Drone bắn Internet |
Nhưng đó chỉ là một công dụng của drone mà thôi, vẫn còn rất nhiều thứ drone có thể giúp cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn và đơn giản hơn. Ví dụ, drone được dùng để chống săn trộm các động vật quý hiếm, drone dùng để truyền Internet xuống cho người dân vùng sâu vùng xa, hay thậm chí là drone dùng để xây dựng công trình từ xa. Nhiều dự án sẽ không thể trở thành hiện thực nếu không có drone.
Thay vì bắn tên lửa hay đạn pháo, chiếc drone Aquila của Facebook sẽ "bắn" kết nối Internet từ trên cao xuống cho người dân bên dưới. Một cặp 3 chiếc drone sẽ bay cùng lúc, chúng dùng laser để trao đổi thông tin cũng như để lấy đường truyền từ trạm mặt đất trước khi chuyển thành tín hiệu Wi-Fi. Lợi điểm của cách làm này đó là bạn có thể mang Wi-Fi tới bất kì chỗ nào bạn muốn, không quan trọng vùng đó sâu xa tới đâu hay có địa hình hiểm trở như thế nào. Việc sử dụng các đội drone với khả năng bay lòng vòng trong thời gian dài cũng giúp tiết kiệm chi phí: một chiếc Aquila có thể bay đến vài tháng trước khi cần hạ cánh bảo trì.
Trong năm 2016 Aquila đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của mình tương đối tốt đẹp. Giờ Facebook đang tập trung cải tiến thiết kế và tăng cường thử nghiệm thêm các hệ thống viễn thông và điều khiển để drone trở nên ổn định. Cũng phải vài năm nữa Aquila mới có thể triển khai vào thực tế, nhưng tương lai rất hứa hẹn chứ không phải là một dự án viễn vông
Chiến đấu với hạn hán bằng drone tạo mây
Mặc dù con người không thể điều khiển thời tiết nhưng ít ra chúng ta đang cố gắng để tạo ra một sự thay đổi nào đó theo ý muốn của mình. Một trong những kĩ thuật thường được sử dụng là cloud seeding - hay còn gọi là tạo mây mưa bằng cách bắn các phân tử bạc i-ốt vào mây để kích thích mưa. Thường thì việc này sẽ được làm bằng máy bay nhỏ, giờ thì drone sẽ đảm nhận chuyện đó.
Một nhóm thí nghiệm nhỏ ở sa mạc Nevada hồi đầu năm nay đã được chính phủ Mỹ tài trợ để đưa chiếc drone của họ lên độ cao 400 feet, tương đương 121 mét. Nó sẽ đem theo một khẩu súng bắn bạc i-ốt để thực thi nhiệm vụ. Tới giờ nhóm vẫn đang tiến hành dự án và chưa có dấu hiệu nào của mưa nhưng khi đã thành công thì nó sẽ giúp giải quyết phần nào vấn đề hạn hán với chi phí thấp, từ đó giúp nông nghiệp ổn định và phát triển.
Chống săn trộm
Ở Châu Phi, nạn săn trộm đã khiến số lượng nhiều loài vật bị thu nhỏ lại và thậm chí tuyệt chủng trong khi cơ quan chức năng không có đủ nhân lực để triển khai trên những cánh đồng quá rộng lớn. Voi và tê giác là những loài bị săn nhiều nhất. Một nhóm các nhà bảo tồn ở Zimbabwe đang sử dụng drone để giám sát các hoạt động săn bắt trộm từ trên cao, bằng cách nào họ đã bổ sung thêm một lớp bảo vệ cho những con vật tội nghiệp. Drone này được dùng ở Vườn quốc gia Hwange và có khả năng bao phủ gần hết diện tích đất nơi đây, chuyện vốn rất khó khăn với các kiểm soát viên.
Ngoài việc giám sát diện rộng, chiếc máy bay không người lái nói trên còn có thể bay và quay video kể cả khi ban đêm, thời điểm mà các tên thợ săn thường lẻn vào những khu vực được bảo vệ để đầu độc nguồn nước tự nhiên.
Drone giao thuốc khẩn cấp
Một công ty đồ chơi ở Nhật tưởng chừng không thể nào làm ra sản phẩm cứu được mạng sống người khác nhưng đó là những gì đang diễn ra ở công ty Hirobo. Năm 2013, chiếc drone HX-1 đã được giới thiệu với hình dạng của một chiếc trực thăng cứu hộ. Nó được thiết kế để bay trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt để mang thuốc men tới những khu vực hiểm trở hoặc bị ngăn cách vì thiên tai. Với mức giá khởi điểm từ 80.000$ cho một chiếc, HX-1 có thể được gắn thêm các phụ kiện để vận chuyển cơ quan nội tạng và máu của người hiến đến nơi cần thiết hoặc dùng để thu thập dữ liệu cũng được. Với những tác vụ liên quan đến mạng sống, một chiếc drone cấp cứu có thể hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn so với một nhóm người.
Sân bay drone ở Châu Phi
Hồi đầu năm nay công ty thiết kế kiến trúc Foster + Partners đã giới thiệu kế hoạch xây dựng một sân bay nhằm trợ giúp cho những khu vực hẻo lánh ở Tây Phi. Tất cả những chiếc máy bay không người lái đều có thể đáp xuống đây mang theo nhiều hàng cứu trợ cho người dân. Sân bay được thiết kế để đáp ứng drone với đủ loại kích thước từ nhỏ cho đến to. Mái vòm cũng được thêm vào để tạo bóng mát cho người dân và nhân viên cứu hộ khi họ cần tổ chức các chương trình phân phối hàng, cũng như tạo một chỗ râm để sửa chữa, bảo trì drone sau những chặng bay dài.
Đây không chỉ là một dự án trên giấy tờ. 3 tòa nhà đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2020 nếu mọi chuyện đi theo đúng kế hoạch.
Dùng drone để xây nhà
Drone về cơ bản cũng chỉ là những con robot biết bay, mà đã là robot thì bạn có thể lập trình cho nó làm những thứ bạn muốn. Khi kết hợp với những công cụ phù hợp, một đội drone đã có thể xây dựng xong một cây cầu dài 7m đủ vững chắc để bạn bước đi trên đó. Tuy đây chỉ là một dự án nhỏ nhưng nó cho thấy tiềm năng của việc sử dụng drone trong xây dựng là hoàn toàn khả thi, khi đó người ta có thể dùng drone để làm những việc trên cao hay cho chúng bay tới làm ở những khu vực cheo leo, hạn chế rủi ro cho con người. Chưa kể chi phí xây dựng khi đó cũng có thể giảm xuống.
Drone giao hàng
Amazon, 7Eleven là hai cái tên đã bắt đầu thử nghiệm việc dùng drone để giao hàng từ kho đến tận nhà của khách. Việc giao bằng drone sẽ giúp công ty thực hiện nhiệm vụ hoàn thành đơn hàng trong thời gian ngắn hơn, tức là họ có thể hoàn tất nhiều đơn hàng hơn trước trong cùng đơn vị thời gian. Về phía khách hàng như anh em Tinh tế, chúng ta cũng sẽ nhận được món đồ nhanh lẹ hơn. Ví dụ bạn đặt một ở bánh mì thịt ở cách xa 10km thì chỉ 15 phút sau là ổ bánh mì đó đã nằm trước nhà bạn chẳng hạn.
Hiện drone chủ yếu dùng để giao những món hàng nhỏ thôi, nhưng trong tương lai nó hoàn toàn có khả năng mang theo những kiện hàng lớn hơn cũng như tăng số lượng kiện mang theo mỗi lần cất cánh. Những chiếc drone này cũng chạy tự động nên tiết kiệm chi phí vận hành hơn so với xe chạy xăng và tiền trả cho nhân sự.
Drone cứu hỏa
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy ở thành phố New York của Mỹ đang thử nghiệm một thế hệ máy bay drone có thể giúp họ chữa cháy nhanh và hiệu quả hơn. Khi có những đám cháy xảy ra, cảnh sát PCCC sẽ phóng những chiếc máy bay drone này bay đến vùng trời phía trên đám cháy, sử dụng hồng ngoại để ghi lại hình ảnh, video về vị trí, địa hình nơi xảy ra cháy. Từ việc sử dụng những hình ảnh, video của máy bay drone gởi về, sở PCCC New York có thể lên kế hoạch tiếp cận đám cháy từ nơi nào sẽ an toàn hơn cho cảnh sát PCCC.
Được biết, ý tưởng sử dụng máy bay drone tiếp cận vùng cháy để khảo sát tình hình được giám đốc của sở PCCC New York, ông Timothy E. Herlocker lên ý tưởng hồi năm 2014, khi sở này nhận nhiệm vụ dập một đáp cháy vì nổ khí gas hồi năm 2014.
Lúc đó, một người dân đã điều khiển máy bay drone để chụp lại hình của nơi xảy ra cháy và cung cấp cho Timothy, nhờ đó mà họ có cái nhìn tổng quát hơn về nơi đang xảy ra thảm họa để ứng phó hiệu quả hơn. Dự kiến Timothy và sở PCCC New York sẽ bắt đầu thử nghiệm thực tế việc sử dụng máy bay drone để khảo sát các đám cháy ngay trong tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.