Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể |
Báo cáo trước Quốc hội về lĩnh vực mình phụ trách trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, của Quốc hội, của Chính phủ và nhân dân đối với ngành GTVT, đặc biệt là đồng bào cử tri, các cơ quan báo chí đã rất quan tâm.
Trong thời gian qua, Bộ trưởng Thể cho biết ngành GTVT đã cố gắng rất nhiều để đáp ứng được yêu cầu về phát triển hạ tầng, về quản lý vận tải, về đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, nhu cầu rất lớn và khả năng có hạn, chúng tôi xin trân trọng lắng nghe ý kiến của ĐBQH và xin cố gắng trả lời tốt nhất những câu hỏi mà ĐBQH đặt ra.
Vì sao chưa triển khai 40km Lạng Sơn đến cửa khẩu Hữu Nghị?
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn): Theo tiến độ, trong năm 2020 tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn- Cửa khẩu Hữu Nghị dự kiến hoàn thành tuy nhiên tới thời điểm này có nguy cơ đình trệ dù Thủ tướng Chính phủ đã có 2 văn bản chỉ đạo.
Trong năm 2019, nếu đoạn qua Bắc Giang hoàn thành thì vẫn cách điểm Chi Lăng - Lạng Sơn hơn 30km. Nếu không kết nối được tuyến Chi Lăng - cửa khẩu Hữu Nghị 43 km thì không có cơ sở triển khai tiếp dự án Hữu Nghị - Cao Bằng theo chỉ đạo của Chính phủ. Đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết giải pháp tháo gỡ. Liệu đây có phải tình trạng trên rốt ráo và dưới không làm hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Báo cáo đại biểu, hiện tiến độ từ Bắc Giang đến Lạng Sơn cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Riêng đoạn bổ sung từ Lạng Sơn đến cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 40km là đoạn tuyến mới hoàn toàn.
Vừa qua, nhà đầu tư đề xuất phương án Nhà nước hỗ trợ 1 khoản kinh phí để thực hiện đến cửa khẩu Hữu Nghị. Nhu cầu vốn đang rất lớn. Hiện chúng ta có 25 dự án dừng giãn, nhiệm kỳ này mới bố trí 5 dự án. Còn 20 dự án chưa hoàn thành. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, nhưng cân đối ngân sách của quốc gia, phần dự phòng chưa đáp ứng được nên đến thời điểm này chưa được bố trí. Xin báo cáo thêm, tuyến QL1 từ thị xã ngã 7 đến Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ đã có 3 kết luận bố trí vốn nhưng đến thời điểm này cũng chưa bố trí được. Nguồn lực giờ không có. Chúng ta đã phân bổ 90% ngay từ đầu nhiệm kỳ, đến thời điểm này làm sao có kinh phí. Do đó, mong các đồng chí nghiên cứu cùng với Bộ để tìm giải pháp khác để triển khai.
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có cảng lớn, cao tốc liên hoàn
Đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang), Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đặt vấn đề: ĐBSCL có địa thế và điều kiện phù hợp để sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm. Dù được trung ương và bộ ngành quan tâm nhưng hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn. Là tư lệnh ngành GTVT, Bộ trưởng suy nghĩ và có giải pháp gì?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ĐBSCL đang có nhiều tiềm năng như xuất khẩu gạo, trái cây, thuỷ sản với khối lượng lớn. Nhưng hàng hoá này đa số phải vận chuyển lên TP.HCM vì ở đây mới có tàu lớn vận chuyển hàng hóa.
ĐBSCL có 21 cảng nhưng cảng lớn nhất là Cái Cui chỉ phục vụ được tàu tới 20.000 tấn. Bất cập là luồng vào chỉ đảm bảo tàu 10 nghìn tấn đầy tải.
Để phát triển khu vực này, rất cần một cảng biển nước sâu đồng thời có hệ thống giao thông kết nối để đáp ứng yêu cầu. Trong kế hoạch, Bộ GTVT chuẩn bị trình Chính phủ quy hoạch cảng Trần Đề ở Sóc Trăng có thể đáp ứng tàu 100 nghìn tấn vào khai thác.
Nhà đầu tư đề xuất làm cầu từ bờ ra khoảng 10km rồi mới làm cảng ở ngoài đó. Ở vị trí đó, mớn nước sâu khoảng 15 - 16 m, không phải nạo vét luồng. Chính phủ đồng ý sẽ huy động nguồn vốn. Một số tập đoàn trong nước đang rất quan tâm dự án này. Khi có cảng, công nghiệp khu vực này sẽ phát triển đột phá.
Trong quy hoạch, Bộ GTVT cũng sẽ xây dựng cao tốc từ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ra cảng Trần Đề, kết hợp với cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có thể tạo thành hệ thống cao tốc liên hoàn để giúp do ĐBSCL phát triển công nghiệp 2 bên đường cao tốc, đưa hàng hoá ra nước ngoài. Chúng tôi nghĩ rằng dự án này rất khả thi, mong các đại biểu ủng hộ.
Chỉ làm BOT tuyến mới, toàn đèo núi với nền đất yếu thì suất đầu tư rất cao, ai thực hiện?
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nêu câu hỏi: Cử tri phản ánh đường giao thông của nước ta giá thì cao mà chất lượng thì thấp, Bộ trưởng trả lời vấn đề này ra sao? Một vấn đề khác là Bộ sẽ tham mưu thế nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông phía Bắc?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Về thông tin chi phí làm đường giao thông ở ta cao, xuống cấp nhanh, có nhiều vấn đề liên quan chất lượng. Tôi xin báo cáo chi phí cao hay không, nhanh hỏng hay không cần căn cứ vào địa chất, khu vực vận tải và nhiều yếu tố khác.Như ĐBSCL, nếu đầu tư sơ sài thì hỏng ngay vì nền đất rất yếu.
Khu vực vùng núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu long, nếu Quốc hội không quyết tâm, Chính phủ không quyết tâm bố trí kinh phí cho 2 vùng này thì vô cùng khó khăn. Hiện dự án huy động vốn phải được hoàn vốn. Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 437 của Uỷ ban thường vụ quốc hội, chỉ thực hiện dự án BOT ở tuyến đường mới hoàn toàn. Ở phía bắc đèo núi như thế thì làm sao làm được đường mới. Cũng như vậy, ở ĐBSCL, làm tuyến mới, bỏ tuyến hiện hữu thì phải đắp rất cao, làm rất nhiều cầu, suất đầu tư cao.
