Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng |
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước Quốc hội ngày 13/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính ph
Phó Thủ tướng cho rằng, nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là đại biểu quan tâm đến vấn đề tiêu thụ nông sản. Đây là vấn đề cốt lõi của phát triển nói chung, trong đó tình trạng được mùa mất giá vẫn xảy ra, gây khó khăn rất lớn cho người sản xuất, đặc biệt là bà con nông dân.
“Tôi xin chia sẻ những khó khăn của bà con nông dân, đặc biệt là tình trạng thịt lợn bị mất giá và khó tiêu thụ trong thời gian vừa qua”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp, trong thời gian vừa qua, rõ ràng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế ở nhiều sản phẩm và trong toàn ngành.
Tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn và chưa có những giải pháp hữu hiệu. Gần đây nhất là tình trạng dư thừa thịt lợn làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết là do chất lượng quy hoạch của chúng ta còn chưa cao. Vấn đề này thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước, chưa phù hợp với năng lực sản xuất của các lĩnh vực nông nghiệp, chưa gắn với nhu cầu của thị trường.
Thực tế một số sản phẩm nông nghiệp hiện nay sản xuất đã vượt xa so với các chỉ tiêu quy hoạch đề ra. Chẳng hạn cà phê vượt 21,9%, cao su vượt 25%, hồ tiêu vượt 149% v.v... Như vậy, chất lượng quy hoạch của chúng ta chưa phù hợp, những dự báo trong quy hoạch còn thiếu chính xác, có quy hoạch cao hơn nhu cầu của thị trường như quy hoạch chăn nuôi mà đại biểu Nguyễn Sơn đoàn Hà Tĩnh nói rất đúng - tức là quy hoạch nhưng lại không đúng với thực tế nhu cầu của thị trường dẫn đến quy hoạch rất cao, mặc dù sản xuất chưa đạt yêu cầu của quy hoạch nhưng vẫn không tiêu thụ được sản phẩm.
Một vấn đề nữa là công tác điều chỉnh quy hoạch còn chậm, chưa kịp thời. Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, tình trạng đầu tư vượt quy hoạch và đầu tư theo phong trào hiện nay rất phổ biến.
Công tác quản lý nhà nước còn rất nhiều bất cập, cơ chế, chính sách chậm được điều chỉnh để đáp ứng đòi hỏi thực tế, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo tín hiệu thị trường, điều chỉnh định hướng quy hoạch...
Phó Thủ tướng cho rằng, trước hết phải phát triển nông nghiệp để đạt các mục tiêu về chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; phải sản xuất ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn thì mới có sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế; phải hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, của vùng, của địa phương gắn với việc xây dựng thương hiệu, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Về nhiệm vụ và giải pháp, theo Phó Thủ tướng, cần tập trung một số nhóm giải pháp lớn. Trước hết là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ để tạo môi trường, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trong đó tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch, như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học công nghệ... để sản xuất hàng hóa. Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.
Vấn đề nữa là phải tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực sản xuất cho các vùng chuyên canh lớn. Rà soát, điều chỉnh lại chiến lược quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia, của vùng, của địa phương.
“Việc này chúng ta phải làm, hạn chế của chúng ta là có quy hoạch rồi nhưng coi như không, khi có quy hoạch rồi mới quay lại, những việc này phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh. Gắn quy hoạch với nhu cầu và diễn biến của thị trường, coi trọng thị trường trong nước nhưng phải lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để chúng ta nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đào tạo, trang bị kiến thức cho người dân để người dân có đủ kiến thức, thông tin để có thể nắm bắt được thị trường và tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tiêu thụ được.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.