vận tải lành mạnh, bình đẳng o
PV: Xin cảm ơn ông!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.