Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang gặp những vướng mắc gì?

Đường sắt 04/10/2022 08:30

Quá trình thực hiện dự án dù ghi nhận nhiều sự nỗ lực nhưng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.


Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vướng mắc thế nào? - Ảnh 1.

Nhà ga S1 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Thông tin từ Bộ GTVT, dự án đường sắt đô thị TP.Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội đến thời điểm hiện nay, tiến độ tổng thể đạt 75%. Trong đó, tiến độ đoạn trên cao đạt 96%, tiến độ đoạn ngầm đạt 33%. Do một số vướng mắc dẫn đến dự án phải điều chỉnh tiến độ và điều chỉnh tổng mức đầu tư.

"Dự án đang triển khai thực hiện tất cả các gói thầu chính. Quá trình thực hiện dự án mặc dù Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) đã nỗ lực, cố gắng trong quản lý, triển khai nhưng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu", Bộ GTVT thông tin.

Tiến độ các gói thầu chính tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

- Gói thầu CP01 (Tuyến đoạn trên cao) và gói thầu CP04 (Hạ tầng kỹ thuật Depot) đã hoàn thành;

- Gói thầu CP02 (các ga trên cao) hoàn thành đạt 99,7%;

- Gói thầu CP03 (Hầm và các ga ngầm) hoàn thành đạt 33%;

- Gói thầu CP05 (kiến trúc Depot) hoàn thành đạt 78,1%;

- Gói thầu CP06 (hệ thống đường sắt 1 gồm đầu máy toa xe, thiết bị Depot, OCC/SCADA, tín hiệu, thông tin liên lạc, cấp điện) hoàn thành đạt 88%; trong đó đoạn trên cao đạt 96,3%;

- Gói thầu CP07 (hệ thống đường sắt 2 gồm Điện và cơ khí) hoàn thành đạt 45,3 %, trong đó đoạn trên cao đạt 95,5%;

- Gói thầu CP08 (Hệ thống đường sắt 3 gồm ray, ghi, ray cấp điện) hoàn thành đạt 73,2% trong đó đoạn trên cao đạt 99.9%;

- Gói thầu CP09 (hệ thống vé) hoàn thành đạt 62,6% trong đó đoạn trên cao đạt 81,5%.

Dự án đường sắt đô thị TP.Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 32.910 tỷ đồng (khoảng 1.176 triệu EUR). Trong đó, vốn đối ứng do Ngân sách TP.Hà Nội là 218 triệu EUR; vốn vay ODA là 958 triệu EUR. 

Số vốn vay ODA này của 4 nhà tài trợ gồm: Tổng Cục Kho bạc (DGT) của Chính phủ Pháp; Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến năm 2022, trong đó, đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022. Tuy nhiên tính đến cuối tháng 8/2022, giá trị giải ngân của dự án mới đạt 706,670 tỷ đồng, đạt 21,35% kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn ODA cấp phát là 159,458 tỷ đồng; giải ngân vốn ODA vay lại là 451,009 tỷ đồng; giải ngân vốn trong nước là 94,293 tỷ đồng.

Thông tin về khó khăn vướng mắc của dự án, Bộ GTVT cho biết, căn cứ tuyên bố chung Việt Nam - Pháp vào tháng 11/2021 và Quyết định 1800 ngày 21/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, dự án đang thực hiện mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao vào tháng 12/2022. 

Hiện 6/8 gói thầu (CP01, CP02, CP04, CP07, CP08, CP09) vẫn đảm bảo tiến độ mục tiêu, tuy nhiên, tiến độ 2 gói thầu CP05, CP06 đang bị chậm từ 2 đến 6 tháng do nguyên nhân chính là sự chậm trễ của gói thầu CP05.

Trong 2 gói thầu CP05, CP06, công tác GPMB gặp khiếu nại của các hộ dân, chưa giải quyết dứt điểm; công tác xây lắp, hệ thống thiết bị đang rất chậm; gói thầu CP06 vướng mắc về thanh toán; điều chỉnh hiệp định vay do vướng mắc về thủ tục vay vốn; công tác vận hành, bảo trì (O&M) chưa lựa chọn được đơn vị tư vấn hỗ trợ vận hành trong giai đoạn đầu và hoàn thành hệ thống thẻ vé. Đặc biệt, công tác nghiệm thu bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống gặp vướng mắc, trong khi đây là nhóm việc phức tạp, tích hợp nhiều công tác nghiệm thu chuyên biệt, chuyên ngành như: PCCC, môi trường, chứng nhận an toàn hệ thống, đăng kiểm phương tiện.

Đề cập đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT cho biết, do dự án có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật mới phức tạp, trong khi quá trình thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc, khó khăn tồn tại từ nhiều năm dẫn đến chậm tiến độ kéo dài. Cùng với đó, việc tăng vốn đầu tư dẫn đến dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (điều chỉnh thời gian và tổng mức đầu tư).

Ngày 18/8/2022, Ban QLDA có tờ trình 15 cập nhập, giải trình các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra hiện trường ngày 7/8/2022 và ý kiến của Hội đồng thẩm định thành phố tại cuộc họp ngày 11/8/2022 về việc tìm các giải pháp để rút ngắn tiến độ của đoạn ngầm và sử dụng vốn đối ứng cho toàn bộ phần bổ sung. UBND TP.Hà Nội dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý III/2022.

Ngoài ra, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách đối với dự án gồm: Các vấn đề vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành; Các vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá - giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; Nội dung liên quan đến điều chỉnh Hợp đồng Tư vấn Systra.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vướng mắc thế nào? - Ảnh 3.

Nút giao Xuân Thuỷ - Mai Dịch trong đợt chạy thử tàu vào tháng 7/2021

Bộ GTVT cho hay, để tháo gỡ các vướng mắc cho dự án, chủ đầu tư đã kiến nghị UBND TP.Hà Nội yêu cầu các nhà thầu nghiêm túc thực hiện cam kết khắc phục chậm trễ, đảm bảo mục tiêu hoàn thành theo kế hoạch. Đồng thời tháo gỡ vướng mắc về tài chính cho các nhà thầu; phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của dự án. UBND TP.Hà Nội cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo, giải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh hiệp định vay, cũng như sớm lựa chọn đơn vị tư vấn hỗ trợ vận hành trong giai đoạn đầu.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cần sớm hoàn chỉnh các thủ tục để phê duyệt điều chỉnh mở rộng Thỏa ước vay CVN 1164 01G của AFD. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hỗ trợ, hướng dẫn đẩy nhanh các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh các hiệp định vay, nghị định thư tài chính, thỏa ước vay và các thủ tục giải ngân của dự án.

Đối với vướng mắc về quy chuẩn tiêu chuẩn và định mức, đơn giá - giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị, chủ đầu tư cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp cùng các bộ, ngành để giải quyết các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ của dự án

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài chính tuyến là 12,5km gồm 8,5km trên cao và khoảng 4,0km đoạn đi ngầm.

Lộ trình của tuyến gồm: Điểm đầu Nhổn - QL32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - Nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với đường vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối Ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội);

Tuyến có đường sắt khổ đôi 1.435 mm: ray/ghi tiêu chuẩn châu Âu;

Tuyến có 12 ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm); 10 đoàn tàu (chiều dài đoàn tàu khoảng 80m với đoàn tàu 4 toa);

Depot tại phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, diện tích 15,05 ha.