Chỉ có một giải pháp duy nhất là Chính phủ, Quốc hội bố trí nhiều nguồn lực cho khu vực này thì mới có công trình, dự án lớn.
Riêng với khu vực phía Bắc, trong đề án phát triển giao thông giai đoạn tới một đề án riêng. Chúng tôi đang nghiên cứu sẽ hình thành một số trục đường ngang. Cụ thể, chúng tôi đang nghiên cứu để sao kết nối tỉnh phía Bắc dọc biên giới, kết nối với trục dọc, trục cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Ninh…, kết nối đường cao tốc xuôi với một vài trục ngang để phát huy hiệu quả cho khu vực này.
3 điểm nghẽn đường Hồ Chí Minh: Cần vốn để nối thông
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đăk Lắk): Nhân dân Tây Nguyên rất cảm ơn Đảng, NN, Bộ GTVT đã đầu tư xây dựng đường HCM qua Tây Nguyên. Tuy nhiên, chỉ có thể phát huy hiệu quả của tuyến này khi có sự kết nối với các tuyến đường khác trên địa bàn. Đề nghị BT cho biết kế hoạch đấu nối các tuyến đường trên địa bàn Tây Nguyên như thế nào? Bộ có kế hoạch đầu tư đường sắt, đường cao tốc qua địa bàn Tây Nguyên hay k?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đường HCM hiện nay còn 3 điểm nghẽn, 1 điểm nghẽn phía Bắc là ở khu vực Tuyên Quang - Bắc Cạn, 1 điểm ở Bình Phước và 1 điểm ở Kiên Giang - Cà Mau. 3 đoạn này chưa hoàn thành đúng theo Nghị quyết 66 của Quốc hội, có nghĩa rằng chúng ta làm để thông tuyến trước năm 2020.
Vừa qua chúng tôi đã báo cáo Quốc hội và đang trình Quốc hội gói tín dụng 200 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư 3 đoạn này và cố gắng bố trí vốn trong nhiệm kỳ tới. Vì Nghị quyết 66 của Quốc hội là đến năm 2020 phải xong nhưng bây giờ chưa có tiền do đó chúng tôi xin bố trí đầu tư để nhiệm kỳ tới chúng ta hoàn thành và chúng tôi đồng thuận với ĐBQH là đường HCM cần thông tuyến từ Bắc vào Nam thì mới phát huy được toàn tuyến đường HCM.
Về đường bộ, để kết nối với QL1 và vùng ven đường, hiện đang chuẩn bị đầu tư, thi công, mở rộng nâng cáp QL24, QL25 theo chương trình 15 ngàn tỷ mà Ủy ban Thường vụ QH duyệt thời gian qua, cùng QL19 sử dụng vốn ADB.
3 công trình này khi hoàn thành sẽ kết nối đường HCM và QL1 và ven biển, tạo thế mới cho khu vực này phát triển bền vững.
Về đường sắt, rất cần để vận chuyển hàng hoá từ Tây Nguyên ra các cảng biển, nhất là hàng siêu trường siêu trọng như gỗ, nông lâm sản… Tuy nhiên đầu tư đường sắt kinh phí rất lớn, và hiện nay chúng ta đang tập trung xây dựng đường sắt Bắc Nam tốc độ cao, chúng ta chưa có chủ trương. Chúng tôi ủng hộ đề xuất của ĐB, tuy nhiên khi nguồn lực có hạn, có khả năng, khi QH biểu quyết, chúng ta sẽ xây dựng đường sắt kết nối Tây Nguyên với bờ biển.
Thiếu trầm trọng vốn duy tu, đại tu đường bộ
Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An): QL62 là tuyến đường huyết mạch của cả vùng Đồng Tháp Mười nối QL1A với Tp. HCM, tới cửa khẩu biên giới Campuchia. Nhưng hiện nay xuống cấp trầm trọng, xin hỏi khi nào mới được đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Xin chia sẻ với đại biểu. Xin báo cáo Đại biểu, chúng tôi vừa hoàn thành đề án xem xét công tác quản lý duy tu sửa chữa đường bộ, hiện cả nước có 24.600 km đường quốc lộ, thống kê còn 15.150 km đến giai đoạn trung tu đại tu, trong đó gần 10 ngàn km đến trung tu, hơn 5000 km đại tu phải nâng cấp sửa chữa mặt đường, trong đó có QL62, nhưng không có nguồn lực, chúng tôi cũng rất mong đoàn ĐBQH, chính quyền địa phương cùng các bộ ngành tham mưu CP, QH cố gắng để bổ sung nguồn lực cho ĐBSCL. Chúng tôi cũng nhận định hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông
Chấm điểm nhà thầu, doanh nghiệp yếu kém không thể tham gia gói thầu mới
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang): Trong báo cáo của Bộ gửi QH, có 1 nguyên nhân đánh giá là do tồn tại hạn chế trong vấn đề các công trình trọng điểm GT là do năng lực nhà đầu tư còn yếu kém. Vậy chúng ta đã xử lý trách nhiệm những người tham mưu và quyết định các nhà đầu tư này chưa, nếu có kết quả thì xin Bộ trưởng báo cáo cho QH được biết, bởi tôi được biết có nhiều nhà đầu tư do chỉ định nhà đầu tư chứ không qua đấu thầu
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Về trách nhiệm của Bộ, xin báo cáo các đồng chí, tất cả các dự án khi chúng ta đấu thầu chúng ta có hồ sơ mời thầu, nhà thầu mời dự có hồ sơ dự thầu, tất cả những hồ sơ này là cơ sở pháp lý trong quá trình xét thầu, các tổ chuyên gia đều căn cứ vào quy định của pháp luật để chúng ta chọn thầu.
Khi chọn thầu, công bố, các nhà thầu tham dự thầu đều có quyền khởi kiện, khiếu nại nếu tổ chuyên gia làm không đúng.
Ý tôi muốn nói là khi xét thầu chúng ta làm công khai, minh bạch, đúng pháp luật thì các nhà đầu tư các nhà thầu đều đảm bảo các yêu cầu.
