Đóng 1 cửa xả đáy thủy điện Hòa Bình và Tuyên Quang

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Xã hội 10/09/2024 14:33

Thủy điện Hòa Bình và Tuyên Quang cùng đóng 1 cửa xả đáy vào hồi 12h00 ngày 10/9.

Đóng 1 cửa xả đáy thủy điện Hòa Bình và Tuyên Quang - Ảnh 1.

Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy từ 12h00 ngày 10/9

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Công điện số 6722/CĐ-BNN-ĐĐ gửi Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang về việc đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình và đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang.

Hồi 10h00 ngày 10/9, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở cao trình 111,45 m, lưu lượng đến hồ 4.115 m3/s, lưu lượng xả xuống hạ du là 5.587 m3/s; mực nước thượng lưu hồ thủy điện Tuyên Quang lúc 10 ngày 10/9 ở cao trình 118, 68m, lưu lượng đến hồ 4.369 m3/s, lưu lượng xả 5.010 m3/s.

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, đồng thời đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 12h ngày 10/9 và đóng tiếp 1 cửa xả hồ Thủy điện Tuyên Quang vào hồi 12h ngày 10/9.

Như vậy, từ 12h ngày 10/9, Thủy điện Hòa Bình chỉ còn mở 1 cửa xả đáy, Thủy điện Tuyên Quang mở 6 cửa xả đáy.

Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty Thủy điện Tuyên Quang tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa, kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) và các cơ quan liên quan theo quy định.

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành văn bản số 6723/BNN-ĐĐ gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công, tránh những thiệt hại đáng tiếc.

Các địa phương báo cáo kịp thời các tình huống bất thường về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phát lúc 14h40 ngày 10/9 cho hay, trong 24 giờ qua (từ 14h ngày 9/9 đến 14h ngày 10/9), khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Nậm Cuổi 79,2mm (Lai Châu); Đồng Tâm 296,8mm (Hoà Bình); Cam Đường 208,6mm (Lào Cai); Minh Bảo 401,2mm (Yên Bái); Nấm Dẩn 2 164mm (Hà Giang); Hùng Đức 121mm (Tuyên Quang); Đại Phạm 209mm (Phú Thọ); Hoàng Nông 120mm (Thái Nguyên); Đầm Hà 238mm (Quảng Ninh); Cẩm Lương 120mm (Thanh Hóa);...

Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Cảnh báo trong 3 - 6 giờ tới, khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi trên 100mm; các khu vực khác ở Bắc Bộ có mưa với lượng từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện;

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1, Lào Cai: Cấp 2, đặc biệt Yên Bái: Cấp 3.

Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.


Ý kiến của bạn

Bình luận