Nỗ lực giữ đà tăng trưởng để xứng với tiềm năng
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới được tạo hóa ban tặng cho nguồn tài nguyên để khai thác GTVT ĐTNĐ vô cùng lớn. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, tạo thành mạng lưới giao thông đường thủy thuận lợi, liên thông giữa các địa phương và các vùng với 124 cửa sông ra biển, có tổng chiều dài 80.577km, trong đó có khoảng 42.000km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải. Ngoài ra, nước ta còn có hơn 3.200km bờ biển, trung bình 30km có một cửa sông, hàng trăm kilomet ĐTNĐ từ đất liền ra đảo, đảo nối đảo.
Do vậy, mạng lưới sông, kênh của Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ nhất. ĐTNĐ là hình thái GTVT thế mạnh quốc gia với ưu thế là giá cước vận tải thấp, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng. Đồng thời, ĐTNĐ là phương thức vận tải xanh, tiết kiệm nhiên liệu, phát thải thấp và có tính xã hội hóa cao.
Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển GTVT ĐTNĐ. Với những cơ chế, chính sách khuyến khích của Chính phủ, cùng sự quyết tâm của Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ Việt Nam trong những năm gần đây liên tục giữ đà tăng trưởng toàn diện với những “cuộc cách mạng” nâng cao năng lực trên mọi lĩnh vực, tạo nên “bức tranh” khởi sắc.
Tính từ năm 2015 đến nay, nhờ sự khuyến khích của Chính phủ, số vốn sự nghiệp được bố trí để bảo trì các tuyến ĐTNĐ quốc gia đã tăng từ 20 - 30% mỗi năm. Điều này giúp ĐTNĐ tháo gỡ một phần khó khăn để khai thác tốt hạ tầng luồng, tuyến. Tuy nhiên, số vốn này hiện chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu quản lý, bảo trì, khai thác các tuyến hiện hữu đã đầu tư.
Cũng nhờ những cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển, lượng hàng hóa đang dần dịch chuyển xuống ĐTNĐ. Số lượng phương tiện vận tải thủy nội địa ngày một tăng; đội ngũ người lái phương tiện được đào tạo cũng tăng trưởng khoảng 30% mỗi năm, giúp bù lấp “khoảng trống” về nguồn nhân lực.
Xét từ khía cạnh “nội lực”, những năm gần đây ngành ĐTNĐ đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Cục ĐTNĐ Việt Nam đã thay đổi phương thức tiếp cận, lắng nghe, tăng cường đối thoại, kịp thời nắm bắt kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải thủy nên đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, từng bước thúc đẩy hoạt động vận tải thủy phát triển. Đặc biệt, Cục ĐTNĐ Việt Nam liên tục giữ vững vị trí “người dẫn đầu” ngành GTVT trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Cuộc “cách mạng số hóa” của Cục ĐTNĐ Việt Nam đã thể hiện sự đột phá mạnh mẽ với việc số hóa toàn bộ hoạt động nghiệp vụ trên “mặt trận” công nghệ cao.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013 ĐTNĐ vận chuyển 180 triệu tấn hàng hóa, con số này của năm 2017 là 249 triệu tấn. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2017, sức tăng trưởng của vận tải thủy đạt từ 14 đến 15%/năm. Đặc biệt từ tháng 7/2014, Bộ GTVT đã hình thành tuyến vận tải ven biển, đây được xem là “bước tiến vượt bậc” của vận tải thủy trong những năm qua. Tuyến vận tải ven biển với sức tăng trưởng 150%/năm đã “chia lửa” rất hiệu quả cho đường bộ, nâng cao năng lực vận tải trên trục Bắc - Nam.
Những giải pháp căn cơ
Có thể thấy, việc đầu tư phát triển ĐTNĐ là yếu tố tất yếu để nâng cao hiệu quả GTVT của một quốc gia, nhất là Việt Nam vốn có nguồn tài nguyên khai thác GTVT ĐTNĐ hàng đầu thế giới. Trên thực tế, ĐTNĐ tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống GTVT với khoảng từ 40 đến 60% trong tổng khối lượng hàng hóa được vận tải trên ĐTNĐ.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, một tín hiệu vui cho tương lai của ngành ĐTNĐ là hiện nay Ngân hàng Thế giới (WB) cùng các tổ chức tài chính quốc tế rất ủng hộ Việt Nam phát triển ĐTNĐ. Bởi lẽ, đầu tư vào vận tải thủy sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo cũng như mang lại hiệu quả trong đầu tư - khai thác, thúc đẩy nguồn lợi về kinh tế - xã hội. Chính vì thế, Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn tiếp tục cam kết đồng hành cùng Việt Nam phát triển ĐTNĐ.
