Liệu cơn khủng hoảng giá dầu đã chấm dứt? Câu trả lời là không. |
Theo Morgan Stanley, giá dầu thô vẫn chưa chấm dứt cuộc khủng hoảng thừa cung của minh khi có thể xuống tới mức 30 USD/thùng trong năm nay.
Dự đoán trên của Morgan khiến nhiều chuyên gia chú ý khi giá dầu đã tăng gần 100% kể từ giữa tháng 2/2016. Dẫu vậy, Morgan Stanley cho rằng đà tăng của giá dầu thời gian qua chủ yếu là do nguồn cung dầu bất ngờ bị giảm tại Nigeria (do nội chiến), Canada (do cháy rừng) và các nơi khác. Vì vậy, yếu tố thúc đẩy đà tăng giá dầu sẽ không kéo dài mãi và thị trường có thể sẽ quay trở lại thời kỳ thừa cung khiến giá giảm.
Tuyên bố trên của Morgan Stanley là lời cảnh tỉnh cho những chuyên gia cũng như nhà đầu tư có tâm lý lạc quan, cho rằng tình trạng thừa cung dầu đã qua và thị trường sắp lấy lại cân bằng. Mới đây, Bộ trưởng năng lượng của Ả Rập Xê Út, ông Khalid Al Falih cho rằng giá dầu sẽ quay lại ngưỡng 60 USD/thùng vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, ngoài lý do các nước xuất khẩu dầu ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm sản lượng, việc Mỹ sản xuất ít dầu đá phiến hơn cũng là một yếu tố tác động đến thị trường.
Tính đến tháng 3/2016, Mỹ khai thác ít hơn 500.000 thùng dầu/ngày so với cùng kỳ năm trước và 60.000 thùng/ngày so với tháng 2. Đây cũng là nguyên nhân góp phần khiến giá dầu tăng.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng tình hình khai thác dầu đá phiến tại Mỹ không quá bi quan bởi sản lượng chênh lệch so với năm trước tại Mỹ không quá lớn, chưa đạt đến 100.000 thùng/ngày.
Tại Nigeria, sản lượng khai thác dầu trong tháng 5/2016 đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày xuống mức thấp nhất kể từ cuối thập niên 80.
Những số liệu tiêu cực trên đã khiến giá dầu trong ngắn hạn tăng. Thậm chí chính Morgan Stanley cũng đã nâng mức dự báo giá dầu trong ngắn hạn từ 45 USD/thùng lên 65 USD/thùng.
Giá dầu sẽ lại giảm
Theo Morgan Stanley, Canada hầu như sẽ khôi phục lại sản xuất dầu mỏ vào giữa tháng 7/2016 sau vụ cháy rừng làm gián đoạn khai thác. Trong khi đó, công việc bảo trì các giàn khoan tại khu vực mỏ Biển Bắc và Brazil cũng sẽ sớm kết thúc, qua đó tăng sản lượng trở lại.
Thậm chí, phía Morgan cho rằng riêng việc Canada hồi phục lại sản lượng dầu mỏ cũng đủ để kéo giá dầu đi xuống bất chấp tình hình xung đột tại Nigeria vẫn còn đang tiếp diễn. Đặc biệt, kịch bản xấu nhất trong dự báo của Morgan còn dự đoán Lybia có thể sẽ khôi phục lại được phần nào khai thác dầu bất chấp xung đột đang diễn ra tại đây.
Ngoài ra, dù không còn nhiều chuyên gia cũng như nhà đầu tư lo lắng về tình trạng dư thừa dữ trữ dầu của Mỹ thời gian gần đây khi số liệu cho thấy chúng liên tục giảm, nhưng Morgan cho biết dự trữ dầu của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) bao gồm 34 nước phát triển vẫn ở mức cao khi có nhiều hơn 83 triệu thùng so với cùng kỳ năm 2015.
Một nguyên nhân nữa khiến Morgan cho rằng giá dầu sẽ quay đầu đi xuống là các giàn khoan dầu đá phiến có thể tăng cường hoạt động trở lại khi mức giá đạt ngưỡng nhất định, qua đó cung thêm dầu ra thị trường và đẩy giá đi xuống.
Theo Morgan, đây không phải lần đầu tiên giá dầu tăng và tạo ra ảo giác rằng tỉnh trạng khủng hoảng thừa dầu mỏ đã qua. Trong năm 2015, nhiều đợt giá dầu tăng đã kết thúc bằng đà đi xuống và khiến nhiều nhà đầu tư phải “khóc ròng”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.