Tuy nhiên, có 1 thực tế trong quá trình thực hiện dự án, nhiều nhà thầu và nhà đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu và chúng ta gọi là nhà thầu và nhà đầu tư yếu kém. Về việc này, chúng tôi đã có nhiều giải pháp, có những biên bản cảnh báo, cắt hợp đồng, tịch thu hợp đồng. Còn những dự án chúng ta chỉ định thầu như 1 số dự án QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên, dự án BOT trong thời gian vừa qua, khi đấu thầu không thành công, phải xin chủ trương của Chính phủ. Chính phủ đồng ý thì chỉ định thầu. Những dự án chỉ định thầu phải thực hiện đúng quy định, anh phải chứng minh các hồ sơ thủ tục, năng lực, kể cả chi phí các dự án.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã có 1 số giải pháp liên quan đến các nhà thầu chỉ định thầu.
Mặc dù chúng ta không tổ chức đấu thầu nhưng có hồ sơ chỉ định thầu cũng như hồ sơ đấu thầu, do đó hoàn toàn có thể xử lý các doanh nghiệp chậm tiến độ.
Vừa qua, mỗi năm chúng tôi đều xếp hạng các doanh nghiệp để phân loại. Những doanh nghiệp kém bị hạn chế trong quá trình xét thầu. Chấm điểm để những nhà thầu yếu kém, không đảm bảo tiến độ không thể tham gia các gói thầu.
Những doanh nghiệp làm sai phải được xử lý theo đúng quy định pháp luật, kể cả hành chính, kể cả hình sự.
Có sai phạm trong quản lý dự án, xử lý theo quy định pháp luật
Đại biểu Nguyễn Vũ Cầu (Nghệ An) đặt 2 câu hỏi: Hiện nay các dự án của ngành GTVT có nhiều tồn tại, trong đó vấn đề chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém. Xin hỏi BT, trách nhiệm cá nhân có truy đến cùng không hay chỉ tập thể thôi? Tôi muốn xử lý đến cùng trách nhiệm cá nhân để gây ra tình trạng này. Vấn đề thứ hai, tình trạng lái xe nghiện ma tuý, uống rượu bia say gây TNGT thảm khốc, trách nhiệm của Bộ GTVT như thế nào và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Về tình trạng dự án chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém, xin thưa đại biểu, dưới Bộ có chủ đầu tư, mỗi 1 dự án đều có chủ đầu tư. Vừa qua, thanh tra Bộ GTVT đã thanh tra tất cả các dự án lớn cùng với thanh tra các Bộ, Kiểm toán Nhà nước, tất cả cơ quan điều tra của Bộ Công an đang tiến hành xử lý.
Với công trình chậm tiến độ do yếu tố khách quan, như GPMB, bố trí vốn khôngkịp thời, chúng tôi kiểm điểm, rút kinh nghiệm, còn các dự án thuộc trách nhiệm chủ quan của các đơn vị có liên quan như của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý nghiêm.
Còn các dự án đội vốn rơi vào đường sắt đô thị, đây là công nghệ mới, và những dự án này được phê duyệt trước năm 2008, chúng ta nhớ 2008 - 2009 là khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá 20%, thống kê từ năm 2009 đến 2013 trươt giá khoảng 49%, tức có yếu tố trượt giá, có yếu tố công nghệ mới, có yếu tố thay đổi quy mô của chủ đầu tư, một số dự án có đội vốn… Tuy nhiên, chúng tôi cùng cơ quan chức năng, cơ quan điều tra vào cuộc, cơ quan, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương này và các BQLDA, các đơn vị hiện nay biết rằng chúng ta đang thực hiện rất nghiêm, nhất là vấn đề sử dụng vốn nhà nước.
Về trách nhiệm của Bộ, chúng tôi đã điều chuyển 1 số giám đốc BQL dự án, kiểm điểm cuối năm, xếp loại cán bộ hoàn thành nhiệm vụ mặc dù cơ quan đơn vị xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với những dự án có vấn đề dư luận quan tâm, chúng tôi xếp loại cán bộ đồng thời với việc thanh tra và yêu cầu xử lý cán bộ.
Về vấn đề lái xe nghiện ma tuý, trách nhiệm của Bộ là có. Hiện chúng tôi đã yêu cầu các Sở GTVT tiến hành thanh tra các DN, các đơn vị có sử dụng nhiều lái xe để quản lý chất lượng phương tiện cũng như tình trạng sử dụng lao động, đặc biệt là tình trạng sức khoẻ của lái xe.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ và phối hợp với các địa phương thanh tra trọng điểm 1 số doanh nghiệp, 1 số địa phương, đơn vị. Tuy nhiên địa bàn rộng, chúng tôi rất mongnhận được thong tin của ĐBQH, cử tri, báo chí với những thong tin cung cấp chung tôi sẽ cho kiểm tra, xử lý nghiêm.
Sẽ làm rõ việc đội vốn Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đơn vị làm sai phải chịu trách nhiệm
Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Thái Bình nêu câu hỏi: Thưa Bộ trưởng, Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được Bộ GTVT phê duyệt từ 2009. Vốn ban đầu là 8.769 tỷ đồng và điều chỉnh năm 2016 lên 18 nghìn tỷ đồng. Lý do gì cho chạy thử rồi, hoàn thành 99% dự án mà đến nay chưa khai thác? Có xem xét trách nhiệm tổ chức cá nhân liên quan tới đội vốn, kéo dài dự án này không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Như tôi đã nói, Dự án Cát Linh - Hà Đông tăng vốn do trải qua các năm 2009-2012 là những năm biến động lớn về kinh tế vĩ mô, thống kê tỷ lệ trượt giá lên tới 49%. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như công nghệ mới, linh kiện, phát sinh trong GPMB. Sắp tới các cơ quan thanh tra, KTNN thậm chí cơ quan điều tra sẽ vào cuộc làm rõ con số này, sáng tỏ vấn đề phát sinh đúng sai. Đơn vị nào làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bộ GTVT đang chỉ đạo BQL dự án đường sắt sớm đưa vào vận hành thương mại dự án này. Sau đó sẽ tiến hành các thủ tục quyết toán kiểm toán xử lý các số liệu liên quan.
