Hợp sức đóng, xóa nhiều lối đi tự mở gây mất ATGT
Ngày 29/6, UBND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) phối hợp với Đội Kiểm tra, kiểm soát trật tự ATGT Đường sắt số 3 (Phòng 6, Cục CSGT, Bộ Công an), Phòng Thanh tra - An toàn II (Cục Đường sắt Việt Nam), đơn vị quản lý tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đóng, xóa các lối đi tự mở ngang qua đường sắt gây mất ATGT, tiềm ẩn TNGT đường sắt.
Đợt này, kế hoạch ra quân thực hiện đóng, xóa các lối đi tự mở trên tuyến đường sắt Bắc - Nam tại Km716+930 (Km854+400 QL1), Km719+210 (Km856+800 QL1), Km720+025 (Km857+800 QL1), Km721+960 (Km859+200 QL1), Km723+550 (Km861+200 QL1) qua địa bàn xã Lộc Điền; Km724+295 (Km861+800 QL1), Km724+490 (Km861+900 QL1), Km728+745 (Km866+300 QL1) thuộc địa bàn thị trấn Phú Lộc; Km729+800 (Km867+300 QL1) thuộc địa bàn xã Lộc Trì; Km735+725 (Km874+400 QL1) thuộc địa bàn xã Lộc Thủy; Km746+256, Km753+350 (đường ven đầm Hói Dừa - Hói Mít) thuộc địa bàn thị trấn Lăng Cô.
Video chính quyền huyện Phú Lộc hợp sức cùng các đơn vị, lực lượng thực hiện đóng, xóa bỏ lối đi tự mở ngang qua đường sắt gây mất ATGT
Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc thông tin, tất cả vị trí đóng, xóa lối đi tự mở qua địa bàn huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là các vị trí đoạn đường hẹp, độ dốc lớn, không lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động, tầm nhìn bị hạn chế và có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường sắt. Một lý do khác để thực hiện đóng, xóa các lối đi tự mở này là ở các khu vực này đã có các tuyến đường gom, hoặc đường kết nối ra khu vực xung quanh.
"Việc đóng, xóa bỏ các lối đi tự mở tại các vị trí này cũng góp phần thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về đảm bảo trật tự hành lang an toàn đường sắt, xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt", ông Đăng cho biết.
Có mặt từ sáng sớm tại lối đi tự mở tại Km729+800 (Km867+300 QL1) tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc địa bàn xã Lộc Trì, ông Huỳnh Như Hà (60 tuổi), Trưởng thôn Trung An, xã Lộc Trì cho biết, lối đi tự mở này tồn tại từ hàng chục năm nay và được người dân thôn Trung An đi lại hằng ngày. Tuy nhiên, lối đi này không an toàn, vì lối đi có độ dốc lớn, lại nằm trên đoạn tuyến đường cong, khuất tầm nhìn và tiếp giáp ngay mặt đường QL1, mất ATGT.
"Trước hiểm họa TNGT xảy ra, trên cơ sở phổ biến chủ trương đóng, xóa lối đi tự mở, thôn Trung An đã họp bàn, tuyên truyền, vận động người dân cùng đồng thuận thực hiện chủ trương một cách triệt để. Đóng, xóa lối đi tự mở này, đường ra trung tâm xã, hay ra QL1 sẽ đi bằng tuyến đường khác xa hơn, nhưng an toàn hơn", ông Hà nhấn mạnh.
Các lối đi tự mở qua địa bàn huyện Phú Lộc nhỏ hẹp, có độ dốc lớn, khuất tầm nhìn, gây mất ATGT, tiềm ẩn TNGT lớn
Hiệu quả từ sự vào cuộc của chính quyền, lực lượng địa phương
Ông Nguyễn Hữu Thu, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt 5, Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho hay, Đội Quản lý đường sắt 5 phụ trách tuyến đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Thừa Thiên - Huế đoạn từ Km703+00 - Km756+200. Hiện trên tuyến còn 43 lối đi tự mở và đang thực hiện đóng, xóa 12 lối.
"Công tác đóng, xóa các lối đi tự mở trên tuyến gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các lối đi tự mở tập trung lưu lượng người và phương tiện lớn, nằm ở khu vực dân cư đông. Từ thực tế phối hợp thực hiện đóng, xóa các lối đi tự mở cho thấy ở địa bàn nào, đoạn tuyến nào có sự quyết tâm chính trị của chính quyền và các cơ quan, đoàn thể địa phương vào cuộc thì nhận được sự đồng thuận của người dân rất cao. Công tác đóng, xóa lối đi tự mở ngang qua đường sắt hết sức thuận lợi", ông Thu nhìn nhận.
Trung tá Nguyễn Hoàng Kiên, Phó trưởng Công an huyện Phú Lộc cho hay, để đảm bảo trật tự hành lang an toàn đường sắt, đảm bảo ANTT, TTATGT đường sắt, thời gian qua, Công an huyện Phú Lộc đã chỉ đạo lực lượng địa phương bảo vệ hiện trạng, hiện trường đóng, xóa các lối đi tự mở; nắm bắt tinh hình tại các lối đi tự mở để chủ động xử lý các tình huống xảy ra (nếu có). Công an huyện Phú Lộc cũng tích cực, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, đơn vị quản lý đường sắt thực hiện giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt và xử lý các trường hợp vi phạm tại lối đi tự mở đã được đóng, xóa.
Một số hình ảnh về công tác phối hợp đóng, xóa các lối đi tự mở ngang qua đường sắt trong sáng 29/6/2024
"Đối với các lối đi tự mở đã được đóng, xóa, nếu phát hiện hành vi phá dỡ, xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, hành lang an toàn đường sắt, thì Công an huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị, lực lượng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, tạo tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm", Trung tá Kiên nhấn mạnh.
Theo ông Đăng, việc lập kế hoạch, ra quân đóng, xóa các lối đi tự mở lần này không chỉ nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường sắt, mà còn lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật đảm bảo ATGT đường sắt, góp phần giảm thiểu TNGT. Qua đó duy trì quản lý, bảo vệ hành lang ATGT đường sắt, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đường sắt trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
"Việc phối hợp ra quân đóng, xóa lối đi tự mở cũng có mục đích tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ trật tự hành lang an toàn đường sắt. Đảm bảo an toàn, thân thiện và nâng cao khả năng lưu thông tại các vị trí đường ngang hợp pháp. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý đường sắt trong việc thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo ATGT đường sắt, quản lý không để phát sinh các lối đi tự mở trên địa bàn", ông Đăng thông tin.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.