Đổi mới thi THPT quốc gia 2017: "Khó yên tâm về tính trung thực?"

13/09/2016 15:01

Phương án dự kiến và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng với phương thức thi đó, sẽ không thể đảm bảo được chất lượng kỳ thi và không công bằng giữa các thí sinh.

Thi_tot_nghiep_Tran_Le_Lam1
(Ảnh minh họa: TTXVN)

"Bộ không nên thay đổi quá lớn..."

Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017, thí sinh sẽ thi 5 môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học xã hội (gồm tổ hợp ba môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân), Khoa học tự nhiên (gồm tổ hợp ba môn Vật lý, Hóa, Sinh).

Trong số này chỉ môn Ngữ văn thi tự luận. Các môn còn lại thi trắc nghiệm.

Các cụm thi sẽ do các sở giáo dục và đào tạo chủ trì, tổ chức coi thi. Các trường đại học chỉ đóng vai trò tham gia, giám sát vòng ngoài.

Các sở cũng hoàn toàn chủ động và tự quyết trong việc bố trí điểm thi, có thể thi tại huyện, liên huyện hoặc tập trung tại các thị xã, thành phố trung tâm tỉnh. Thí sinh thậm chí có thể thi ngay tại nơi mình học.

Điều này khiến nhiều người lo ngại về chất lượng thực sự của kỳ thi không được đảm bảo.

Theo giáo sư Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Bộ không nên thay đổi quá lớn khiến người dân bất an.

“Hai năm nay, việc thi tại các tỉnh rất thuận lợi cho thí sinh, các trường đại học tham gia chủ trì cụm thi nên kết quả cũng đáng tin cậy. Tuy nhiên, nếu giao về các sở chủ trì thì chúng tôi không tin tưởng. Các trường đại học không thể sử dụng kết quả đó để xét tuyển vào đại học,” ông Xê nói.

Cũng theo phó giáo sư Đỗ Văn Xê, việc xét tuyển thế nào, có sử dụng điểm kỳ thi trung học phổ thông hay không là quyền của các trường. Nếu Bộ vẫn quyết chọn phương án này thì các trường đại học sẽ phải tính phương án tuyển sinh riêng cho mình, có thể là thi riêng.

Đây cũng là băn khoăn của phó giáo sư Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Với kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác tuyển sinh, ông Lập cho rằng, việc để các sở chủ trì không thể khiến các trường đại học yên tâm về tính trung thực của kết quả thi.

“Đó cũng chính là lý do trong hai năm qua Bộ đã để các trường đại học đứng ra chủ trì các cụm thi dù được tổ chức ở các địa phương,” ông Lập nói.

Không phải là người sẽ sử dụng trực tiếp các kết quả thi như các trường đại học nhưng giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cũng đồng tình với những lo lắng của các trường.

Theo ông Thuyết, dư luận vốn không tin tưởng chất lượng kỳ thi nếu để các sở tổ chức nên khó đòi hỏi sự tin tưởng ở các trường đại học.

Không đủ đo năng lực thí sinh

Theo lãnh đạo các trường đại học, sự thiếu chính xác của kỳ thi còn thể hiện ở cách thi và cách ra đề.

“Bài thi tổng hợp với 60 câu hỏi cho cả ba môn thi, mỗi môn chỉ 20 câu trắc nghiệm, trong thời gian làm bài có 90 phút, là quá ít về số lượng và quá ngắn về thời lượng, không thể đủ đo được năng lực thí sinh,” phó giáo sư Đỗ Văn Xê nhận định.

Theo ông Xê, muốn dùng thi trắc nghiệm để đánh giá năng lực thí sinh, nhất là kết quả thi lại xét tuyển vào các trường đại học, thì số lượng câu hỏi phải nhiều và điều quan trọng là thời gian thi phải dài. Khi đó, các em mới có thời gian tư duy cho bài thi.

Đồng tình với quan điểm này, phó giáo sư Lê Hữu Lập cho rằng, nếu chỉ có 1,5 phút cho mỗi câu hỏi, chưa kể còn chuyển đến 3 môn thi khác nhau, thì thí sinh chỉ đọc đề rồi khoanh câu trả lời cũng đã hết giờ.

Sẽ không có sự công bằng

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nếu cùng tham gia một kỳ thi, một đề thi nhưng nơi chặt, nơi lỏng thì sẽ là không công bằng với các thí sinh, nhất là khi kết quả kỳ thi đó được sử dụng để làm nhiệm vụ quan trọng là xét tuyển vào các trường đại học.

Đây cũng là chia sẻ của ông Lê Hữu Lập.

Theo ông Lập, sự không công bằng không chỉ ở mức độ chặt, lỏng khác nhau giữa các cụm thi.