"Tổng thầu xây dựng đường sắt Cát Linh còn thiếu kinh nghiệm vận hành"
Trả lời ý kiến chất vấn vì sao các dự án đường sắt đô thị bị đội vốn, chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, tư vấn trong nước và Ban QLDA có hạn chế, tổng thầu cũng có vấn đề. Những dự án đường sắt khi lập chưa có chủ trương xin vốn, thường huy động doanh nghiệp trong nước lập dự án. Cũng giống như hiện nay, việc xác định danh mục trình Quốc hội thông qua hoàn toàn không có kinh phí.
Do đó, tỉnh, chủ đầu tư, căn cứ vào suất đầu tư và công trình tương tự để lập và trình Quốc hội do đó, số liệu không chuẩn. Khi có chủ trương của Quốc hội, chúng tôi tiến hành lập dự án, tư vấn mới nghiên cứu kỹ. Thực tế dự án đường sắt của ta thời gian qua, cán bộ của ta còn hạn chế, tư vấn cũng hạn chế, khi triển khai dự án đường sắt thường lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề. Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, khi ký hiệp định vay vốn, Trung Quốc chỉ định tổng thầu. Không phải chúng ta thi tuyển, chọn.
Qua thực hiện, chúng tôi thấy rằng tổng thầu xây dựng đường sắt rất tốt nhưng vận hành đường sắt còn thiếu kinh nghiệm. Thi công đường sắt với vận hành khác nhau. Chúng tôi đánh giá tổng thầu còn thiếu kinh nghiệm.
Do đó, chúng tôi làm việc với các bên, cố gắng cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành.
Về câu hỏi tại sao dự án chậm, chúng tôi xin trả lời đến thời điểm này thiết bị cung cấp đã xong 99%, hạng mục công việc đã xong 99%.
Điều đặc biệt quan trọng là phải chứng minh được an toàn hệ thống. Chúng tôi đã thuê tư vấn nước ngoài, một công ty của Pháp đứng đầu sẽ đánh giá an toàn hệ thống.
Nếu thông tin của tổng thầu không chuẩn, Tư vấn sẽ không thông qua. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành 1% còn lại.
Khi 1% khối lượng công việc này xong, có nghĩa là chứng nhận được thiết bị đảm bảo an toàn hệ thống thì mới vận hành thương mại được.
Mong Quốc hội ủng hộ chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Trả lời câu hỏi của ĐB về năng lực vận tải đường sắt, Bộ trưởng Thể cho biết hiện đường sắt Bắc Nam mỗi ngày chỉ vận chuyển 22 đôi tàu vì ta chỉ có 1 đường. Tàu phải tránh nhau ở ga do đó năng lực bị hạn chế.
Hiện đường sắt đảm bảo 2% lượng khách Bắc - Nam. Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Chính phủ đang giao thẩm định. Mong rằng ĐBQH ủng hộ chủ trương để chúng tôi thực hiện dự án này.
Hà Nội có thể báo cáo Thủ tướng xin hỗ trợ ngân sách để triển khai 3 dự án đang gây bức xúc
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Xin hỏi Bộ trưởng, dự án QL1A cũ, tuyến đường trên đê Hữu Hồng, đường gom khi mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thường xuyên ùn tắc xảy ra TNGT vì sao vẫn chưa thể triển khai?
Nếu các dự án này vượt quá khả năng về vốn của Hà Nội, Bộ trưởng có báo cáo với QH, CP về bố trí vốn xây dựng hạ tầng giao thông theo quy định của Luật Thủ đô hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Về ý kiến mở rộng QL1A cũ, đường gom cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ và đường trên đê ở Tp. Hà Nội, chúng tôi thấy rằng cả 3 công trình này là công trình bức xúc ở địa phương, bởi TP Hà Nội có tốc độ phát triển KTXH cao, lượng xe tăng nhanh, các tỉnh đều đi vào HN thông qua các cửa ngõ.
Tuy nhiên, theo phân cấp thì trên địa bàn Thủ đô, Hà Nội sẽ chủ động có kế hoạch triển khai các dự án. Nếu Hà nội không đủ nguồn lực tài chính, cần báo cáo trực tiếp Thủ tướng. Tôi biết nhiều địa phương đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng xin hỗ trợ ngân sách để xây dựng các công trình bức xúc, Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ.
Cách nào để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia các dự án giao thông lớn?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Hiện nay doanh nghiệp xây dựng giao thông trong nước khó tham gia các công trình, dự án lớn về giao thông, chẳng hạn như dự án cao tốc Bắc - Nam do năng lực, khả năng tài chính không đáp ứng được vốn dài hạn, trong lúc đó các ngân hàng nhà nước không muốn mở rộng nguồn cung cấp để cho vay. Đề nghị Bộ trưởng cho biết có giải pháp gì tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước; Nếu mời gọi doanh nghiệp nước ngoài thì phải làm gì để tháo gỡ vướng mắc?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đường cao tốc Bắc - Nam phía đông là dự án lớn, mỗi 1 dự án có thể cần 5-7 tới 20 ngàn tỷ đồng và chúng ta có 8 dự án PPP, ngân sách chúng ta hiện nay đang khó khăn, nguồn lực trong nước đang khó khăn, nhiều doanh nghiệp đầu tư BOT giai đoạn trước, hiện nguồn lực rất hạn chế.
Đây là dự án lớn, trọng điểm. Hiện chúng tôi đang đấu thầu quốc tế đúng quy định pháp luật, được sự thống nhất của CP, Bộ GTVT đã thuê 2 tư vấn nước ngoài lập hồ sơ mời thầu.
Chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước nên liên doanh để có thể đảm bảo tài chính của doanh nghiệp 20% theo đúng Nghị quyết QH; hoặc chúng ta có thể thu xếp các nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, hoặc DN trong nước liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài.
Đáng mừng là đến nay đã bán được 81 hồ sơ cho 34 doanh nghiệp trong đó có 10 doanh nghiệp nước ngoài và 24 doanh nghiệp trong nước. Cố gắng tháng 8, sẽ mở thầu sơ tuyển, đến tháng 9 sẽ cung cấp cho QH các nội dung có liên quan.
