Đứng dậy sau “sự cố đăng kiểm”

Gác lại những khó khăn, trăn trở, toàn ngành Đăng kiểm đang có nhiều nỗ lực đổi mới, cải cách để phục vụ quản lý nhà nước, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.


Đứng dậy sau “sự cố đăng kiểm” - Ảnh 1.

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60.01S Đồng Nai siết chặt hoạt động đăng kiểm, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ đăng kiểm viên

Vượt lên khó khăn, khôi phục hoạt động đăng kiểm

Những ngày đầu tháng 3/2023, có mặt tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-06V (Hà Nội), PV Tạp chí GTVT ghi nhận xe chờ đến lượt vào đăng kiểm tại đơn vị này thường xuyên xếp hàng chật kín sân. Nhân viên đăng kiểm chỉ phát số chờ cho xe đến cổng vào nhưng nhiều lái xe vẫn kiên nhẫn chờ tận ngoài đường, bởi thời điểm này nhiều trung tâm đăng kiểm xung quanh khu vực (Hà Đông, Thường Tín, Chương Mỹ...) vẫn đang đóng cửa để phục vụ công tác điều tra.

"Khi thấy Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-06V mở cửa lại sau vài tuần bị khám xét, anh em lái xe chúng tôi bớt lo vì không phải chạy xe đi tìm nơi xa hơn hoặc tỉnh khác để đăng kiểm", tài xế xe tải Đỗ Minh Hưng (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) kể.

Ông Hoàng Trung Liêm - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-06V cho biết: "Sau hơn 1 tháng bị dừng hoạt động, đơn vị bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 15/02/2023. Đơn vị có 4 dây chuyền đăng kiểm, khi khôi phục hoạt động trở lại chỉ đủ nhân sự cho 2 dây chuyền, nên chỉ đáp ứng dưới 100 xe/ngày. Nhân sự hiện tại của Trung tâm gồm người từ Cục Đăng kiểm Việt Nam điều về, đơn vị đăng kiểm khác thuộc Cục và nhân sự tại chỗ. Bản thân tôi nhiều lúc cũng được điều động sang hỗ trợ trung tâm khác".

Tương tự, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-01V cũng được Cục Đăng kiểm Việt Nam khôi phục hoạt động từ thời điểm trên và là 2 trong số 14 trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội được khôi phục hoạt động (trong tổng số 31 đơn vị đăng kiểm hiện có).

"Đơn vị có 4 dây chuyền kiểm định nhưng nhân lực chỉ đủ vận hành 1 dây chuyền, trung bình mỗi ngày cấp chứng nhận kiểm định cho 60 xe. Lượng xe vào kiểm định thời điểm này chưa đến mức căng thẳng, ùn tắc nhưng với dự báo từ giữa tháng 3, tháng 4/2023, lượng xe đến chu kỳ đăng kiểm tăng mạnh, nếu các đơn vị đăng kiểm khác chưa được mở lại, đơn vị sẽ chịu áp lực lớn về phương tiện", ông Nguyễn Xuân Trường - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Đăng kiểm 29-01V chia sẻ.

Lãnh đạo hai đơn vị trên cho biết, trước khi hoạt động lại, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới đã gặp gỡ, động viên anh em cố gắng cao nhất để tiếp tục phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Tại khu vực phía Nam, ông Đỗ Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50.03S TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Hiện nay, đơn vị đưa vào hoạt động 3 dây truyền, mỗi ngày đáp ứng nhu cầu đăng kiểm từ 150 - 200 phương tiện. Mặc dù không còn tình trạng phương tiện đến đăng kiểm tăng đột biến như thời gian trước, nhưng với mong muốn không để người dân chờ đợi nên chúng tôi vẫn bắt đầu làm việc từ 7h đến khi nào hết xe mới nghỉ.

Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi kiểm định xe, từ đầu tháng 02/2023, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã triển khai App đăng ký đăng kiểm xe trên ứng dụng điện thoại di động thay cho đăng ký trên website như trước đây. Theo đó, sau khi tải ứng dụng thành công, chủ xe, lái xe đăng ký tài khoản mới và có thể chủ động để đặt lịch đăng kiểm xe.

Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Nhân viên các trạm đăng kiểm đã được tập huấn vận hành và nạp dữ liệu. Thời gian đầu triển khai, Sở đã phối hợp với các đơn vị chủ động phân công nhân sự phân luồng, điều động phương tiện vào kiểm định linh hoạt và bố trí các dây chuyền phù hợp, đảm bảo giải quyết kịp thời cho người dân, hạn chế thấp nhất tình trạng xếp hàng dài, gây ùn ứ giao thông trước các đơn vị đăng kiểm". Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh còn 11 đơn vị hoạt động, tương ứng với 26 dây chuyền kiểm tra với 1.040 xe/ngày (tương đương 27.040 xe/tháng).

Nhiều đổi mới phục vụ người dân, hỗ trợ quản lý nhà nước

Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60.01S Đồng Nai, trung bình mỗi ngày có 250 xe được kiểm định, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60.02S khoảng 200 xe. Để hạn chế việc chờ đợi, chen chúc, hai trung tâm này đã thực hiện việc phát phiếu hẹn cho người dân. Cả hai trung tâm này đều hoạt động hết công suất các dây chuyền đăng kiểm để phục vụ nhu cầu của người dân.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Dương Việt Hồng - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60.01S Đồng Nai cho biết, thực hiện theo quy định của Cục Đăng kiểm Việt Nam về việc siết chặt chất lượng đăng kiểm xe cơ giới đường bộ, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60.01S đã quán triệt, yêu cầu các đăng kiểm viên của đơn vị phải thực hiện đúng quy trình, kiểm tra nghiêm ngặt các công đoạn, không được bỏ qua hay bỏ sót bất kỳ những chi tiết nào. Tất cả những khiếm khuyết của phương tiện đều phải được khắc phục, sửa chữa thì mới cấp phiếu kiểm định. Khi xác định rõ lỗi, đề nghị cho xe về sửa chữa, tuyệt đối không kiểm định đối với xe quay lại mà chưa khắc phục lỗi thông báo trước đó... "Tôi tin rằng sau mỗi lần vấp ngã chúng ta sẽ trưởng thành hơn", ông Dương Việt Hồng chia sẻ.

Theo Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), từ tháng 12/2022 đến cuối tháng 02/2023, toàn quốc có 121/489 dây chuyển kiểm định (chiếm gần 25%) dừng hoạt động và thiếu gần 500 đăng kiểm viên để duy trì toàn hệ thống.

"Để khắc phục những khó khăn về nhân sự và đảm bảo chất lượng cũng như hạn chế tiêu cực, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã điều động nhân sự từ các đơn vị, trang bị thiết bị, máy tính để mở lại một số trung tâm đăng kiểm trực thuộc Cục tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đồng thời cử đăng kiểm viên bậc cao hỗ trợ Sở GTVT tỉnh Hòa Bình sớm khôi phục hoạt động trung tâm đăng kiểm duy nhất tại địa phương; có văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ đầu tư trung tâm đăng kiểm xã hội hóa làm việc với cơ quan điều tra để nhận lại mặt bằng, cơ sở vật chất và phương án để khôi phục hoạt động đơn vị đăng kiểm", ông Nguyễn Văn Phương - Phó phòng Kiểm định Xe cơ giới thông tin về nỗ lực của Cục Đăng kiểm Việt Nam để khôi phục, duy trì hệ thống đăng kiểm và nâng cao chất lượng, phòng chống tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm.

Huy động đơn vị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hỗ trợ đăng kiểm

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Công an, Bộ GTVT phải có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém, không làm ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của người dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT trước mắt cần khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT cần tập trung huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác "chi viện" cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm của hai Bộ tham gia hỗ trợ.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công an trong quá trình xử lý các vi phạm không làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm; tiếp tục phân hóa các nhóm đối tượng vi phạm để có phương thức đấu tranh phù hợp, nhất là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Về lâu dài, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách bạch công tác quản lý và hoạt động của các trung tâm kiểm định; tăng cường công tác đào tạo; quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ đăng kiểm viên...

Ý kiến của bạn

Bình luận