Quan chức Trung Quốc được cử đến 100 công ty tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Hôm 23/9, chính quyền thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) cho biết các quan chức chính phủ Trung Quốc sẽ được điều động đến làm việc trong 100 công ty tại tỉnh Chiết Giang.
Theo CNN, nguồn tin không tiết lộ cụ thể 100 công ty kể trên, nhưng gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và nhà sản xuất ôtô Geely Automobile được xác nhận nằm trong danh sách.
Meng Xinzhe, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp của tỉnh Chiết Giang, cũng đăng tải tài liệu của chính quyền lên Weibo, trong đó liệt kê một số công ty tài chính và công nghệ hàng đầu, bao gồm công ty thanh toán trực tuyến Ant Financial, NetEast, Hikvision và Dahua Technology.
Tín hiệu muốn doanh nghiệp gần chính phủ hơn
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, vai trò của các "đại diện chính phủ" trong 100 công ty tư nhân là thúc đẩy truyền thông và giúp doanh nghiệp thực hiện các dự án quan trọng.
Đó là một phần trong tham vọng đưa Trung Quốc trở thành siêu cường công nghệ bằng cách chuyển dịch vị trí của ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ trên chuỗi giá trị toàn cầu.
"Chính phủ Trung Quốc đang muốn tăng kiểm soát nền kinh tế, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này. Cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang và Washington muốn gây áp lực lớn hơn cho Bắc Kinh. Nền kinh tế đang trở nên tồi tệ", Ronald Wan, Giám đốc điều hành Partners Capital International tại Hong Kong, nhận định.
Theo ông, chính phủ đang muốn tăng cường trao đổi với các công ty tư nhân trong thời kỳ khó khăn này. Tuy nhiên, vai trò của những quan chức nhà nước chỉ mang tính biểu tượng, bởi Hàng Châu là quê hương của các công ty tư nhân hàng đầu Trung Quốc.
"Chính phủ cũng có thể đang gửi tín hiệu cho các công ty tư nhân: Hãy gần hơn với chính phủ và lắng nghe", ông Wan bổ sung.
Bắc Kinh đã tăng cường sự tham gia của Đảng Cộng sản vào khu vực tư nhân kể từ cuối năm ngoái.
Một chỉ thị được chính phủ trung ương ban hành hồi tháng 11/2018 yêu cầu tất cả công ty, bao gồm công ty tư nhân và nước ngoài, phải thành lập tổ chức Đảng nếu có nhiều hơn 3 nhân viên là Đảng viên.
Theo chỉ thị này, tổ chức Đảng tại các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân nên đóng vai trò giám sát để đảm bảo rằng công ty tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định của nhà nước Trung Quốc.
Tại những doanh nghiệp nhà nước, tổ chức Đảng tham gia vào việc ra quyết định.
"Động thái của chính quyền Hàng Châu có thể chỉ là khởi đầu. Các chính quyền địa phương khác có thể học theo", CNN dẫn lời ông Wan.
Lo ngại can thiệp
Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba mô tả sáng kiến này có thể "thúc đẩy một môi trường kinh doanh tốt hơn" để hỗ trợ các công ty có trụ sở tại Hàng Châu.
"Đại diện chính phủ sẽ hoạt động như một cầu nối đến khu vực tư nhân và không can thiệp vào hoạt động của công ty", Alibaba cho biết trong một tuyên bố gửi đến CNN.
Tuy nhiên, động thái này của chính phủ Trung Quốc gây ra phản ứng dữ dội trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc.
Nhiều người dùng bày tỏ lo ngại về vai trò ngày càng gia tăng của nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh.
Thêm vào đó, động thái này cũng không thể trấn an chính phủ những nước khác hiện lo lắng về sự độc lập của các công ty tư nhân như Huawei.
Gã khổng lồ công nghệ và viễn thông Trung Quốc từ lâu đã phải đấu tranh để chống lại cáo buộc phát triển phần mềm gián điệp giúp Bắc Kinh.
Trong diễn biến xung đột thương mại ngày càng leo thang, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa Huawei vào "danh sánh đen".
Giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc là yêu cầu được Mỹ đưa ra nhằm giải quyết cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn 1 năm.
Trả lời những lo ngại về tương lai của nền kinh tế thị trường, chính quyền tỉnh Chiết Giang khẳng định rằng các đại diện chính phủ sẽ không can thiệp vào những quyết định ở các công ty tư nhân và chỉ hỗ trợ giải quyết một số vấn đề liên quan đến chính phủ.
"Các quan chức sẽ được giám sát bởi chính quyền thành phố và cuộc hẹn của họ sẽ kéo dài một năm", chính quyền tỉnh Chiết Giang tuyên bố.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.