Chất lượng dự án không tốt là vi phạm pháp luật, Bộ GTVT sẽ phối hợp các cơ quan liên quan để quản lý tốt nhất
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu 3 câu hỏi: Hầu hết các dự án giao thông triển khai theo Nghị quyết 556 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến triển khai vào mùa mưa, Bộ trưởng có cam kết không ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tiến độ hay không?
Cầu Đại Ngãi đã khởi động và dự kiến hoàn thành năm 2019, đến nay chưa khởi công vậy công trình này có khởi công hay không và khi nào hoàn thành?
Thu phí không dừng vì sao đến thời điểm này mới chỉ đạt khoảng 30%, do Bộ làm không cương quyết hay do thoả thuận nào khác?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Xin thưa ĐB, chúng ta thực hiện công tác xây dựng cơ bản phải đúng trình tự, thủ tục quy định. Mùa mưa chúng ta cũng có thể làm 1 số công việc ví dụ như thi công cầu, trụ cầu hay là gia cố nền đất yếu, do đó chúng tôi sẽ tranh thủ triển khai những công việc nào trong mùa mưa có thể làm được.
Chất lượng dự án không tốt thì chắc chắn dư luận xã hội sẽ quan tâm và đó là hành vi vi phạm pháp luật do đó chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý chất lượng tốt nhất.
Về cầu Đại Ngãi, Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất về chủ trương đầu tư. Bộ GTVT đã hoàn thành hồ sơ dự án trình CP. Hiện Bộ KHĐT đang tổ chức thẩm định nguồn vốn. Chúng tôi đã làm việc với các cơ quan của Bộ KHĐT và hiện JICA - 1 tổ chức của Nhật đang rất quan tâm đến dự án này.
Tuy nhiên, để có thể triển khai được, chắc chắn Quốc hội sẽ phải biểu quyết, bố trí vốn, vì vốn ODA phải thông qua QH để chúng ta giám sát trần nợ công, rất mong QH quan tâm đến dự án này.
Riêng về thu phí tự động không dừng, hiện chúng tôi đang bám sát vào Quyết định 07 của Thủ tướng CP, thời hạn cuối cùng là 31/12/2019 áp dụng đồng loạt với tất cả các trạm thu phí. Xin báo cáo, về tiến độ chúng tôi chia làm 2 dự án, đến nay đã triển khai xong khoảng 28 trạm, còn 15 trạm.
Giai đoạn 2 chúng ta tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi từ năm 2018, qua đầu 2019 và Bộ GTVT đã thống nhất để Tổng cục Đường bộ VN giao doanh nghiệp Viettel của quân đội và Vietinnet là một đơn vị của Ngân hàng Vietinbank thực hiện. Hai đơn vị này đang khảo sát toàn bộ 33 trạm thu phí còn lại, theo cam kết của các nhà đầu tư thì sẽ hoàn thành vào tháng 12/2019.
Vấn nạn dồn dập thi công đường cuối năm: Phải sửa Luật đầu tư công và quy trình xây dựng
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định): Bộ GTVT có giải pháp gì để giải quyết tình trạng giao thông ngày Tết luôn bất cập giá vé tàu xe cao mà hành khách vẫn không mua được; Cuối năm làm vội đường để giải ngân; Ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng; Tai nạn giao thông cũng tăng cao…
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Đại biểu hỏi giải pháp nào khắc phục? Tôi xin báo cáo, về vận tải, những ngày lễ Tết, chúng tôi huy động xe buýt, xe hợp đồng của doanh nghiệp vận tải để đưa khách từ bến xe về các nơi.
Về việc sửa chữa triển khai dự án đường sá dồn dập vào cuối năm, chúng tôi đã có ý kiến, công tác chuẩn bị đầu tư nên làm trước. Như thế phải sửa Luật Đầu tư công và quy trình xây dựng cơ bản. Nên có gói tín dụng cho công tác chuẩn bị đầu tư. Hiện nay khi được bố trí tiền mới làm thủ tục cho dự án. Chúng tôi đề nghị nên bố trí một gói, chọn ra một số công trình sẽ làm, phải làm trong giai đoạn tới để lập dự án đầu tư. Như vậy là khác Luật Đầu tư công hiện nay. Có nghĩa là chưa bố trí tiền nhưng cho chủ trương lập dự án, khi hồ sơ hoàn thành, đầu năm bố trí tiền thì có thể triển khai ngay. Công tác sửa chữa đường bộ cũng vậy.
Về giải pháp ngăn chặn TNGT, sắp tới, báo cáo Quốc hội, trong nội dung dự thảo sửa đổi Nghị định 86, chúng tôi đã yêu cầu kết nối dữ liệu giám sát hành trình của tất cả phương tiện vận tải hành khách, hàng hoá. Toàn bộ xe kinh doanh trên cả nước sẽ có phần mềm kết nối và dữ liệu trực tuyến được cung cấp cho công an.
Công an có thể biết xe đang ở đâu, tình trạng như thế nào, để có thể xử lý hành vi vi phạm, chạy nhanh, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách để đảm bảo ATGT tốt hơn.
Bao giờ phạt nguội vi phạm giao thông trên diện rộng?
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận): TNGT hiện nay rất nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân là do thiếu lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát. Nghiên cứu ở nhiều quốc gia, việc giám sát xử lý bằng camera, phạt nguội là khả thi nhất. Qua triển khai thí điểm ở một số địa phương khó khăn là chưa có chế tài cưỡng chế với người vi phạm không đóng phạt. Đề nghị Bộ trưởng cho biết bộ có kế hoạch hoàn thiện văn bản pháp luật về phạt nguội chưa? Trong khi chưa có thì có giải pháp gì?.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: TNGT hiện nay là vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi không đủ lực lượng để có mặt trên tất cả QL, tỉnh lộ đến đường nông thôn. Chúng tôi tha thiết muốn bổ sung Luật, Nghị định để xử phạt nguội.
Bộ GTVT đã đầu tư hệ thống giao thông thông minh giám sát trên một số đoạn tuyến cao tốc. Công an cũng có một hệ thống camera để xử phạt nguội. Hiện giờ hai Bộ Công an và GTVT đang có chương trình kết nối số liệu để xử phạt. Chỉ có công nghệ mới có thể giám sát chặt chẽ hoạt động vận tải và đảm bảo TTATGT. Tôi rất ủng hộ chủ trương này.
