Đóng cửa trạm BOT nếu thu phí gian lận

Thị trường 01/10/2016 15:47

Xung quanh hoạt động thu phí của các trạm thu phí BOT giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, nếu phát hiện gian lận, sẽ yêu cầu nhà đầu tư hoàn lại số tiền sai lệch gấp ba lần, thậm chí, có thể dừng thu phí vĩnh viễn...

 

Đóng cửa trạm BOT nếu thu phí gian lận
Cả nước hiện có 45 trạm BOT giao thông đang thu phí

Giảm phí trong tháng 10-2016

Không thể phủ nhận, nhờ triển khai một loạt các dự án BOT, hạ tầng giao thông tại nhiều địa phương đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, những bất cập, thiếu sót liên quan tới các dự án BOT giao thông vừa qua đã gây bức xúc trong dư luận, đơn giản vì người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài đóng phí cho trạm BOT.

Nói như ông Lê Quốc Đạt - Phó Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “người dân đi 1km nhưng vẫn mất 15.000 đồng/lượt tiền phí qua trạm BOT và không có quyền lựa chọn. Nếu không chấp nhận mất phí, các phương tiện chỉ có cách bay lên trời”… Đặc biệt, theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước, có thể rút ngắn thời gian thu phí của một số trạm BOT.

Về đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, sau khi xây lắp xong, sẽ tiến hành quyết toán, lúc đó mới tính được giá trị đích thực của dự án là bao nhiêu; lấy giá trị này chia cho mức thu phí sẽ ra được năm thu phí. Ngoài ra, khi lưu lượng xe biến động trên dưới 5%, nhà đầu tư sẽ tính toán lại. Ví dụ tăng 5%, thời gian thu phí sẽ ngắn hơn, giảm 5% thời gian thu phí sẽ nhiều lên.

“Nhà nước quản lý rất chặt chẽ, đảm bảo sẽ không có thất thoát trong các dự án BOT”, Thứ trưởng cam kết. Cũng về vấn đề này, ý kiến chuyên gia giao thông cho rằng, tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là kinh phí dự tính của dự án, làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình chứ không phải là giá trị cuối cùng để xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, trong tháng 10-2016, tất cả 45 trạm BOT (đang thu phí trên toàn quốc) sẽ phải giảm mức thu từ 10 - 15% theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện các nhà đầu tư cơ bản đồng tình với mức giảm trên. Trong 45 trạm thu phí BOT hiện nay, đã có 26 trạm giảm phí; số trạm còn lại, Bộ GTVT sẽ làm việc với nhà đầu tư để giảm ngay trong tháng 10-2016.

Mạnh tay với gian lận thu phí

Theo Bộ GTVT, dù còn nhiều tranh luận quanh mô hình BOT nhưng thời gian tới, các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức này vẫn sẽ được triển khai. Dù vậy, ghi nhận ý kiến của người dân, đại diện Bộ GTVT cho rằng, các dự án trong tương lai sẽ không còn là độc đạo, đảm bảo sự lựa chọn cho người dân, để họ có thể sử dụng hoặc không sử dụng đường BOT.

Cùng với đó, việc lập dự án đầu tư sẽ chuyển cho cơ quan thẩm quyền. Nhà đầu tư nào có đủ lực mới được tham gia đấu thầu, không để xảy ra tình trạng nhà đầu tư “tay không bắt giặc” như một số chuyên gia kinh tế đã cảnh báo. Từ khâu thiết kế, dự toán đều có cơ quan Nhà nước tham gia, tránh việc “khoán trắng” cho nhà đầu tư để rồi lại xảy ra nhiều thiếu sót.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói: “Tới đây, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng để Nhà nước tham gia khoảng 15-30% tổng mức đầu tư của dự án BOT. Như vậy, chúng ta sẽ có hình thức BOT mới hơn, quản lý tốt hơn”.

Liên quan tới việc giám sát thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và một số trạm BOT khác sau khi bị phát hiện có gian lận, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, để tránh những gian lận trong thu phí, ngoài các giải pháp giám sát, Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ tuyệt đối không được bán vé thủ công.

Trong trường hợp ùn tắc, đơn vị quản lý phải mở cửa cho xe qua trạm và không được thu phí theo đúng quy định của Bộ GTVT. Nếu nhà đầu tư không thực hiện, có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh: “Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, đánh giá, kiểm soát việc thu phí tại các trạm BOT. Với hình thức thu phí một dừng, Tổng cục Đường bộ có thể can thiệp bất cứ lúc nào và dễ dàng nắm được số xe qua trạm là bao nhiêu. Sắp tới, trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải đạt 60-70% cửa vé tự động để minh bạch hơn và giảm ùn tắc”.

Khẳng định quyết tâm của Bộ GTVT trong việc chấn chỉnh hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trưởng cho biết, sắp tới, Bộ GTVT sẽ áp dụng 3 nhóm giải pháp mạnh. Thứ nhất, nếu cơ quan chức năng phát hiện gian lận, sẽ yêu cầu nhà đầu tư hoàn lại số tiền sai lệch gấp 3 lần.

Trường hợp vi phạm nặng hơn, sẽ dừng toàn bộ kíp thu phí và đưa lực lượng thu phí của Nhà nước vào thay thế. Cuối cùng, nếu vi phạm vẫn tái diễn, sẽ dừng thu phí vĩnh viễn và triển khai giải pháp khác để việc thu phí rõ ràng, minh bạch hơn.

Ý kiến của bạn

Bình luận