Dự án nâng cấp QL1 qua Hậu Giang - Sóc Trăng đang chậm tiến độ trên 20% vì đâu?

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 02/12/2022 13:35

Tại buổi kiểm tra hiện trường ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm yêu cầu các nhà thầu phải tập trung thi công, đến 31/12/2022 phải thảm toàn bộ lớp dưới của bê tông nhựa để người dân đi lại trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán.


Ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã có buổi kiểm tra hiện trường và kiểm điểm tình hình thực diện dự án nâng cấp Quốc lộ 1 qua địa bàn hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng. 
Dự án nâng cấp QL1 qua Hậu Giang - Sóc Trăng đang chậm tiến độ trên 20% vì đâu?  - Ảnh 1.

Khu vực dự án vừa thi công vừa khai thác nên phương tiện qua lại rất đông đúc

Yêu cầu thi công xuyên Tết

Kiểm tra tại hiện trường thi công và tình hình thực hiện GPMB cho dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các địa phương đã rất quyết liệt cho việc giao mặt bằng dự án. 

“Như chúng ta biết, dự án mở rộng Quốc lộ 1 được thực hiện trong khu vực đông dân cư, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân sống xung quanh. Do đó, việc tổ chức thi công phải luôn đảm bảo ATGT và đảm bảo môi trường. Ban QLDA và các nhà thầu phải ưu tiên cho nhiệm vụ này. Chúng ta không thể để dự án kéo dài, khiến người dân bức xúc”, Thứ trưởng khẳng định.


Dự án nâng cấp QL1 qua Hậu Giang - Sóc Trăng đang chậm tiến độ trên 20% vì đâu?  - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Dũng, Ban QLDA 7 báo cáo về tình hình thực hiện dự án

Báo cáo với lãnh đạo Bộ GTVT, ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc Ban QLDA 7 cho biết: Dự án dài gần 20km, hộ dân sinh sống hai bên rất nhiều, đặc biệt các công trình kỹ thuật dày đặc. Thời điểm mới khởi công, việc GPMB tại địa phương gặp khó. Chỉ tính riêng Sóc Trăng có hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều hộ dân không đồng ý nhận đền bù. Tới thời điểm hiện tại còn hơn 160m mặt bằng vẫn còn vướng, Ban QLDA đã làm việc với địa phương và sắp tới sẽ tiến hành bảo vệ thi công. 

Ông Dũng cũng chia sẻ, giai đoạn đầu, nhà thầu thi công khó khăn trong tình hình mặt bằng xôi đỗ. Sau buổi kiểm tra gần nhất của lãnh đạo Bộ GTVT từ ngày 16/8, các nhà thầu đã cam kết hoàn thành đến 31/12. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, các nhà thầu khó hoàn thành theo cam kết. 

Từ chia sẻ của Ban QLDA và các nhà thầu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm khẳng định: “Mỗi dự án giao thông đều có ý nghĩa, vai trò khác nhau, cùng góp phần cho việc phát triển kinh tế xã hội. Tôi đề nghị các nhà thầu đã cam kết thì phải làm, không hứa suông. Do đó, nhà thầu phải thi công xuyên Tết, làm sao để dự án hoàn thành nhanh nhất, đảm bảo đi lại cho người dân và phát huy hiệu quả của dự án”. 

“Tôi cũng yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ của dự án phải kiểm soát chất lượng thi công, đảm bảo ATGT cho phương tiện tham gia giao thông và người dân sinh sống 2 bên tuyến và đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường”, Thứ trưởng lưu ý. 

Kiên quyết xử lý nếu tiếp tục chậm tiến độ

Theo báo cáo của Ban QLDA 7, tính đến nay, dự án đang chậm đến 22%. Trong đó, gói thầu số 4 chậm 31%, gói thầu số 3 chậm 26%, gói 2 là 13% và gói 1 là 18%. Trong giai đoạn thi công lớp móng mặt đường như hiện nay cần huy động đầy đủ thiết bị, vật tư và tài chính để thi công. Tuy nhiên, một số nhà thầu chưa cung cấp kịp thời, đầy đủ nguồn tài chính cho công trường nên thường xảy ra tình trạng thiếu hụt vật tư và làm chậm tiến độ thi công.

Dự án nâng cấp QL1 qua Hậu Giang - Sóc Trăng đang chậm tiến độ trên 20% vì đâu?  - Ảnh 3.

Khu vực thi công cầu Rạch Côn tại dự án

Trước việc tiến độ dự án tiếp tục “trượt”, ông Nguyễn Thế Minh, Cục phó Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) khẳng định, với khối lượng còn lại, dự án không thể hoàn thành vào 31/12 tới đây. Cục Quản lý đầu tư Xây dựng kiến nghị Ban QLDA phải làm việc với các nhà thầu kiên quyết thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký của từng gói thầu. 

Ông Minh cho rằng, tình trạng thi công trên công trường ngổn ngang, nhà thầu thiếu trách nhiệm với chính những người dân đang bị ảnh hưởng từ dự án. Hiện nay một số nhà thầu không có khả năng khắc phục việc chậm tiến độ. 

Đánh giá nguyên nhân từ nhiều phía, ông Minh cho rằng, các nhà thầu cần tập trung tài chính, đặc biệt phải ưu tiên việc tập kết vật liệu. Đây là giai đoạn các nhà thầu cần tập trung lực lượng và hỗ trợ giúp nhau hoàn thành dự án. 

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm khẳng định, các nhà thầu cần tập trung thi công theo các cam kết với Bộ GTVT cũng như theo hợp đồng đã ký. Thời gian qua, trước những khó khăn của nhà thầu, Bộ GTVT cùng Ban QLDA đã hỗ trợ và tháo gỡ những khó khăn này. Do đó chúng ta không thể để tình trạng nhận dự án xong và để đó. 

"Ban QLDA 7 phải có các biện pháp mạnh đối với các nhà thầu “hứa xuông”. Trong thời gian còn lại, Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu xây dựng lại tiến độ theo cam kết. Ban QLDA 7 lấy mốc 31/12/2022 để xử lý các nhà thầu không đảm bảo theo hợp đồng", Thứ trưởng nói và yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 phải quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, sớm đưa dự án về đích, phát huy hiệu quả đầu tư.

Ý kiến của bạn

Bình luận