Đôn đốc triển khai 31 công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT

Giao thông 24h 28/02/2015 17:20

Sáng 28/2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT nhằm kiểm điểm tiến độ và đôn đốc triển khai 31 công trình có tổng trị giá gần 600 ngàn tỷ đồng.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT

Kiểm điểm tình hình triển khai các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo, năm 2014 đã có 6 công trình, dự án trọng điểm được khởi công, gồm: Luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, cao tốc Bến Lức-Long Thành, tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, cao tốc Hà Nội-Bắc Giang, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 2 Bến Thành-Tham Lương. Đồng thời, đã hoàn thành 7 công trình, dự án khác, gồm QL3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài-Lào Cai, tuyến đường sắt Hạ Long-Cái Lân; cầu Nhật Tân, đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, Nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài; cao tốc TP HCM-Long Thành-Dầu Giây.

Nhìn chung, các dự án, công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ của Ban Chỉ đạo. Vướng mắc lớn chủ yếu trong lĩnh vực giao thông đô thị, một số đoạn tuyến phải GPMB ở các dự án đường bộ và vốn đối ứng ở các dự án ODA.

Theo báo cáo từ các Ban quản lý, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 16/42 dự án với 280 km và hiện 6 dự án chưa triển khai do thiếu vốn. Cao tốc Bến Lức-Long Thành giữ vững mốc hoàn thành năm 2019. Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi vượt kế hoạch thi công trên cả 13 gói thầu xây lắp. Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ lần lượt hoàn thành đoạn, tuyến vào các quý trong năm nay. Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 từ Hà Nội-Cần Thơ đáp ứng kế hoạch thực hiện từ năm 2013 đến 2015, riêng dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả hoàn thành năm 2017. Cầu Cổ Chiên theo hình thức BOT dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2015.

Tương tự, các dự án giao thông đô thị như tuyến đường sắt Bến Thành-Suối Tiên (TP HCM) đã triển khai 3/5 gói thầu xây lắp và thiết bị, đảm bảo kế hoạch vận hành vào năm 2020. Tuyến Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) bị triển khai chậm, nguyên nhân chủ yếu do chậm bàn giao mặt bằng, công tác chuẩn bị ban đầu chiếm nhiều thời gian, thay đổi thiết kế; tuyến Nhổn-Ga Hà Nội khởi công tháng 5/2014 mới đạt 7,5% khối lượng và dự kiến hoàn thành năm 2018.

Theo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, điểm sáng trong triển khai các dự án trọng điểm thời gian qua là việc kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách tham gia đầu tư các công trình giao thông, xã hội hóa đầu tư các công trình giao thông: Trong năm 2014, Bộ GTVT đã huy động được 39.077 tỷ đồng đầu tư 19 dự án theo hình thức BOT, vượt 22% kế hoạch năm. Mặt khác, nâng cao chất lượng chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn; có giải pháp loại trừ các đơn vị không đủ năng lực tham gia dự án.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT.

Thu hút đầu tư xã hội là bài toán tất yếu

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả tích cực của việc triển khai các dự án, công trình trọng điểm trong lĩnh vực giao thông. Đặc biệt là việc đưa vào khối lượng lớn các dự án có tính huyết mạch, đồng bộ, giải quyết những điểm nghẽn lớn của bộ mặt giao thông vận tải đất nước như các tuyến cao tốc, cảng hàng không quốc tế…

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các phân ngành GTVT, đưa hoạt động quản lý vào nề nếp, sát sao với đời sống người dân hơn. Các dự án cũng thu hút một lượng vốn lớn từ xã hội, duy trì vị thế đi đầu trong các ngành đầu tư của cả nước.

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT cũng chỉ rõ những điểm còn hạn chế mà các dự án trọng điểm cần tập trung nhìn nhận, nhất là việc GPMB còn nhiều nan giải, một số công trình chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, phù hợp trong chuẩn bị hồ sơ, thiết kế, chất lượng thi công cũng như tiến độ đáp ứng mong mỏi của người dân, nhu cầu phát triển đòi hỏi.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo mà đầu mối là Bộ GTVT cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đẩy nhanh hơn nữa công tác GPMB, đồng thời, đưa ra các quy hoạch lâu dài, phù hợp và nhất là tạo cơ chế hấp dẫn hơn nữa nguồn lực đầu tư từ xã hội.

“Nhiệm vụ quan trọng là phải hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy trình quy phạm đầy đủ, phù hợp. Đơn cử như chủ trương mà Chính phủ cho phép tư nhân khai thác, vận hành hạ tầng cảng biển, cảng hàng không… đang được triển khai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh khi cho rằng nhiệm vụ thu hút đầu tư xã hội là bài toán tất yếu trong phát triển giao thông trong bối cảnh nguồn lực có nhiều khó khăn hiện nay.

Về các nhiệm vụ chung, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu việc tổ chức các Ban quản lý cần chuyên nghiệp hóa hơn nữa. Trong các báo cáo dự án phải có phần về Ban quản lý, không phải có dự án mới thành lập Ban quản lý như trước đây. Rà soát, có phương án chủ động khi các nhà thầu chậm tiến độ, yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA thực hiện chế độ báo cáo hàng tháng về tình hình triển khai thực hiện các dự án để chủ động kiểm soát tiến độ và kịp thời có giải pháp xử lý đối với những nhà thầu vi phạm tiến độ thi công.

Về vốn đối ứng, Văn phòng Ban chỉ đạo tổng hợp phương án chi tiết và phối hợp Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ, năm 2015 dự kiến khối lượng triển khai sẽ rất lớn với khoảng 170 dự án các loại nên phải tổng hợp kỹ và sắp xếp thứ tự ưu tiên, triển khai hiệu quả.

Cho ý kiến xử lý một số dự  án cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương liên quan có kế hoạch, đôn đốc sớm tạo mặt bằng cho các dự án, tán thành việc xem xét bổ sung 7 dự án mới vào danh sách các dự án, công trình trọng điểm do Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc.

Trong 31 công trình, dự án của Ban Chỉ đạo, có 26 dự án NSNN+TPCP và 5 dự án BOT. Đường bộ có 20 dự án với tổng kinh phí khoảng 398.623 tỷ đồng, chiều dài 4.777 km, trong đó có 8 dự án đã đưa vào khai thác sử dụng.

Đường sắt có 6 dự án với tổng kinh phí khoảng 142.243 tỷ đồng, chiều dài 199,93 km đang triển khai; hàng không có 2 dự án với tổng kinh phí khoảng 17.427 tỷ đồng, đã đưa vào khai thác, sử dụng; hàng hải, đường thủy nội địa có 3 dự án với tổng kinh phí khoảng 41.239 tỷ đồng, trong đó đã đưa 1 dự án vào khai thác, sử dụng là hệ thống Cảng Quốc tế Cái Mép-Thị Vải.

Bộ GTVT đang kiến nghị bổ sung 7 dự án vào danh mục các công trình, dự  án trọng điểm ngành GTVT, gồm Dự án hầm đường bộ Đèo Cả-Quốc lộ 1; đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện; cầu Bình Lợi; cầu Thủ Thiêm; nút giao thông Ngã Ba Huế; cầu Cổ Chiên và Dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Chợ Gạo.

Ý kiến của bạn

Bình luận