Cùng liên quan tới việc xử phạt vi phạm, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nêu câu hỏi: Có tình trạng xe không chính chủ, người vi phạm khi được phát hiện qua thiết bị công nghệ không nộp phạt, trong khi chưa có quy định của pháp luật về vấn đề này, trước mắt, theo Bộ trưởng, có giải pháp gì xử lý người vi phạm không chịu nộp phạt?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: Theo quy định của pháp luật, mua bán xe phải sang tên. Ai không làm là đã vi phạm. Xe chính chủ hay không chính chủ mà người điều khiển phương tiện vi phạm thì đều phải có trách nhiệm nộp phạt, còn ai không tuân thủ thì có thể tạm giữ phương tiện.
Tôi nghĩ rằng chúng ta đi theo hướng vận động kết hợp kiểm tra giám sát nhắc nhở để người dân có thể thực hiện đúng quy định rồi chúng ta xử phạt. Trước mắt, nếu người điều khiển vi phạm thì dựa vào chứng minh nhân dân, GPLX để xử lý vi phạm.
Tiêu cực đăng kiểm, cấp GPLX: Kiểm tra nóng, xử phạt nghiêm
Đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hoá): Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận của các DN đầu tư cho hoạt động đăng kiểm và mục đích cao nhất trong hoạt động kiểm định phương tiện cơ giới là đảm bảo an toàn cho con người, phương tiện và công trình giao. Theo BT, đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại, hạn chế trong quản lý chất lượng phương tiện hay không?
Có ý kiến cử tri phản ánh, trường A, trường B học dễ thi dễ, được bao lý thuyết thế nên có hiện tượng người học lái xe di chuyển từ địa phương này sang địa pương khác để học thi dù phải đi xa hơn vài chục, thậm chí vài trăm cây số. Xin hỏi Bộ trưởng giải pháp khắc phục như Bộ GTVT đã báo cáo có giải quyết được tình trạng này hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Để giám sát chất lượng đăng kiểm, toàn bộ các hoạt động của trung tâm kiểm định xe trên cả nước đã được kết nối với Cục Đăng kiểm VN. Bộ GTVT đã xử lý nghiêm các trung tâm vi phạm, 1 số trung tâm bị rút giấy phép. Cụ thể, trong năm nay, 1 trung tâm ở Bắc Giang đã bị rút giấy phép.
Trách nhiệm của các trung tâm đăng kiểm là phải đảm bảo công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy trình kiểm tra. Các trung tâm, cá nhân vi phạm sẽ bi xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về câu hỏi trường A trường B có thể tổ chức thi sát hạch cấp bằng lái dễ hơn các trường khác, và cũng có hiện tượng 1 số người dân đi đến các trường xa hơn các địa bàn của mình, vì nghe rằng ở những chỗ đó, thi dễ hơn. Tình trạng này cũng có, vừa qua báo chí đã phản ánh, chúng tôi và cơ quan công an đã vào cuộc. Vừa qua đã xử lý 1 trung tâm ở Hải Phòng.
Ngoài việc giám sát hàng ngày bằng công nghệ, Bộ GTVT đã tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Bất cứ thông tin nào báo chí phản ánh đều được kiểm tra ngay.
Grab và taxi truyền thống có cơ hội cạnh tranh như nhau
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh): Nhiều cử tri cho rằng việc thực hiện QĐ 24 về Đề án thí điẻm triển khai ứng dụng KHCN hỗ trợ và kết nối vận tải hành khách theo Hợp đồng taxi công nghệ quá dài gây bất cập trong quản lý trong nước, từ thu thuế tới ký hợp đồng lao động, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao chậm ban hành Nghị định 86 sửa đổi?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Sau 2 năm thực hiện sơ kết, chúng tôi đã xây dựng dự thảo Nghị định 86 sửa đổi. Tuy nhiên do thời gian vừa qua, Nghị định này nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, cơ quan chuyên môn và cả chuyên gia nên dù đã qua 7 lần trình Chính Phủ vẫn còn nhiều ý kiến khác nau. Rất mừng theo thông tin cập nhật cách đây 1 tuần chỉ còn 1 ý kiến giữa Bộ GTVT với TT-TT còn lại tất cả đã được giải quyết và nhận được đồng thuận cao. Hi vọng Nghị định này sẽ sớm được ban hành. Lúc đó taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ có cơ hội cạnh tranh như nhau.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cùng về hoạt động của taxi, Bộ trưởng Thể cho biết: Sắp tới, thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị định 86 sửa đổi được ban hành cũng sẽ không còn quy định hạn ngạch của taxi. Hiện nay, cũng đã cho phép taxi gắn các thiết bị thu tiền tự động giống như taxi công nghệ. Tuy nhiên điều này cũng có thể dẫn tới hệ lụy có nhiều phương tiện tham gia trên đường gây áp lực ùn tắc giao thông. Đề nghị người dân khi mua xe cần tính toán đảm bảo hiệu quả khai thác.
Trả lời đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) cách nào quản lý Grab không phát triển quá nóng, Bộ trưởng Thể cho biết: Trong Nghị định 86 sửa đổi, chúng tôi đề xuất xe taxi công nghệ cũng gắn mào để cơ quan chức năng nhìn lướt qua có thể biết được xe taxi hay xe taxi công nghệ. Về số lượng xe, chúng ta thực hiện luật Quy hoạch, không còn hạn chế số lượng, do đó Hà Nội muốn hạn chế cũng không được. Doanh nghiệp phải tính hiệu quả kinh tế để đầu tư và chịu rủi ro. Địa phương nào hạn chế là phạm luật. Bộ GTVT đang đề xuất, xe công nghệ hay xe truyền thống hồ sơ thủ tục như nhau. Do đó, xe như Grab hoạt động ở VN thì phải được đăng ký, đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước lái xe, chịu trách nhiệm với hành khách.
Những hãng taxi truyền thống lớn như Vinasun, Mai Linh hiện nay đều sử dụng công nghệ như Grab. Hiện có 13 phần mềm kết nối hãng taxi với người dân. Taxi công nghệ và taxi truyền thống, tôi nghĩ rằng điều kiện hoạt động như nhau, cạnh tranh công bằng sẽ mang lại dịch vụ tốt hơn. Tôi cho rằng bà con tham gia vào dịch vụ này thì nên tính hiệu quả trước khi đầu tư.
