Thuyền viên là một trong nhiều nghề nghiệp có nguy cơ mắc COVID-19 cao. |
Theo đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cùng ra Tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc ưu tiên đưa thuyền viên và phi hành đoàn vào chương trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ sớm nhất có thể lực lượng chủ chốt này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại an toàn giữa các quốc gia.
Theo đó, nhà lãnh đạo của các tổ chức này “kêu gọi các chính phủ ưu tiên đối tượng thuyền viên và phi hành đoàn trong các chương trình tiêm chủng COVID-19 của quốc gia, cùng với những lao động thiết yếu khác, theo khuyến nghị từ Lộ trình SAGE của WHO 9 (công bố vào tháng 11/2020) về việc ưu tiên sử dụng vắc xin COVID-19 trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm” (trích Tuyên bố chung).
Đây là kết quả của nỗ lực đáng ghi nhận từ các tổ chức quốc tế, khẳng định tầm quan trọng của vận tải hàng không và hàng hải - hai lĩnh vực thiết yếu tạo nền tảng cho thương mại toàn cầu, đồng thời là chìa khóa cho phục hồi kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống của toàn nhân loại và nền kinh tế thế giới.
Tuyên bố chung kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc ưu tiên đưa thuyền viên và phi hành đoàn vào chương trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. |
Trước đó, nhận định diễn biến phức tạp và nguy cơ về làn sóng lây nhiễm các biến thể mới của COVID-19 trong khu vực và trên thế giới, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Phó Tổng Thư ký thường trực của Ban Thư ký IMO Việt Nam đã gửi thư tới Tổng Thư ký IMO Kitack Lim đề xuất ý tưởng về việc IMO cần khuyến nghị mạnh mẽ các quốc gia thành viên đưa lực lượng thuyền viên (không kể quốc tịch) vào danh sách đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tổng Thư ký IMO đã có thư trả lời đồng thuận về ý tưởng nêu trên, đồng thời đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam trình bày cụ thể tại phiên họp thứ 103 của Ủy ban An toàn hàng hải của IMO (MSC 103), dự kiến bắt đầu từ ngày 05/5/2021.
Cục Hàng hải Việt Nam hiện đã xin ý kiến các thành viên Ban Thư ký IMO Việt Nam, xây dựng bản trình bày ý kiến theo đúng quy định của IMO, chuẩn bị các hồ sơ liên quan, gửi tài liệu đến Ban Thư ký của phiên họp MSC 103. Tài liệu này hiện đã được đăng công khai tại trang điện tử Tài liệu họp (IMODOCS) của phiên họp MSC 103.
Bên cạnh Việt Nam, một số quốc gia thành viên IMO khác như: Pháp, Dominica cũng đã gửi tài liệu, có ý kiến tương đồng với quan điểm nêu trên của Việt Nam kiến nghị IMO sớm đưa ra quy định, khuyến nghị, hướng dẫn về việc ưu tiên thuyền viên được sử dụng vắc xin sớm nhất có thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại an toàn giữa các quốc gia trong bối cảnh nguồn cung vắc xin khan hiếm.
Việt Nam ngày càng thể hiện chủ động và rõ ràng vai trò của một thành viên tích cực của IMO và nỗ lực đóng góp cho tiến trình thúc đẩy vận tải hàng hải an ninh, an toàn, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường, qua đó đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình và ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực và thế giới./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.