Đồng Tháp “đột phá khẩu” từ hai cây cầu Vàm Cống, Cao Lãnh

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
02/09/2020 13:33

Việc khánh thành đưa vào sử dụng hai cây cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống, mở ra cơ hội chuyển mình cho sự phát triển KT-XH của tỉnh Đồng Tháp.


cao-lanh-1-1527310361

Sợi dây liên kết

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống cùng tuyến nối với hệ thống giao thông hiện hữu như QL30, tuyến N2, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sắp hình thành sẽ là một trục dọc thứ hai bên cạnh QL1 từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Tây Nam bộ. Có thể nói, việc góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông tỉnh Đồng Tháp chính là sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh - quốc phòng của tỉnh cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là chấm dứt cảnh chia cách khiến người dân phải luỵ phà, luỵ đò hàng thập kỷ qua.

Ông Trần Trí Quang - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay Sở đang làm chủ đầu tư Dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Dự án được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2923/QĐ-BGTVT ngày 26/9/2008 bao gồm hai giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đầu tiên là đầu tư hai đoạn tránh TP. Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự dài 20km. Giai đoạn 2 đầu tư đoạn nối giữa hai đoạn tránh dài 39km (tổng mức đầu tư là 800 tỷ đồng).

Theo đó, QL30 là tuyến đường trọng tâm, huyết mạch của tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, do hai cây cầu lớn của tỉnh đã khánh thành nên lượng phương tiện đang tăng nhanh. Bên cạnh đó, Hiệp định liên vận Việt Nam - Campuchia chính thức có hiệu lực từ ngày 26/5/2019 đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu hàng hóa với nước bạn Campuchia. Điều đó có nghĩa, áp lực giao thông lên QL30, nhất là đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự ngày càng tăng cao, đòi hỏi phải kịp thời nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng.

Mặt khác, QL30 là một trong 10 dự án công trình giao thông trọng điểm cấp bách của cả nước được Chính phủ trình Quốc hội năm 2018. Đây là tuyến giao thông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Đồng Tháp nói riêng, khu vực nói chung. Bộ GTVT cũng đã nhiều lần yêu cầu chính quyền địa phương, các đơn vị thi công phải đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công trình để kịp hoàn thành trong năm 2020.

Mở ra cơ hội mới, vận hội mới

Theo báo cáo từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ thì đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng có kết quả điều hành tốt khi có 5 tỉnh trong vùng lọt top 10 có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao (Đồng Tháp thường xuyên xuất hiện trong top 3), 6 tỉnh xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, toàn vùng đã đóng góp đến 20% GDP cho cả nước.

Cầu Cao Lãnh được khởi công xây dựng vào tháng 10/2013, là cây cầu lớn thứ hai (sau cầu Vàm Cống) trong dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông, nối liền huyện Lấp Vò với TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Cầu được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với kinh phí 145 triệu USD (tương đương 3.038 tỷ đồng). Cầu có tổng chiều dài toàn tuyến là 2.014 m. Cầu Vàm Cống được khởi công xây dựng vào tháng 9/2013, đây là cây cầu lớn nhất của dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông và là cây cầu thứ hai sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối liền huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ). Dự án có tổng vốn đầu tư 7.341 tỷ đồng, từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng chiều dài gồm cả đường dẫn là 5,75 km.

Sự kết hợp của hạ tầng và môi trường đầu tư thuận lợi mang đến những thay đổi rõ nét về dòng vốn đầu tư cho nhiều địa phương Tây Nam bộ. Những nhà đầu tư đã và đang tích cực ghi dấu sự hiện diện tại tỉnh Đồng Tháp như Vingroup với dự án Trung tâm thương mại Vincom Plaza Cao Lãnh. Tập đoàn TNG Holdings Việt Nam cũng đề xuất đầu tư hai dự án Khu dân cư phường 4 - Hòa An, TP. Cao Lãnh (giai đoạn 2) và Khu dân cư trục phố chính đô thị thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình.

Mới đây, Tập đoàn FLC đã chính thức khởi công dự án khu đô thị FLC La Vista Sadec tại Sa Đéc với quy mô 15 ha, định hướng trở thành một khu đô thị đầy đủ tiện ích, là không gian sống tiêu chuẩn cao, đồng thời cũng là điểm đến mua sắm, giải trí lý tưởng của người dân cũng như du khách vùng Tây Nam bộ.

Theo ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, từ khi cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống hoàn thành, địa phương đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và phát triển từng ngày. Hai cây cầu bắc qua sông Tiền, sông Hậu là mơ ước bao đời của bà con nhân dân, đánh thức tiềm năng không riêng gì Đồng Tháp mà cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khi giao thông thuận tiện thì hàng hóa nông sản của người dân được vận chuyển nhanh hơn, tỏa đi nhiều địa phương khác.

Bên cạnh đó, rất nhiều cơ hội mới cũng đang mở ra cho người dân, doanh nghiệp khi các tuyến giao thông huyết mạch như QL30 đang hoàn thiện kết nối các khu, cụm công nghiệp hiện hữu như Cụm Công nghiệp Trường Xuân, Khu Công nghiệp Tân Kiều... Đây thật sự là “mảnh đất lành” cho các nhà đầu tư chế biến nông sản, du lịch, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tư, phát triển. Từ những triển vọng như vậy, Đồng Tháp Mười sẽ được “đánh thức”, vươn lên sánh vai với các địa phương đang phát triển mạnh mẽ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ý kiến của bạn

Bình luận