Đồng Euro biến mất: Ai còn dám tích trữ?

Doanh nghiệp 18/01/2017 16:59

Đồng euro đang chứng minh điều ngược lại, thậm chí bị lo ngại có thể biến mất trong thời gian tới.

20170113155634-euro-15-nam-eu-1_raev
Đồng euro gần đây giảm giá mạnh.

Nguy cơ biến mất

Theo tờ The Guardian, ứng cử viên tổng thống và là cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron vừa đưa ra một nhận định khá sốc khi cho rằng, đồng euro có thể biến mất trong vòng 10 năm nữa.

Theo ông Macron, một sự thật mà mọi người cần công nhận là, đồng euro không toàn diện và không thể tồn tại nếu không có những sự cải cách lớn. Và theo vị chính trị gia 40 tuổi này, đồng euro có thể sẽ không còn tồn tại trong vòng 10 năm tới nếu Pháp và Đức thất bại trong việc hỗ trợ của đồng tiền chung duy nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, sự tụt dốc của đồng euro là một thực tế và nó gắn với câu chuyện buồn của khu vực kinh tế sử dụng đồng euro (eurozone), với khủng hoảng nợ công, sự mất cân đối giữa các nước, sự bất ổn và tâm lý rã đám, bài ngoại đang bùng nổ ở khắp nơi.

Giữa tháng 12/2016, lần đầu tiên trong xu hướng giảm liên tục 8 năm vừa qua, đồng euro đã xuống sát tới ngưỡng ngang giá với đồng USD: 1 euro chỉ còn đổi được khoảng 1,04 USD. Một thời rực rỡ, thăng hoa của đồng euro dường như đã qua đi. Nhiều dự báo cho rằng, mốc ngang bằng này sẽ được xác lập ngay trong năm 2017. Nguy cơ sụp đổ cũng đã được đặt ra.

Dự báo này có vẻ như không quá xa vời trong bối cảnh đồng USD tăng bùng nổ thời gian qua và xu hướng vẫn tăng trong dài hạn do nền kinh tế Mỹ hồi phục ấn tượng và nước Mỹ có kế hoạch tăng lãi suất nhiều lần trong 2 năm trước mắt.

Trong khi đó, cơn bão dân túy - quan điểm bảo hộ thị trường nội địa - vẫn có xu hướng lan rộng ở châu Âu. Nguy cơ nước Pháp rời EU (Frexit), Hà Lan rời khối (Dutxit), nước Ý lựa chọn “ra đi” (Itexit),... vẫn còn rình rập.

 Cú sốc người dân Anh chọn rời EU (Brexit) không chỉ khiến nước Anh chao đảo mà còn khiến rất nhiều nước trong khối lo ngại. Đồng bảng Anh gần đây tiếp tục tụt giảm và đang hướng về ngưỡng: 1 GDP chỉ còn đổi được 1,2 USD cho dù đã giảm khoảng 17% trong năm 2016.

Cú sốc tại nước Ý hồi đầu tháng 12/2016 khiến thủ tướng Matteo Renzi phải từ chức được xem là một dấu hiệu nữa cho thấy sự hiện diện của những trục trặc nội trong khối Eurozone.

Với các nền kinh tế nhỏ hơn, cao bão nợ công vẫn hoành hành. Cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp vẫn chưa nguôi, EU vẫn đang tiếp tục phải giải ngân những khoản vay mới cho đất nước này, trong khi nhiều nước khác cũng đang ở trong tình trạng khó khăn do kinh tế khu vực hồi phục chậm chạp.

Sau hợp là tan: Vòng đời có còn dài?

Tính tới thời điểm hiện tại, đồng euro đã có tuổi đời tròn 15 năm (tới 1/1/2017). Đồng tiền này có mặt tại một số nước châu Âu từ 1999 nhưng chính thức được lưu hành bắt đầu từ đầu năm 2002.

Mười lăm năm là một chặng đường không dài, nhưng cũng đủ để cảm nhận về một đồng tiền. Một cuộc khảo sát đầu năm 2017 cho thấy, phần lớn người Hy Lạp cho biết họ hối tiếc khi tham gia vào đồng euro và đa số cho rằng EU đang đứng trên bờ vực phá sản. Lý do rất đơn giản là vì 53% người trẻ tuổi Hy Lạp ở trong tình trạng thất nghiệp.

Ngay từ khi ra mắt, đồng euro được kỳ vọng rất nhiều. Nó thể hiện tầm cỡ về sự phát triển về cả kinh tế và chính trị của châu Âu. Có thể coi đây là biểu tượng của sự hội nhập, sự hợp lực và hợp tác của các nước dưới một nghị viên chung, một ủy ban chung. EU được xem như một thực thể kinh tế lớn và có thể đối trọng với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới như Mỹ, Nhật, Trung Quốc,...

Mặc dù vậy, kỳ vọng nhiều đem đến nỗi thất vọng lớn. Người ta thấy một EU khá lép vế trước Trung Quốc, sợ mất thị trường Trung Quốc. Một EU có nhiều quan điểm gần với Mỹ. Sự chênh lệch khá lớn giữa các nền kinh tế như Hy Lạp với Đức hay Anh, rồi quan điểm và lợi ích khác nhau về các chính sách kinh tế và đối ngoại với các nước khác trên thế giới (như Nga),... khiến EU luôn ở trong tình trạng chia rẽ.

Sau 15 năm, Hy Lạp chìm ngập trong nợ và là nền kinh tế yếu kém nhất khối. Chính phủ Hy Lạp phải thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt trong tất cả các hoạt động của mình để nhận thêm được những khoản vay giải cứu từ Brussels.

Mỗi một sự kiện nổ ra, từ các lệnh trừng phạt Nga, nợ công ở Hy Lạp hay bất ổn hệ thống ngân hàng tại Ý,... khiến lãnh đạo EU lo lắng. Brexit chỉ là một phần rất nhỏ trong các biểu hiện thiếu hợp tác, chán nản và bướng bỉnh của các nước thành viên.

Trong một thế giới ngày càng bất ổn, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn thì khả năng euro giảm giá và ngang giá với USD được xem chỉ còn là... vấn đề thời gian. Khả năng sụp đổ cũng được đề cập tới ngày càng nhiều.

Căn nguyên của vấn đề có lẽ nằm ở chỗ: lợi ích của các nước là khác nhau. Sự xóa nhòa về biên giới hay việc có cùng chung một đồng tiền, một ủy ban, một nghị viện có lẽ chỉ là hình thức. EU là một liên minh nhưng không thể có được những công dân chung, người Anh vẫn là người Anh, trong khi người Hy Lạp không thể là người Đức. Ngân sách các nước vẫn khác nhau, và không thể có sự công bằng tuyệt đối. Sự sa sút chung về kinh tế khiến người dân ở nhiều nước bất bình và nó khiến chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa dân túy bùng nổ.

Việc hợp rồi tan, tan rồi hợp là một quy luật. Sự tồn tại của đồng euro đã được đặt ra và đồng tiền này còn đại diện cho khu vực bao lâu nữa phụ thuộc vào một cuộc cải tổ lớn mà nhiều nước, trong đó có Pháp và Đức, đang đặt ra. Cuộc bầu cử sắp tới tại Pháp và Đức có lẽ sẽ quyết định nhiều tới số phận trong tương lai của một đồng tiên chung duy nhất trên thế giới.

Ý kiến của bạn

Bình luận