Một trường hợp chủ phương tiện xe ba bánh vi phạm luật giao thông. Ảnh: Khánh Huy |
Chỉ 30 xe được phép lưu hành
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện có 30 xe ba bánh đã đăng ký, được phép lưu hành để phục vụ nhu cầu đi lại của thương binh. Tuy nhiên, toàn thành phố lại có tới 10 cơ sở sản xuất, 6 cơ sở kinh doanh và 8 cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh xe ba, bốn bánh; có 4.367 trường hợp sử dụng xe ba, bốn bánh tự dóng (trong đó có 593 trường hợp thương binh, 88 trường hợp bệnh binh, 99 trường hợp người khuyết tật và 3.587 trường hợp khác). Sau khi thành phố kiểm tra, xử lý, các cơ sở sản xuất không còn hoạt động công khai, mà lợi dụng việc sửa chữa để lén lút tự dóng xe ba bánh khi có người đặt hàng; hoặc xe được chuyển từ các địa phương khác về Hà Nội hoạt động.
Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, vi phạm chủ yếu của xe ba bánh là chở hàng cồng kềnh, vượt đèn đỏ, lạng lách, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Thực tế cho thấy, do nhu cầu tại khu vực nội thành rất cao, nhất là ở các ngõ ngách, nên nhiều người dân vẫn thuê xe ba, bốn bánh tự dóng để vận chuyển hàng hóa. Từ đó đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng hoặc giả danh thương binh, bệnh binh, người khuyết tật để "bảo kê" cho phương tiện này hoạt động; khi vi phạm, bị kiểm tra, xử lý thì tập trung đông người gây áp lực với lực lượng chức năng đòi trả phương tiện...
Lộ trình và giải pháp phù hợp
Sở GT-VT Hà Nội vừa đề xuất UBND TP Hà Nội lộ trình và giải pháp hạn chế, tiến tới cấm sử dụng xe ba bánh vận tải hàng hóa. Theo đó, đến ngày 31-7-2017 hoàn thành việc rà soát, xác định đối tượng sử dụng và số lượng xe ba, bốn bánh tự dóng trên địa bàn; xác định rõ các đối tượng "bảo kê"; các tuyến đường, địa bàn, thời gian thường xuyên có hoạt động và các điểm tập kết phương tiện; xây dựng chính sách hỗ trợ cho thương, bệnh binh, người khuyết tật bảo đảm cuộc sống, thay thế cho việc sử dụng xe ba, bốn bánh làm công cụ kinh doanh; tịch thu phương tiện đối với các trường hợp không liên quan đến thương, bệnh binh và người khuyết tật...
Dự kiến từ ngày 1-8 đến 30-9-2017, thành phố sẽ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp có sử dụng xe ba bánh để kinh doanh vận chuyển hàng hóa; vận động thương, bệnh binh và người khuyết tật đang sử dụng loại xe này có kế hoạch chuyển đổi sang xe ba bánh dành riêng cho họ; hoàn thiện quy định về thời gian, phạm vi hoạt động; tiếp tục kiểm tra, kiên quyết xử lý xe không bảo đảm điều kiện...
Từ ngày 1-10 đến 31-12-2017 tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội giải quyết các khó khăn về việc làm và đời sống của các thương, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe ba, bốn bánh để kinh doanh vận chuyển hàng hóa. Từ ngày 1-1-2018 đến 30-6-2018 triển khai việc cấp biển số, đăng ký, đăng kiểm cho xe ba bánh (đối với phương tiện chưa được cấp biển số, đăng ký, đăng kiểm và bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật) do thương binh điều khiển (không được phép chở thêm người và hàng hóa). Bảo đảm mỗi thương binh chỉ sử dụng 1 xe ba bánh, có nguồn gốc sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm sức khỏe để lái xe. Thành phố “chốt” thời điểm ngày 30-6-2018 sẽ thu hồi toàn bộ xe ba, bốn bánh không đủ tiêu chuẩn; đồng thời dán lô gô cho xe đã đăng ký, được phép lưu hành.
Theo ông Hà Huy Quang, Sở đã kiến nghị UBND thành phố giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương và lực lượng chức năng. Sở GT-VT sẽ phối hợp với Công an thành phố và Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật của xe theo quy định; tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho thương, bệnh binh và người khuyết tật. Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát đối tượng, xác định rõ mục đích sử dụng xe cũng như các đối tượng “bảo kê”; đề xuất biện pháp thu hồi xe ba, bốn bánh không đủ điều kiện tham gia giao thông... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở dạy nghề hỗ trợ đào tạo nghề đối với chủ phương tiện là thương, bệnh binh và người khuyết tật...
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho biết, để thực hiện chủ trương của thành phố, lực lượng thực thi nhiệm vụ phải nghiêm túc, cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm, chống đối. Chính quyền các địa phương cần vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc rà soát, vận động, tuyên truyền thương, bệnh binh, người khuyết tật sử dụng phương tiện bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.