Sắp tới, xe không dán thẻ e-tag sẽ không được đi vào làn thu phí không dừng
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên): Số chủ ô tô mở tài khoản và dán thẻ thu phí không dừng vẫn còn ở mức khiêm tốn. Điều này gây ảnh tưởng tới tiến độ thực hiện chủ trương này. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì xử lý tình trạng trên?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Dự án thu phí tự động không dừng đang tương đối bám sát tiến độ chỉ đạo theo Thủ tướng. Tuy nhiên, do chưa hoàn chỉnh hệ thống nên một số trạm dù đã lắp hệ thống vẫn thu theo phương thức thủ công. Ngoài ra, các chủ xe cũng còn tâm lý chưa dán thẻ cũng vẫn đi được nên hiện nay doanh thu từ các làn không dừng không cao. Sắp tới, chúng tôi tham mưu Chính phủ ban hành một số chỉ đạo để tới cuối 2019 tất cả phương tiện chưa dán thẻ hoặc chưa nộp tiền phải đi vào làn thu phí thủ công, sẽ bố trí mỗi trạm 2 làn thủ công, nếu phương tiện nào không chấp hành phải xếp hàng vì không được quyền đi vào làn thu phí tự động. Ngoài ra, sẽ phối hợp với Ngân hàng nhà nước để có giải pháp liên thông tài khoản của thẻ thu phí không dừng với thẻ tài khoản của các ngân hàng.
Minh bạch trạm BOT, cách nào để giám sát mức phí, lưu lượng xe?
Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) nêu lại vấn đề: Mặc dù Bộ có nhiều công văn giải trình việc thu phí dự án BOT, cử tri vẫn lo lắng về tính minh bạch của các dự án này. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ cách tính định mức giá thu phí và đặc biệt là cách thức công khai lưu lượng xe đi lại qua các trạm BOT. Việc công khai thông tin này được tiến hành ở đâu, bằng phương thức nào để người dân dễ tiếp cận, theo dõi và giám sát?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chúng tôi thấy rằng, các dự án BOT có khẳng định 2 việc: Thứ nhất đầu vào (quyết toán dự án BOT) phải đảm bảo công khai minh bạch. Thời điểm này, 62 trạm BOT đã được quyết toán. Tồn tại còn lại thường liên quan đến GPMB của các địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương để làm rõ hơn chi phí GPMB.
Riêng công tác xây dựng đã quyết toán, kiểm toán cơ bản. Chúng tôi có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng xem xét công tác quyết toán từng dự án. Như vậy đầu vào đã rõ ràng, đầu ra là thu phí.
Việc này cần giám sát chặt chẽ, để người dân nộp số tiền đúng như nhà đầu tư đã đầu tư. Việc này hiện kiểm tra bằng phương pháp thủ công.
Bộ GTVT đang giao TCĐB phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm toán việc thu phí, xem xét, rà soát việc thu phí của trạm BOT.
Cuối năm nay, khi tất cả các trạm thu phí không dừng đi vào hoạt động.
Chúng tôi có 2 giải pháp giám sát thu phí. Thứ nhất, từng trạm đều có phần mềm thu phí. Sắp tới, chúng tôi sẽ kết nối số liệu này với các cơ quan chức năng của nhà nước để giám sát. Toàn bộ việc thu phí của trạm BOT sẽ được báo cáo tự động. Ngoài ra, mỗi trạm có 1 - 2 làn thu phí thủ công để phục vụ xe ưu tiên, xe nước ngoài vào VN. Như vậy sẽ phát sinh thêm một số lượng ít về doanh thu liên quan đến thu phí thủ công.
Cuối năm nay, tất cả các trạm có hệ thống bố trí camera xem xét lưu lượng từng giờ, từng ngày. Sắp tới, chúng ta lấy số liệu này, kiểm tra trong một ngày, một tuần để đối chiếu doanh thu doanh nghiệp cung cấp. Việc thu phí, xác định hoàn vốn sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều.
Không có chuyện Bộ GTVT không đồng ý kiểm toán dự án BOT
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) chất vấn: Sau kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước giảm 222 năm thu phí của 61 dự án này. Trước đó, 2 Bộ KHĐT và GTVT với nhiều lập luận cho rằng, KTNN không được kiểm toán các dự án BOT giao thông vì đây là các dự án của nhà đầu tư tư nhân. Xin hỏi BT vì sao 2 Bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông, nếu kiểm toán NN không kiên quyết thì dân có phải trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không và có lợi ích nhóm ở đây hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chúng tôi trân trọng sự hỗ trợ của Kiểm toán Nhà nước. Xin báo cáo với Quốc hội là ngay từ khi dự án BOT triển khai, Bộ GTVT đã mời kiểm toán, chủ doanh nghiệp BOT cũng trực tiếp mời kiểm toán vào cuộc để kiểm toán, thậm chí mời cả công an chứ không phải như thông tin nói rằng Bộ GTVT không đồng ý kiểm toán dự án.
Gần như 100% dự án BOT được kiểm toán. Số liệu hơn 200 năm phải trả phí mà các đại biểu phản ánh, trong kỳ họp trước chúng tôi đã trả lời. Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt, chúng tôi sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư. Nhà đầu tư triển khai xong, chúng tôi sẽ quyết toán.
Căn cứ vào quyết toán thực tế, chúng ta điều chỉnh lại hợp đồng. Hợp đồng cuối cùng mới cho thu phí. Nếu kiểm toán căn cứ vào dự án khi mới được phê duyệt sẽ không đúng thực tế. Chúng tôi đã giải trình một lần rồi. Số liệu hơn 200 là đúng nhưng chỉ đúng với dự án được duyệt. Số liệu thực tế quyết toán, thời gian thu phí đã giảm rất nhiều so với hợp đồng nguyên tắc ban đầu.
