Để cát biển về đến công trường - Kỳ 3: Tận thấy con đường đưa cát từ khơi xa về đắp nền đường cao tốc

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 28/08/2024 06:00

Những chiếc tàu cỡ lớn đang vận chuyển hàng chục nghìn khối cát biển vào bờ, những sà lan, máy móc sẵn sàng cho việc rửa cát. Sau những công đoạn kỹ thuật, khi độ mặn trong cát trở về ngưỡng cho phép, cát biển sẽ được đưa về công trường để phục vụ công tác đắp nền đường cho các dự án cao tốc.

Hành trình vượt 12 hải lý

Ngày 27/8, đội tàu khai thác cát biển phục vụ cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đã vận chuyển một lượng lớn cát biển từ ngoài khơi về khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, các đơn vị thực hiện công tác sang mạn để các đội tàu nhỏ hơn chở về khu vực thi công dự án. 

Để cát biển về đến công trường: Kỳ 3 - Cận cảnh quá trình khai thác  - Ảnh 1.

Cát biển đã về đến công trường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Ông Đặng Ngọc Minh, Giám đốc Điều hành dự án Hậu Giang - Cà Mau (Ban QLDA Mỹ Thuận) cho biết, hiện nay cát biển được nhà thầu đưa về phục vụ các đoạn tuyến từ Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Quá trình thi công cát biển sẽ được các đơn vị thi công, tư vấn giám sát và các cơ quan chức năng của địa phương (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương…) phối hợp kiểm tra thường xuyên để kiểm soát chặt chẽ việc tác động đến môi trường xung quanh, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ nhiễm mặn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để có đủ nguồn cát biển phục vụ thi công thí điểm, đáp ứng yêu cầu tiến độ chung của dự án, Ban QLDA Mỹ Thuận đã phối hợp với các nhà thầu thi công thực hiện đầy đủ thủ tục cần thiết theo quy định. Từ ngày 21/6/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp “Bản xác nhận” khu B1.1 và B1.2 cho nhà thầu Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C để tổ chức khai thác phục vụ thi công dự án. 

Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên tổ chức khai thác cát biển phục vụ thi công tại một dự án cao tốc nên các đơn vị liên quan còn lúng túng về trình tự thủ tục, phương án khai thác và điều kiện khai thác hết sức khó khăn như biển động, gió lớn, đường vận chuyển xa..., dẫn đến lượng cát biển đưa về công trường chưa đạt được như kỳ vọng. 

Để cát biển về đến công trường: Kỳ 3 - Cận cảnh quá trình khai thác  - Ảnh 2.

Công tác sang mạn cát giữa các phương tiện tại khu vực huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

Ông Đỗ Minh Châu, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, cho biết: “Hành trình khai thác cát biển sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khai thác cát sông. Khu vực khai thác cát biển nằm cách bờ 12 hải lý, do đó mỗi lần tàu di chuyển ra vào mất gần một ngày rưỡi, tùy vào thời tiết từng ngày. Sau khi đường sang cát vào các tàu nhỏ hơn, quá trình đưa cát về công trình sẽ kéo dài thêm từ 32 - 34 giờ với quãng đường hơn 180 km. Hiện đơn vị đang có 10 tàu hút, sức chứa tối đa 2.000 m3 đang hoạt động trong tổng số 15 chiếc đã đăng ký. Đến nay, công suất khai thác mới được khoảng 6.500 m3/1 ngày với tổng khối lượng đã đưa về dự án khoảng 80.000 m3. Dự kiến đến đầu tháng 9/2024, công suất khai thác sẽ tăng lên khoảng 15.000 m3/ngày. Nhà thầu đang tiếp tục huy động thêm thiết bị khai thác để đảm bảo đạt được 20.000 - 30.000 m3/ngày phục vụ dự án theo nhu cầu”. 

Kiểm tra nghiêm ngặt trước khi “tiếp đất”

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đã tận thấy những chiếc tàu chở cát đang đánh vật với muôn vàn ngọn sóng lớn để đưa cát biển vào bờ. Thời điểm này, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, cấp 6, sóng biển cao 2 - 3 m, biển động. Do đó, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió giật mạnh và sóng lớn. 

Sau khi chở đầy cát từ biển vào, tàu hút sẽ chạy vào điểm sang mạn tại thị trấn Long Phú (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) và được các công nhân bơm nước ngọt vào khoang liên tục để rửa cát. Khoang tàu có thiết kế các lỗ thủng, khi nước đầy sẽ tự tràn ra, mang theo nước mặn. Đến khi đo nước trong khoang tàu còn 13 - 17‰ thì sẽ ngừng việc bơm rửa. 

Để cát biển về đến công trường: Kỳ 3 - Cận cảnh quá trình khai thác  - Ảnh 3.

Khu vực khai thác cát trên biển thuộc tỉnh Sóc Trăng

Ngay sau đó, cát được bơm sang các tàu xả tràn để đưa về công trình. Khi về đến các gói thầu công trình, cát được bơm nước vào rửa tiếp một lần nữa, kiểm tra lại độ mặn, đảm bảo yêu cầu mới được bơm vào mặt đường để phục vụ việc gia tải. Tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, độ mặn nước đo tại các con sông rạch sát công trình vào khoảng 22 - 27‰, cao hơn độ mặn của cát.

Được biết, hiện mới chỉ có nhà thầu VNCN E&C được khai thác cát biển. Khu vực biển này là do Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ quản lý và các tàu phải có giấy chấp thuận mới được hoạt động. Tất cả các thủ tục này có được sau khi chủ đầu tư và nhà thầu được giao mỏ. Sau khi ký hợp đồng với chủ tàu thì chủ tàu mới đi đăng ký hoạt động luồng tuyến. Trong suốt tháng 7 vừa qua, các đơn vị phải hoàn tất các thủ tục nói trên, do đó công suất khai thác cát vẫn chưa được đảm bảo. 

Cận cảnh quá trình khai thác cát biển

Thời gian tới, các nhà thầu khác sẽ huy động phương tiện vận chuyển theo năng lực khai thác và tăng dần công suất khai thác. Mục tiêu đến hết 2024 sẽ đáp ứng được việc cung cấp cát cho các đơn vị. Một số nhà thầu đang tham gia dự án như nhà thầu Thi Sơn, nhà thầu Hoàng Anh, nhà thầu Bắc Trung Nam… có thể đến mỏ lấy cát biển về sử dụng.

Với thực trạng nguồn vật liệu cát đắp nền hiện nay tại đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu hụt nghiêm trọng, các dự án triển khai đồng loạt, trong khi công suất khai thác các mỏ cát bị hạn chế bởi nhiều quy định, thủ tục, dẫn tới không thể đáp ứng kịp nhu cầu theo tiến độ của dự án, do đó cần có những giải pháp thay thế và việc đưa cát biển vào sử dụng là một tín hiệu vui cho các dự án giao thông trong khu vực. 

Đối với đoạn thí điểm dùng cát biển, trao đổi với PV, Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, đoạn thí điểm tại ĐT.978 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2023 đến nay chưa phát hiện có bất thường gì về chất lượng công trình cũng như môi trường xung quanh. Tình trạng nền mặt đường ổn định, dọc hai bên tuyến người dân vẫn nuôi tôm và trồng lúa xen canh bình thường.