Chiều ngày 10/9, 8 tàu trôi dạt, mắc vào cầu Vĩnh Phú đã được lực lượng chức năng lai dắt ra khỏi vị trí mắc, bảo đảm an toàn cho cầu - Ảnh: Viwa
Cấm tàu thuyền qua cầu Long Biên, Chương Dương, Đuống
Ngày 10/9, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I phát cảnh báo đột xuất về luồng đường thủy khu vực phía Bắc, yêu cầu các tổ chức, cá nhân vận tải, người điều khiển và thuyền viên các phương tiện thủy chủ động, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn khi điều khiển phương tiện thủy lưu thông qua các cầu vượt sông.
Theo đó, các phương tiện thủy phải lưu thông đúng khoang cầu có báo hiệu thông thuyền, trong phạm vi giới hạn của hàng phao dẫn luồng; chỉ được đưa phương tiện lưu thông qua gầm cầu khi xét thấy đủ điều kiện an toàn; có thể xin chỉ dẫn và chấp hành hiệu lệnh của lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm điều tiết giao thông, thường trực chống va trôi (tại nơi có bố trí chốt trực).
Liên quan đến sự cố các tàu thuyền bị trôi dạt, mắc tại cầu Vĩnh Phú (nối Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và huyện sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đến hơn 14h chiều hôm nay (10/9), lực lượng đường thủy phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã đưa các phương tiện (8 tàu) ra khỏi khu vực cầu để neo đậu, đảm bảo an toàn cho cầu Vĩnh Phú.
“Tổng số có 8 tàu bị mắc tại cầu, với 1 tàu có dấu hiệu bị chìm. Sau khi phát hiện sự cố trên, lực lượng quân đội, công an và đường thủy túc trực để neo giữ các tàu và trực tiếp xử lý sự cố là lực lượng quân đội và tàu lai của chủ tàu. Giải pháp là neo chắc các tàu nổi để đảm bảo an toàn, rồi để tàu có dấu hiệu chìm chìm xuống, sau đó đưa dần từng tàu ra khỏi vị trí bị mắc. Tới hiện trường chỉ đạo công tác xử lý sự cố có Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Bùi Thiên Thu và Ts. Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT (đơn vị thiết kế cầu)”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN thông tin.
Về tình hình trên tuyến sông Hồng, Đuống qua Hà Nội, Chi cục cho biết, do ảnh hưởng mưa lũ sau cơn bão số 3, mực nước trên các sông Hồng, Đuống tại Hà Nội đang lên cao. Để đảm bảo ATGT đường thủy và công trình cầu vượt sông, từ trưa hôm nay (ngày 10/9), Chi cục tổ chức hạn chế giao thông ở mức độ cấm luồng, cấm phương tiện thủy lưu thông qua cụm cầu Long Biên – Chương Dương trên sông Hồng, cầu Đuống trên sông Đuống.
Cụ thể, cấm các loại phương tiện thủy lưu thông qua khu vực luồng thuộc khoang thông thuyền cụm cầu Long Biên – Chương Dương, lý trình từ Km181+000 – Km184+500 luồng đường thủy sông Hồng (địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hà Nội); cấm lưu thông qua luồng thuộc khoang thông thuyền cầu Đuống, lý trình Km59+500 sông Đuống (địa bàn phường Giang Biên, quận Long Biên và thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Tương tự, trên tuyến sông Đào qua tỉnh Nam Định, từ chiều nay (10/9), cấm phương tiện thủy lưu thông qua các cầu: Đò Quan, Nam Định, Tân Phong. Đồng thời, khuyến cáo các phương tiện thủy khi đến khu vực trên tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của lực lượng chốt trực làm nhiệm vụ điều tiết giao thông, báo hiệu đường thủy để đảm bảo ATGT.
Khẩn trương ứng phó các sự cố đường thủy, khôi phục báo hiệu hư hại do mưa lũ
Nhằm ứng phó kịp thời với mưa lũ lớn sau bão số 3, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Bùi Thiên Thu vừa ký ban hành công điện gửi, yêu cầu các Chi cục, Cảng vụ, đơn vị quản lý đường thủy nội địa khu vực phía Bắc, miền Trung và Sở GTVT các địa phương Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hoà Bình, Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai, Điện Biên, Tuyên Quang, Hà Giang, Ninh Bình, Thanh Hoá khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ để khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ATGT đường thủy.
Cụ thể, các đơn vị đường thủy bố trí nhân sự và trang thiết bị tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn sự cố sập cầu Phong Châu trên sông Hồng (Km18+300, QL32C, địa bàn tỉnh Phú Thọ) khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Về ứng phó mưa lũ sau bão số 3, các đơn vị đường thủy và Sở GTVT các địa phương nói trên, căn cứ điều kiện, tình hình diễn biến thủy văn trên tuyến luồng, tăng cường công tác kiểm tra tuyến luồng, kịp thời có biện pháp thu hồi, đưa phao báo hiệu bị trôi dạt về đúng vị trí, khôi phục báo hiệu hư hỏng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên luồng.
Kịp thời khôi phục các đặc tính kỹ thuật của báo hiệu đường thủy tại các khu vực xuất hiện vật chướng ngại đột xuất, ảnh hưởng đến lưu thông phương tiện trên luồng; kịp thời thông báo sự thay đổi của tuyến luồng tại các khu vực xảy ra sự cố, tuyến luồng có thay đổi lớn.
Chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đảm bảo ATGT đường thủy để tổ chức phân luồng giao thông tại các khu vực xảy ra sự cố; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của địa phương trong việc bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.