Ngay sau đó, ĐB Bùi Văn Phương bấm nút xin tranh luận: "Bộ trưởng vừa trả lời là Bộ không hề né tránh kiểm toán các dự án BOT giao thông mà chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc. Có lẽ trả lời của Bộ trưởng không chính xác vì tôi đang ngồi cạnh Tổng kiểm toán Nhà nước. Bộ chỉ mời 3 dự án là Hầm Đèo Cả, Trung Lương - Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn. Trước đó, Bộ cũng đồng ý với Bộ KHĐT là không kiểm toán các dự án BOT giao thông".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời: Báo cáo với các đồng chí, trong quá trình làm, chúng tôi chỉ đạo nhà đầu tư chủ động mời Kiểm toán Nhà nước ngay từ đầu. Kiểm toán Nhà nước đã vào 50 - 60 dự án BOT.
Tôi xin nói rõ là ngay từ đầu chúng tôi đã yêu cầu các nhà đầu tư, không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng việc này. Một số dự án có vấn đề, dư luận đặc biệt quan tâm thì Bộ chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào phối kết hợp làm rõ hơn nữa.
Đề nghị bố trí 2.200 tỷ đồng xử lý các dự án nợ đọng
Đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ (Hoà Bình) hỏi: Theo báo cáo của Bộ đang tồn tại khó khăn về xử lý vướng mắc công trình trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ, có tới 69 dự án nợ đọng. Xin Bộ trưởng cho biết, cần làm gì để giải quyết thực trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chúng tôi đã báo cáo Quốc hội, Chính phủ trong kỳ phân bổ nguồn vốn dự phòng 10%, đề nghị bố trí vốn cho 69 dự án rải rác ở các địa phương khoảng 2.200 tỷ. Chúng tôi mong Quốc hội ủng hộ vì đây là những dự án hoàn thành trước 2015, khi Luật Đầu tư công chưa có hiệu lực. Hiện dự án đã hoàn thành rồi, mong Quốc hội ủng hộ. Từ nay về sau không còn dự án như vậy nữa mà chỉ còn dự án đầu tư theo hình thức BT.
Xe chở quá tải, quá khổ đang phá hoại tài sản Nhà nước
Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) đặt câu hỏi: Hiện nay, nhiều con đường bị xe quá tải phá hoại. Trách nhiệm của Bộ trưởng về tình trạng này? Giải pháp nào khả thi nhất? Việc đào tạo sát hạch cấp đổi GPLX còn hạn chế, thậm chí có tiêu cực. Vì sao? Bộ trưởng chỉ đạo như thế nào để khắc phục tình trạng trên?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Việc xử lý xe quá khổ quá tải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ở Bộ GTVT, chúng tôi có trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm. Khi đăng kiểm, tất cả các xe đều phải đảm bảo đúng quy trình, đúng kết cấu trong hồ sơ. Tuy nhiên, trong thực tiễn, sau khi đăng ký, đăng kiểm, một số chủ phương tiện cơi nới để chở quá tải. Việc này xảy ra sau khi đăng ký đăng kiểm và xảy ra ở địa phương.
Với trách nhiệm của Bộ, chúng tôi đã đã chỉ đạo thanh tra giao thông các cấp cùng với chính quyền địa phương tăng cường xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của các chủ phương tiện. Tuy nhiên, tình trạng quá khổ quá tải còn diễn ra một số địa phương, tập trung chủ yếu ở tuyến đường nông thôn, tỉnh huyện. Các xe này không dám đi trên đường quốc lộ vì ở đây có nhiều lực lượng tuần tra kiểm soát hơn. Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, cùng với công an các cấp, tăng cường kiểm tra giám sát. Đây là hành vi phá hoại tài sản của nhà nước. Xe quá khổ quá tải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu mặt đường.
Về đào tạo sát hạch cấp GPLX, chúng tôi thấy rằng đây là nguyên nhân có thể dẫn đến TNGT, do đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm, thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, nhân dân, điều chỉnh và tham mưu Chính phủ, cuối 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 138 thay thế một số nội dung của Nghị định 65 về các cơ sở đào tạo. Hiện chúng tôi đang dự thảo điều chỉnh Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính cũng như Nghị định 86, chúng tôi đã lồng ghép nội dung như tăng cường giám sát giờ học của các học viên, tăng cường giám sát thời gian tập trên đường, tăng độ khó của các đề thi, đưa ra một số tình huống khó. Chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến hơn nữa công tác đào tạo cấp GPLX, để mỗi lái xe khi nhận bằng có thể hoạt động tốt nhất.
Mở rộng QL 1 là giải pháp tốt để đảm bảo ATGT nhưng nguồn lực chỉ đủ giải quyết những vị trí cấp bách
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên)
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đặt câu hỏi: Trước hết cảm ơn Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo Ban QLDA, nhà đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện nghĩa vụ bảo hành, đã cơ bản sửa chữa bảo đảm ATGT trên toàn tuyến QL 1 qua Phú Yên.
Sau tai nạn thảm khốc tại Quảng Nam hồi tháng 7/2018 làm 13 người thương vong, đại biểu QH đã khảo sát tuyến tránh qua Phú Yên gồm tuyến tránh sông cầu, tuyến tránh thành phố Tuy Hoà và cầu Bàn Thạch. Các tuyến tránh này đều xuống cấp, không có giải phân cách, nguy cơ xung đột giao thông cao, chúng tôi đã đề nghị nâng cấp mở rộng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết chủ trương của Bộ về thời gian khắc phục tình trạng nêu trên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Việc mở rộng QL1 là giải pháp rất tốt để đảm bảo ATGT. Khi triển khai vào khoảng năm 2013 - 2015, do ngân sách hạn chế, chúng ta làm tuyến tránh qua các đô thị trong đó có Phú Yên với mong một phần xe qua tuyến tránh, một phần đi trên QL 1cũ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xe nhanh. Một số đô thị như Phú Yên, tuyến tránh chỉ 1 - 2 làn xe, nền đường 12m, mặt đường 11m, dẫn đến quá tải và nguy cơ xảy ra tai nạn. Việc nâng cấp tuyến tránh này hết sức cần thiết. Nhưng chúng ta cần nguồn lực. Trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã phân bổ nguồn lực từ đầu nhiệm kỳ, chỉ còn 10% dự phòng rất ít, chỉ giải quyết vấn đề cấp bách. Rất mong đại biểu quan tâm ủng hộ những dự án này để khi Quốc hội bố trí vốn chúng tôi sẽ triển khai.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.