Từ 1/7 sẽ đưa cát biển về thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Đường bộ 30/06/2024 20:33

Đây là mỏ cát biển đầu tiên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khai thác nhằm phục vụ các dự án theo cơ chế đặc thù của Quốc hội để phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam.


Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, đơn vị vừa phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức khai thác mỏ cát biển trên vùng biển Sóc Trăng để làm vật liệu thi công dự án cao tốc. Đây là mỏ cát biển đầu tiên ở vùng ĐBSCL khai thác nhằm phục vụ các dự án theo cơ chế đặc thù của Quốc hội.

Từ 1/7 sẽ đưa cát biển về thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau- Ảnh 1.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cùng Ban QLDA Mỹ Thuận tại khu vực khai thác cát biển đầu tiên phục vụ dự án cao tốc

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, việc khai thác mỏ cát biển tại tiểu khu B1.1 và B1.2 vùng biển Sóc Trăng. Dự kiến, từ ngày 1/7 sẽ vận chuyển cát đến công trường để thi công thí điểm các đoạn tuyến cao tốc đi qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến thời điểm hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai thi công các dự án cao tốc như: Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và một số dự án trọng điểm khác với tổng nhu cầu nguồn vật liệu cát đắp khoảng 50 triệu m3.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có mỏ cát trong khu vực để ưu tiên, phân bổ, tăng công suất, mở mới các mỏ để phục vụ thi công các dự án. Các địa phương cũng đã tích cực triển khai và đã xác định được khoảng 37 triệu m3, tuy nhiên, nguồn cát sông và công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và tiến độ thi công.

Từ 1/7 sẽ đưa cát biển về thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau- Ảnh 2.

Việc thi công các dự án cao tốc cần một khối lượng lớn cát đắp nền đường

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các giải pháp vật liệu thay thế, trong đó có việc nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại các khu vực phù hợp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công Nghệ... cùng các địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học triển khai một cách bài bản, cẩn trọng, khoa học, khách quan và triển khai thi công dự án thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT978 (trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu) thuộc cao tốc Hậu Giang - Cà Mau.

Từ 1/7 sẽ đưa cát biển về thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau- Ảnh 3.

Khu vực mỏ cát biển sẽ được các nhà thầu khai thác và đưa về phục vụ thi công

Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng tiêu chuẩn đối với vật liệu thi công nền đường. Trên công trường, việc thi công cát biển được thực hiện tương tự như cát sông, đến nay chưa thấy có biểu hiện tăng độ mặn đối với môi trường xung quanh, do đó đủ điều kiện để mở rộng thi công thí điểm.

Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo tới các địa phương về kết quả thí điểm sử dụng cát biển, từ đó đề nghị các địa phương triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án có điều kiện môi trường tương tự dự án thí điểm, xem xét áp dụng các tiêu chuẩn về ngưỡng chịu mặn của cây trồng, đất nông nghiệp, nước nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên cơ sở các nghiên cứu, thi công thí điểm vừa qua và các hướng dẫn liên quan của các bộ chuyên ngành, xuất phát từ nhu cầu thực tế, tính cấp thiết nguồn cát đắp nền đường của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau đảm bảo hoàn thành vào ngày 31/12/2025, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức thi công thí điểm mở rộng việc sử dụng cát biển để đắp nền đường.

Trước đó, ngày 21/6/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp Bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ thi công.

Từ 1/7 sẽ đưa cát biển về thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau- Ảnh 4.

UBND tỉnh Sóc Trăng cấp Bản xác nhận cho nhà thầu thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Đối với công tác quản lý khai thác, thi công cát biển, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận, nhà thầu thi công tổ chức quản lý, khai thác, vận chuyển tuân thủ các nội dung quy định tại Bản xác nhận đã được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp và các quy định pháp luật liên quan trong suốt quá trình khai thác.

Sau khi kết thúc hoạt động khai thác và đảm bảo an toàn hàng hải, đường thủy trên các tuyến vận chuyển, bảo vệ môi trường, UBND các địa phương có dự án đi qua phối hợp với chủ đầu tư trong việc kiểm tra, giám sát, theo dõi quá trình tổ chức triển khai thực hiện thí điểm mở rộng trên dự án.

Việc mở rộng thí điểm thi công trên dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và các địa phương đánh giá, mở rộng phạm vi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với các dự án đường cao tốc đang được triển khai trong khu vực.

Để có thể sử dụng đại trà vật liệu cát biển làm vật liệu đắp nền tại các khu vực có điều kiện nhiễm mặn khác nhau, Bộ GTVT đang tiếp tục thực hiện thí điểm để theo dõi, quan trắc và đánh giá một cách toàn diện, khoa học, khách quan làm cơ sở triển khai thực hiện.