Bà Hillary Clinton thường xuyên nói về sự toàn cầu hóa và những điều bất mãn trên thế giới, hầu hết những gì bà nói đều thông minh và đúng sự thật. Thế nhưng, theo các chuyên gia, người thực sự đang nắm bắt xu hướng toàn cầu lại là Donald Trump.
Nếu có cái nhìn tổng quát trước tình hình thế giới hiện nay, khó có thể không cảm nhận được rằng tỷ phú Donald Trump chính là ứng viên phù hợp với xu thế thời đại nhất. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dường như cũng cảm nhận được điều này nhưng bà vẫn quyết tâm “lờ đi”.
Nhiều khu vực trên thế giới hiện nay bị bao trùm bởi những cảm xúc âm u. Nền dân chủ phương Tây dường như đang phải hứng chịu sự thất thế do các mối lo ngại ngày càng gia tăng. Lo lắng về sự tăng trưởng kinh tế, nỗi sợ hãi chủ nghĩa khủng bố hay khủng hoảng nhập cư dẫn đến hậu quả khó lường.
Chính vì vậy, nhiều người cho rằng những lãnh đạo chính trị hàng đầu thế giới đem lại cảm giác xa vời và không thể chạm đến những mối lo lắng của các cử tri bình thường.
Ông Donald Trump đánh trúng tâm lý sợ hãi trước sự thay đổi của thế giới của người dân Mỹ.
Ví dụ như ở Vương quốc Anh, Nigel Farage và Boris Johnson đã tận dụng được nỗi sợ này trong chiến dịch của họ để thuyết phục người dân nước mình quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu; giờ đây, ông Johnson đã trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Anh. Hay như bà Marine Le Pen, người luôn theo đuổi sự nghiệp phản đối người nhập cư, rất có khả năng sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Pháp.
Ông Viktor Orban, Thủ tướng Hungary, đã thề sẽ chấm dứt nền dân chủ tự do tại đất nước của mình. Trong khi đó, người Đức đang bỏ phiếu cho đảng có tên gọi Sự lựa chọn khác cho nước Đức, phong trào bãi bỏ đồng tiền chung châu Âu, và khiến Thủ tướng Angela Merkel hết sức đau đầu.
Và tất cả những chính trị gia châu Âu nói trên đều bày tỏ sự ưa thích đối với ứng viên đảng Cộng hòa, Donald Trump. Ông Farage từng xuất hiện với vai trò “ngôi sao” khách mời trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, bà Le Pen lên tiếng ủng hộ ông Trumo còn ông Orban thì khen ngợi tỷ phú bất động sản này. Còn đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức cũng ra lệnh cấm xây dựng các nhà thờ Hồi giáo, một động thái khá giống với chính sách kiểm soát người Hồi giáo của ông Trump.
Đó mới chỉ là ở phương Tây. Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte được mệnh danh là “Donald Trump” của châu Á với những phát ngôn gây sốc nhằm vào cả Tổng thống Obama, Đức Giáo hoàng và các lãnh đạo châu Âu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, từng được khen gợi là hình mẫu dân chủ Hồi giáo, cũng đang thắt chặt các thể chế dân chủ ở đất nước mình. “Tình anh em” lạ lùng giữa Tổng thống Nga Putin và ông Trump cũng đã trở nên nổi tiếng thời gian gần đây, khi ứng viên đảng Cộng hòa dùng những lời lẽ “có cánh” để khen ngợi ông chủ điện Kremlin.
Tại Vương quốc Anh, một trong những phong trào ủng hộ Brexit diễn ra mạnh mẽ nhất ở Cornway, khu vực nhận được trợ cấp từ EU lớn nhất. Đối với các cử tri ở đây, những mối lo ngại về việc tình trạng nhập cư và mất chủ quyền sẽ làm ảnh hưởng tới “ví tiền” của họ. Rõ ràng, tăng trưởng kinh tế bây giờ không phải là tất cả. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Philippines, nơi sự tăng trưởng kinh tế kéo dài đã dẫn đến tội phạm, tham nhũng gia tăng, vì vậy đã tạo ra lối đi hoàn hảo cho ông Duterte bước đến vị trí Tổng thống.
Hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, con người đang sống trong một thế giới của sự thay đổi nhanh chóng và tàn nhẫn và rất nhiều người có những phản ứng tự nhiên với nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn. Họ không tìm kiếm một nhà lãnh đạo cam kết sửa đổi các chính sách cũ, cái họ tìm kiếm là an ninh, sự đảm bảo và lòng tin.
Trong thế giới hiện nay, các cử tri đều sẵn sàng từ chối những tiếng nói bình tĩnh, hợp lý hay kinh nghiệm, thay vào đó là chọn một nhà lãnh đạo hứa hẹn sẽ bảo vệ họ khỏi “mớ hỗn độn” của thế giới.
Sự sợ hãi, theo định nghĩa, không nhất thiết phải dựa trên lý trí. Các nghiên cứu cho thấy sự nhận thức về thực tế của con người không phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bản thân mà vào những điều mà họ nghĩ đang xảy ra với người khác. Sự kỳ vọng cao, đặc biệt là trong một môi trường thông tin nhanh nhạy như hiện nay, cũng đóng một vai trò tác động quan trọng. Kể cả khi tình trạng của một người khá tốt thì người đó vẫn mong muốn những điều hoàn hảo hơn.
Khi ông Trump tham gia chiến dịch tranh cử, rất nhiều nhà bình luận đã chỉ ra rằng tầm nhìn “ác mộng” về nước Mỹ của ông là không khớp với thực tế. Trái ngược với suy luận cho rằng nước Mỹ đang suy thoái, hết hy vọng thì số liệu cho thấy tình trạng nghèo đói của Hoa Kỳ đã giảm, tỷ lệ tội phạm cũng đi xuống và số lượng người nhập cư cũng nhiều hơn trong đầu thế kỷ 20.
Tuy nhiên, với những người ủng hộ ông Trump, khi họ bị bối rối bởi một xã hội có nền văn hóa bị xáo trộn và thay đổi về nhân khẩu học thì họ lại cho rằng những “bức tranh biếm họa” mà ứng viên đảng Cộng hòa vẽ nên lại phản ánh chính xác những lo lắng của mình.
Với tất cả những lý do trên, đối với một người theo trường phái dân chủ như và Hillary Clinton, lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra là cần phải nhấn mạnh hơn nữa niềm tin vào chế độ dân chủ, cần chia sẻ nỗi sợ hãi, lo lắng của người dân Mỹ khi họ phải đối mặt với sự toàn cầu hóa cũng như cam kết cải cách để xây dựng niềm tin, minh bạch chính phủ và thay đổi hệ thống bầu cử để họ thấy được các lá phiếu của mình thực sự đáng giá.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Foreign Policy (Tạp chí Chính sách đối ngoại), tạp chí của Mỹ xuất bản 2 số/tháng. Tạp chí này được thành lập vào năm 1970, hiện nay do ông David Rothkopf làm chủ biên.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.