Theo dự kiến của Bộ, ở các tổ hợp môn thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, sẽ có 60 câu hỏi, bao gồm 20 câu hỏi cho từng tổ hợp môn thi Lý, Hóa, Sinh ở tổ hợp Khoa học tự nhiên và các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân ở bài thi Khoa học xã hội.

Khi chấm điểm, bên cạnh điểm của cả bài thi (để xét công nhận tốt nghiệp), còn có điểm cho từng cấu phần riêng lẻ. Thí sinh có thể dùng các điểm cấu phần này kết hợp với nhau và với các môn thi còn lại thành các tổ hợp môn để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, như mọi năm, ví dụ Toán-Lý-Hóa, Toán-Văn-Lý…

Như vậy, các em hoàn toàn có thể chỉ tập trung làm bài thi của một môn cấu phần trong tổng số ba cấu phần của một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội, nhằm đạt điểm cao để xét tuyển vào các trường đại học.

Khi thi bài thi tổ hợp, dù bài thi có tổng số 60 câu hỏi cho ba môn khác nhau với thời gian làm bài 90 phút, nhưng sẽ có em dành cả 90 phút đó chỉ cho 20 câu hỏi ở một cấu phần môn, hoặc cho 40 câu hỏi ở hai cấu phần môn. Có em lại làm cả 60 câu.

“Một kỳ thi như vậy không thể đảm bảo công bằng, nhất là để xét tuyển vào các trường đại học, khi thời lượng dành cho các môn thi của các thí sinh là khác nhau,” ông Lập phân tích.

Theo ông Lập, trong trường hợp này, để đảm bảo công bằng, thí sinh nếu chỉ làm bài một cấu phần môn thì sau 30 phút các em phải ra khỏi phòng thi.

“Tuy nhiên, điều này là khó khả thi vì sẽ xảy ra tình trạng xáo trộn trong phòng thi. Các thí sinh cũng tận dụng tối đa thời lượng 90 phút nên không dại gì chỉ đăng ký thi một cấu phần vì quyền làm câu hỏi nào là của các em,” ông Lập chia sẻ.

Cũng theo ông Lập, với cách tính điểm này của Bộ, việc ghép tổ hợp môn để xét tuyển đại học sẽ rất phức tạp.

Cụ thể, với cách thi này, các môn độc lập Toán, Văn, Ngoại ngữ sẽ được tính tối đa mỗi môn 10 điểm, trong khi các môn còn lại như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, mỗi môn chỉ có tối đa 3,3 điểm.

Điểm của các tổ hợp môn thi khi đó cũng rất… lung tung. Tổ hợp môn theo khối D với ba môn Văn-Toán-Ngoại ngữ sẽ có tối đa 30 điểm, khối A1 Toán-Lý-Anh tối đa 23,3 điểm trong khi khối A Toán-Lý-Hóa tối đa chỉ 16,6 điểm.

“Trong một trường có rất nhiều chuyên ngành với nhiều tổ hợp môn xét tuyển nhưng vì mức điểm tối đa của các tổ hợp rất khác nhau nên mức điểm chuẩn cũng rất rối.”

“Chưa kể, khi đó các môn thi độc lập tự nhiên lại chiếm vai trò ưu thế, có mức điểm tối đa là 10 điểm, gấp ba lần điểm các môn thi ghép trong bài thi tổ hợp. Điểm của tổ hợp khối A khi đó thực ra chỉ bằng điểm của 1,5 môn thi chứ không phải là ba môn. Một ngành đào tạo nếu muốn lấy môn Hóa làm môn thi chính chẳng hạn, sẽ không biết phải làm thế nào, nhân điểm môn Hóa lên bao nhiêu lần?” ông Lập nói.

Bộ lý luận việc đổi mới thi nhằm giúp thí sinh bớt áp lực, thi nhẹ nhàng, nhằm chống học tủ, học lệch, nhằm xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư Đỗ Văn Xê, với phương án mà Bộ đưa ra, các mục tiêu đều không đạt được.

“Tốt nghiệp thì khỏi bàn vì trên 90% các em đều đạt, kỳ thi cũng chỉ chiếm 50% điểm để xét tốt nghiệp. Còn xét tuyển đại học thì với cách thi trên không thể đảm bảo chất lượng, cả ở khâu tổ chức và ra đề. Thí sinh vẫn học tủ, học lệch, chưa kể việc chống học tủ, học lệch phải là cả quá trình dạy và học. Thí sinh cũng không hề bớt áp lực khi kỳ thi chuyển từ 4 môn lên 6 môn, trong khi các em chỉ còn một năm học nữa,” ông Xê nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận