Dự án Bến Lức - Long Thành: Thiếu vốn và vướng mắc trong GPMB

Tác giả: Việt Cường

saosaosaosaosao
Thị trường 29/10/2015 15:07

1.912,1 tỷ đồng là kinh phí dự kiến cần bổ sung cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trong năm 2015 của Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Thiếu vốn cộng với quá nhiều vướng mắc khi GPMB tại các địa phương đã đẩy dự án đến nguy cơ “vỡ tiến độ”. Đây là vấn đề cần sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan chức năng để Dự án trọng điểm quốc gia này hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

1
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đi kiểm tra Dự án Bến Lức - Long Thành (phần vốn ADB phía Tây)

Ban Quản lý dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhu cầu vốn phục cụ công tác GPMB là 738,7 tỉ đồng. Để giải quyết vấn đề này, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã có văn bản số 3198/VEC-KHĐT ngày 17/9/2015 xin Chính phủ, Bộ GTVT đồng ý cho VEC vay vốn thương mại để chi trả cho công tác GPMB trong năm 2015 và căn cứ Thông báo số 1726/TB-UBND ngày 11/3/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai có yêu cầu các huyện Long Thành, Nhơn Trạch lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trình thẩm định và phê duyệt.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là Dự án trọng điểm Quốc gia thuộc trục cao tốc Bắc - Nam với chiều dài 57,1km. Tổng mức đầu tư (giai đoạn I) là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD), trong đó vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD.

Tính đến nay, kinh phí cho công tác GPMB đã bố trí và giải ngân đạt 2.104 tỷ đồng, tương đương 49% tổng nhu cầu kinh phí. Trong năm 2015 đã bố trí và giải ngân 200 tỷ đồng, dự kiến cần bổ sung 1.912,1 tỷ đồng để hoàn tất công tác GPMB cho toàn tuyến.

Nhằm đảm bảo công tác chi trả cho các hộ dân đúng thủ tục pháp lý, Ban Quản lý dự án đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì cuộc họp thống nhất hướng xử lý công tác bồi thường cho huyện Long Thành, Nhơn Trạch và công tác trồng lại rừng cho phần diện tích rừng phòng hộ bị thu hồi theo yêu cầu của nhà tài trợ ADB.

Về tiến độ GPMB trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, tại huyện Bình Chánh, cả 2 gói thầu A1 (Km0+600 - Km7+900) và A2.2 (Km11+200 - Km16+600) đều đang gặp nhiều vướng mắc. Tại Gói thầu A1 vẫn còn 104/346 hộ dân và 01 tổ chức chưa di dời được do một số nguyên nhân như: Đã nhận tiền nhưng chưa xây dựng được nhà ở tại địa phương (do chưa được cứu xét tái định cư tại chỗ): 58 hộ; do khiếu nại (6 hộ), chưa đồng ý đơn giá (20 hộ), tranh chấp, thừa kế (tòa án đang thụ lý 19 hộ); chưa ban hành quyết định do đang tranh chấp (01 hộ).

Tại địa phận xã Hưng Long thuộc Gói thầu A2.2 hiện còn 48/163 hộ (4,3ha) dân chưa nhận tiền do khiếu nại về giá đất và xảy ra tranh chấp; 26 hộ (3,6ha) đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng do đang xây dựng lại nhà.

Tại xã Đa Phước hiện còn 14/422 hộ (1,26ha) dân chưa nhận tiền do khiếu nại về giá đất và xảy ra tranh chấp; 95 hộ (3,3ha) chưa đồng ý ký hồ sơ bồi thường và 30 hộ (7ha) chưa hoàn tất hồ sơ; 130 hộ (9,56ha) đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng do đang xây dựng lại nhà.

Trong thời gian qua, nguồn ngân sách Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn nên kinh phí bố trí cho công tác GPMB của các dự án do Tổng công ty làm chủ đầu tư luôn thiếu hụt và không kịp thời. Đối với Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, ngân sách Nhà nước được duyệt cho công tác GPMB là 4.476 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mới chỉ bố trí được 2.304 tỷ đồng, tức là còn thiếu 2.172 tỷ đồng. Thực tế trên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ GPMB, tái định cư  của các dự án và có thể dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng tổng mức đầu tư và giảm hiệu quả dự án. 

Ông Nguyễn Thế Cường, Phó TGĐ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam

Cũng theo Ban Quản lý dự án, hiện khó khăn vướng mắc nhất tại khu vực nút giao QL50 là do các hộ dân khiếu nại về đơn giá đất thấp hơn với dự án mở rộng QL50 gần 1triệu đồng/m2. Huyện Bình Chánh đã có văn bản đề nghị Hội đồng bồi thường Thành phố hướng dẫn xử lý.

Trên địa phận huyện Nhà Bè, tại Gói thầu A3 đã bàn giao 100/113 hộ (xã Nhơn Đức) cho nhà thầu thi công, còn lại 13/113 hộ (diện tích còn lại là 5.267m2) do chưa thống nhất đơn giá. Gói thầu A4 với tổng diện tích bị ảnh hưởng 33.36ha, với tổng số 255 hộ, đã chi trả 217 hộ/255hộ, với diện tích 30.00ha, đạt tỷ lệ 89,93%. Các hộ dân còn lại không đồng ý nhận tiền với các lý do vướng mắc liên quan đến khiếu nại về đơn giá khu vực nút giao Nguyễn Văn Tạo.

 

2

Mô hình cầu dây văng Phước Khánh (giai đoạn 1) trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, khẩn trương đưa công trình về đích đúng tiến độ, VEC đề nghị Ban bồi thường huyện Bình Chánh có kế hoạch bổ sung 129,2 tỷ đồng mà VEC đã tạm ứng trước cho huyện Bình Chánh để đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB cho các hộ dân. Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cần xem xét về đơn giá đất của dự án thấp hơn dự án mở rộng QL50 và phê duyệt đơn giá những hạng mục có kết cấu đặc biệt (mồ, mả, nhà cửa, vật kiến trúc khác…), mật độ cây trồng mà các huyện đã trình UBND thành phố và Hội đồng bồi thường thành phố. VEC cũng đề nghị UBND thành phố chấp thuận áp dụng các khung chính sách của dự án Bến Lức - Long Thành cho các hạng mục bồi thường còn lại theo yêu cầu của Nhà tài trợ ADB.

VEC kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí kinh phí GPMB cho phần giao cắt giữa dự án mở rộng QL50 với dự án  đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên cơ sở nguồn vốn của dự án mở rộng QL50; đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận cho UBND các huyện Nhà Bè, Bình Chánh tiếp tục làm chủ đầu tư các tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với các hạng mục di dời các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật và đường gom dân sinh T14 để phục vụ Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành…

Tại địa bàn huyện Bến Lức và Cần Giuộc (tỉnh Long An) thuộc phạm vi gói thầu A1, A2-1, để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án kiến nghị UBND tỉnh Long An giải quyết các vướng mắc, tồn tại kéo dài từ tháng 01/2013 đến nay, ổn định đời sống dân cư và bàn giao đầy đủ mặt bằng để công tác thi công được đảm bảo.

Ý kiến của bạn

Bình luận