Nhiều quy định vừa ban hành đã giúp tháo gỡ ngay vướng mắc
Bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh, kiến nghị chính đáng của nhân dân, cử tri và dư luận báo chí. Bộ GTVT cũng đã tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, chủ động triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao.
Theo lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), về cơ bản, từ đầu năm đến nay, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong năm 2024 đã có nhiều đột phá, nhất là Luật Đường bộ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tháo gỡ "điểm nghẽn" trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông...
Ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, lãnh đạo Bộ GTVT nhất quán quan điểm là phải tạo được những đổi mới có tính đột phá, trong đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, vì sự tiến bộ chung của xã hội.
Trong những tháng qua, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 7 và cho chủ trương có hiệu lực sớm đối với 3 nội dung về thanh toán điện tử, thu phí sử dụng đường cao tốc và thu phí sử dụng đường bộ qua đầu phương tiện. Bên cạnh các dự án cao tốc, công trình giao thông trọng điểm quốc gia tiếp tục được khởi công thì công việc quản lý khai thác hiệu quả, an toàn tiếp được chú trọng. Hệ thống trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc và các trạm thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư thực hiện theo cơ chế đấu thầu rút gọn rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu từ 2 - 6 tháng chính là minh chứng cho việc hoàn thiện nhanh cơ chế, để cơ chế "đẻ" ra việc và tiền cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong suốt quá trình dự thảo, hoàn thiện dự án Luật Trật tự, ATGT đường bộ để báo cáo Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Báo cáo dự án Luật Đường sắt được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Song hành với đó, Bộ GTVT cũng tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng để ban hành 20 Thông tư, trình Chính phủ ban hành 9 Nghị định. Trong đó, nhiều quy định quan trọng ngay sau khi ban hành đã giúp tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ chính trị của Ngành, định hướng cho các hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, điển hình như: Thông tư 06 về quy chuẩn đường bộ cao tốc là cơ sở pháp lý trong xây dựng quy hoạch, thiết kế, thi công, quản lý, vận hành, khai thác đường bộ cao tốc; Thông tư 16 về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ đã tháo gỡ vướng mắc để tiếp tục triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư các trạm dừng nghỉ; Nghị định 57 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, giúp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đặc biệt sau khi các dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm được thực hiện sẽ góp phần cùng các với nguồn vật liệu khác cung cấp bổ sung cho các dự án đường bộ cao tốc khu vực phía Nam.
Quyết liệt, trách nhiệm, thận trọng, khoa học, khách quan
Công tác lập, triển khai quy hoạch tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Bộ GTVT đã trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước.
Bộ GTVT cũng đã tổ chức phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, các cảng hàng không Cà Mau, Liên Khương và công bố Cảng Hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế. Các cục chuyên ngành đang khẩn trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cát Bi, Chu Lai, hoàn thiện báo cáo đầu kỳ quy hoạch mạng lưới đường sắt, báo cáo giữa kỳ và cuối kỳ 4 quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành đường sắt, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực đường bộ theo chỉ đạo của Bộ GTVT.
Ngoài ra, công tác chuẩn bị các nội dung trình Bộ Chính trị là nhiệm vụ mang tầm chiến lược, phức tạp, quy mô lớn, nhiều nội dung chưa có tiền lệ nhưng được Bộ GTVT triển khai trách nhiệm, thận trọng, khoa học, khách quan trên tinh thần vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hài hòa lợi ích - trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, Bộ GTVT đã trình Thường trực Chính phủ Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Đề án xử lý khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án BOT giao thông.
Bộ GTVT cũng đã hoàn thiện, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương dự thảo 2 đề án phát triển đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến năm 2035, đồng thời làm việc với Bộ Quốc phòng để hoàn thiện đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Đánh giá công chức, viên chức theo kết quả xây dựng quy phạm pháp luật
Sát sao chỉ đạo điều hành công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế qua từng tuần, từng tháng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo rõ ràng, kịp thời từng hạng mục công việc. Nổi bật trong đó, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, ATGT đường bộ, đặc biệt là 3 Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Nghị định thu phí sử dụng đường cao tốc và Nghị định thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện, hoàn thành trình trước ngày 15/8; đồng thời, tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đường sắt và hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng theo chỉ đạo của Chính phủ; tổ chức đánh giá, nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tổng kết Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Luật Giao thông Đường thủy nội địa.
"Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết 9 Nghị định đã được Chính phủ ban hành, đồng thời tập trung xây dựng trình Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình công tác", Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ quan của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư Pháp để xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018 và Nghị định 30/2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.
"Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng về tiến độ và chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tham gia có trách nhiệm đối với các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành khác chủ trì; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành đã vướng mắc, gây cản trở, khó khăn trong triển khai nhiệm vụ của ngành", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh yêu cầu.
Cùng với đó, Vụ Tổ chức cán bộ trong quá trình tham mưu Bộ trưởng đánh giá, xếp loại kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của công chức, viên chức, ngoài các tiêu chí theo quy định phải căn cứ vào kết quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, đơn vị để tham mưu cho phù hợp.
Về xây dựng đề án, triển khai thực hiện quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là cơ sở để thực hiện các mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước. Các nhiệm vụ đang triển khai đều là những đề án lớn, phức tạp, chưa có tiền lệ, có tác động sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tập trung nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để hoàn thiện các đề án đảm bảo tiến độ, chất lượng, đặc biệt là các đề án phải trình Bộ Chính trị.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.