“Là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ĐTNĐ, chúng tôi luôn dồn lực để tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa loại hình giao thông thế mạnh quốc gia này”, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang khẳng định.
Trong các giải pháp để tiếp đà phát triển, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang chỉ rõ, giải pháp mang tính nền tảng căn bản là xây dựng hệ thống hành lang pháp lý, thể chế chính sách, quy phạm, quy chuẩn phục vụ công tác quản lý nhà nước một cách tốt nhất nhằm tăng cường năng lực của vận tải, đặc biệt là tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia vận tải thủy một cách hiệu quả nhất. Tiếp đó là tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết nối hạ tầng giao thông để giải quyết dứt điểm các “nút thắt”, “điểm nghẽn” trên những hành lang vận tải thủy. Trong đó, có 251 trên tổng số 532 cây cầu có tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp, cầu yếu có nguy cơ gẫy, sập cao khiến phương tiện thủy tải trọng lớn không thể lưu thông.
“Giai đoạn trước mắt, 3 cây cầu gồm cầu Đuống, cầu Nàng Hai và cầu Măng Thít cần được xử lý ngay để khơi thông các tuyến vận tải trong chiến lược phát triển của ĐTNĐ. Cùng với đó là một số cây cầu khác như cầu Bình Lợi, cầu Ghềnh, cầu Đồng Nai cũ cũng là những rào cản cần sớm được dẹp bỏ để khai thác các phương tiện vận tải thủy tải trọng lớn”, Cục trưởng nhấn mạnh.
Giải pháp tiếp theo là triển khai nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2. Đây là tuyến vận tải thủy tấp nập được ví như “cao tốc của ĐTNĐ” ở Tiền Giang kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ với khoảng 2.000 lượt phương tiện lưu thông mỗi ngày. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên hiện nay giai đoạn 1 đã được triển khai nhưng chưa tạo được sự thuận lợi cho kết nối này.
Một giải pháp quan trọng nữa là tập trung đầu tư đầy đủ hệ thống phao tiêu, báo hiệu, công trình hỗ trợ giám sát điều hành giao thông thủy, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý khai thác cũng như bảo trì, đảm bảo giao thông trên các tuyến ĐTNĐ quan trọng (ví dụ như tuyến sông Đào Vạn Lý, các tuyến Tây Nam bộ, các tuyến vận tải kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ…) để vận tải thủy trở thành phương thức vận tải an toàn và hiệu quả, đóng vai trò chính trong chuỗi kết nối logistics hiện nay.
Để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ về tài chính để ưu tiên phát triển vận tải thủy, vận tải ven biển cũng như ưu tiên hỗ trợ người dân sửa chữa, hoán cải các phương tiện vận tải chuyên dụng, phương tiện vận tải container, phương tiện sông pha biển, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư cảng, bến thủy nội địa đầu mối nhằm tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng.
Đầu tư vào ĐTNĐ chắc chắn sẽ mang lại nhiều nguồn thu Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể Với chủ trương khuyến khích phát triển vận tải thủy như một chiến lược mũi nhọn thì cần đẩy mạnh nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông ĐTNĐ, đã đến lúc phải tạo ra sự thông thoáng trong đầu tư xây dựng cơ bản đối với ĐTNĐ.Việc lưu thông hàng hóa kém cũng đồng nghĩa với việc cản trở phát triển kinh tế. Đầu tư vào ĐTNĐ chắc chắn sẽ mang lại nhiều nguồn thu, nhiều lợi ích cho xã hội hơn so với đầu tư vào đường bộ rất nhiều, đặc biệt là tận dụng khai thác được thế mạnh quốc gia, cân bằng và kết nối hiệu quả các hình thái GTVT. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.