Chiều 2/7, Tổ công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bến Tre về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nguồn vật liệu cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Nhiều dự án trọng điểm thiếu cát đắp
Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai thi công các dự án cao tốc như: Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam. Các dự án kết nối vùng như: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, dự án đường Hồ Chí Minh… và một số dự án trọng điểm khác với tổng nhu cầu nguồn vật liệu cát đắp khoảng 50 triệu m3.
Mặc dù đã được áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp mỏ vật liệu song Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ vẫn phải quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có mỏ cát trong khu vực để ưu tiên, phân bổ, tăng công suất, mở mới các mỏ để phục vụ thi công các dự án. Hiện nay chỉ mới xác định khoảng 37 triệu m3, tuy nhiên nguồn cát sông và công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tiến độ thi công.
Theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, để đáp ứng tiến độ thi công cho các hạng mục tại cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đơn vị kiến nghị tỉnh Bến Tre cung cấp khoảng 2 triệu m3 cát. Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Bến Tre hỗ trợ cung cấp 3,3 triệu m3 cát để Hậu Giang thực hiện các dự án.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, dự án đường Vành đai 3 TP. HCM sẽ cần 6,6 triệu m3 cát. Do đó, ông Cường mong muốn Tổ công tác và các địa phương sẽ hỗ trợ Thành phố cung cấp nguồn vật liệu này.
Tuy nhiên, theo ông Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), 21 dự án tại Phụ lục IV Nghị quyết số 106/2023/NQ-QH15 được áp dụng cơ chế đặc thù khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, đối với dự án đường Vành đai 3 TP. HCM sẽ không áp dụng cơ chế đặc thù. Do đó, dự án này thực hiện theo cơ chế thông thường, nhà thầu sẽ mua cát triển khai dự án theo giá thương mại.
Ông Phương đề xuất khi Bến Tre thực hiện đấu giá mỏ cát cần phải có điều kiện ràng buộc chuyển bao nhiêu % số cát khai thác được cho dự án đường Vành đai 3 TP. HCM.
Mở rộng việc khai thác cát sông
Theo chỉ tiêu, Chính phủ giao tỉnh Bến Tre cung ứng 7,37 triệu m3 cát cho các dự án trọng điểm phía Nam gồm: Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 2 triệu m3; Dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 3,37 triệu m3; dự án đường Vành đai 3 TP. HCM là 2 triệu m3…
Tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền cho dự án đường Vành đai 3 TP. HCM khoảng 9,3 triệu m3. Trong đó, năm 2024 dự án này cần cung cấp khoảng 6 triệu m3; năm 2025 cần cung cấp 2,9 triệu m3 và năm 2026 khoảng 0,4 triệu m3.
Tại buổi làm việc, ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cho biết, dự kiến sẽ đề xuất 5 khu vực mỏ cát trên sông Ba Lai đưa vào cấp phép theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 106/2023/NQ-QH. Trong 5 khu vực mỏ, có 3 khu vực mỏ thuộc kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tuy nhiên cả 5 mỏ cát này chưa có kết quả thăm dò.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết thêm, Ban Thường vụ của tỉnh đã họp về việc điều chỉnh quy hoạch của tỉnh Bến Tre, sắp tới sẽ trình HĐND tỉnh Bến Tre để sửa đổi quy hoạch của tỉnh.
Theo ông Cảnh, đối với các mỏ cát trên sông Hàm Luông, sông Tiền sẽ thực hiện đấu giá, còn 3 mỏ trên sông Ba Lai sẽ thực hiện cơ chế đặc thù. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề nghị các chủ đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre khảo sát chất lượng và trữ lượng mỏ cát… Nếu kết quả khảo sát phù hợp và các đơn vị chấp nhận lấy nguồn cát này thì UBND tỉnh sẽ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp khai thác cát.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị UBND tỉnh Bến tre chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh việc tham mưu về việc cấp phép khai thác các mỏ cát.
Đối với TP. HCM, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm yêu cầu chủ đầu tư các dự án phối hợp với nhà thầu, các sở, ngành tiến hành khảo sát các mỏ cát tại tỉnh Bến Tre có khả năng cung cấp cho các dự án, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, hiện nay các tỉnh đang làm thủ tục đấu giá các mỏ cát, chậm nhất đến tháng 8, tháng 9/2024 mới xong thủ tục. Khi đấu giá xong sẽ mất thêm thời gian khoảng 3 - 4 tháng để triển khai các thủ tục liên quan khác mới đủ điều kiện khai thác. Như vậy, đến năm 2025 thì các tỉnh mới bắt đầu khai thác các mỏ cát để cung cấp cho các dự án. Trong khi đó, kế hoạch thi công của dự án đường Vành đai 3 TP. HCM sẽ hoàn thành vào cuối 2025, do đó, với tiến độ khai thác các mỏ cát như trên thì chắc chắn dự án này sẽ vỡ tiến độ.
Đối với các vướng mắc về quy định pháp luật đất đai, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bến tre có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để cùng tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, tỉnh Bến Tre nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, trình tự thủ tục tổ chức khai thác cát của các tỉnh lân cận để áp dụng cho địa phương.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn cấp phép khai thác cát, do đó tỉnh Bến Tre khi thực hiện các quy trình thủ tục cần phải rút gọn trong cấp phép khai thác cát, tiết kiệm thời gian.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.