Trung Quốc bị nghi ngờ dùng mạng xã hội để "moi" thông tin từ công dân Đức. |
Theo BBC, BfV đã theo dõi và tìm ra nhiều hồ sơ cá nhân trên mạng xã hội LinkedIn có dấu hiệu khai thác thông tin mật từ các nhà hoạt động chính trị hoặc quan chức chính phủ. Điểm chung của những hồ sơ này là có hình ảnh "đáng tin cậy" và "hấp dẫn người khác" như ăn mặc bảnh bao, gặp gỡ nhân vật nổi tiếng... Trong phần thông tin, những người này tự giới thiệu là nhà tuyển dụng nhân sự, chuyên gia tư vấn hoặc học giả.
Thống kê cho thấy, các tài khoản được đặt tên như "Allen Liu", "Lily Wu"... đã tiếp cận với hơn 10.000 công dân Đức và mục tiêu là tiếp xúc các chính trị gia hoặc quan chức cao cấp trong chính phủ, sau đó làm quen và cố gắng khai thác những thông tin "nhạy cảm". BfV nhấn mạnh những tài khoản nêu trên là giả mạo.
"Đây là nỗ lực nhằm xâm nhập vào các nghị viện, các bộ và cơ quan chính phủ của Đức", ông Hans-Georg Maassen, Giám đốc BfV cho biết.
Ông Maassen cho rằng những tài khoản trên đều xuất phát từ phía Trung Quốc, dùng để lợi dụng người Đức cung cấp thông tin. Do đó, cơ quan tình báo Đức cảnh báo người dân, đặc biệt là các quan chức cấp cao nên thận trọng với người lạ bên ngoài biên giới. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng khuyến khích tố cáo các tài khoản nghi ngờ.
Trung Quốc từng bị không ít các quốc gia trên thế giới cáo buộc hoạt động gián điệp mạng nhưng đều phủ nhận. Tuy nhiên, hiện quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn chưa phản hồi thông tin của BfV.
Năm ngoái, BfV cũng từng phát hiện nhóm "Fancy Bear" (hay còn gọi là APT28) được cho liên quan đến chính phủ Nga có các hoạt động gián điệp nhằm vào Đức, đặc biệt là trong giai đoạn bầu cử.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.