Được trợ cấp 1.000 USD/tháng, nhiều SV Đan Mạch không muốn tốt nghiệp

15/11/2017 16:22

Không chỉ miễn phí giáo dục đại học, chính phủ Đan Mạch còn trợ cấp cho mỗi sinh viên 1.000 USD/tháng. Điều này khiến nhiều sinh viên thiếu động lực học tập để tốt nghiệp.

zing_sv
Thiếu động lực để tốt nghiệp, nhiều sinh viên Đan Mạch không muốn ra trường. Ảnh: Reuters.

Đan Mạch là một trong số ít quốc gia trên thế giới ban hành chính sách miễn phí giáo dục dành cho sinh viên. Thanh niên của nước này gần như không phải nghĩ đến hoàn cảnh nợ nần cũng như chịu áp lực về việc phải chọn hướng nghề nghiệp đúng đắn.

Tuy nhiên, một số công dân của quốc gia được đánh giá là hạnh phúc nhất châu Âu, đặc biệt là những người lớn tuổi trong lực lượng lao động, cho rằng chính sách này là một phần nguyên nhân khiến thanh niên "mãi không thành người lớn".

Cụm từ "sinh viên vĩnh cửu" dùng để chỉ những bạn trẻ trong các trường đại học suốt 6 năm hoặc hơn nhưng không có kế hoạch tốt nghiệp, theo Business Insider.

Daniel Borup Jakobsen, 24 tuổi, mới tốt nghiệp, thông tin: "Với giáo dục miễn phí, tình trạng sinh viên không chịu tốt nghiệp ở Đan Mạch ngày càng tăng. Những người này chưa bao giờ hoàn thành việc học tập và liên tục thay đổi chương trình học hết năm này qua năm khác".

Trong nhiều năm, Đan Mạch ban hành chương trình phụ cấp dành cho sinh viên, khoảng 1.000 USD/tháng để trang trải chi phí sinh hoạt. Theo Jakobsen, chính sách này khiến nhiều thanh niên mắc kẹt trong trạng thái lười biếng, ít lo lắng cho tương lai.

Để cải thiện vấn đề, năm 2015, chính phủ nước này đề xuất và thông qua cải cách chương trình học tập. Chương trình cho phép các trường có thêm thẩm quyền trong việc thúc giục sinh viên tốt nghiệp.

Thời điểm đó, hàng nghìn sinh viên lên tiếng phản đối. Họ chỉ trích cải cách này loại đi quyền tự do của họ. Song, những người ủng hộ chỉ ra rằng động thái của chính phủ có thể đem về thêm khoảng 266 triệu USD tiền thuế cho nền kinh tế và giúp hệ thống trường học trở nên hiệu quả hơn.

Chia sẻ với Atlantic, Soren Nedergaad, một quan chức thuộc Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học, cho rằng tình trạng sinh viên lười ra trường đã tồn tại trong nhiều năm. Do đó, khi chính phủ quyết định cải cách, thực tế tồn tại nhiều thanh niên kéo dài việc học hơn các quan chức nghĩ đến.

"Đã quá đủ, tình trạng này không cần tồn tại thêm", ông nói.

Jakobsen cho biết cải cách đã làm giảm xu hướng "sinh viên vĩnh cửu". Tuy nhiên, hiện trạng này vẫn còn tồn tại. Bình luận về giáo dục miễn phí, ông không coi ý tưởng này là thất bại dù có "tác dụng phụ" nhiều sinh viên lười tốt nghiệp. 

"Một số người tìm kiếm câu trả lời cho việc liệu sinh viên trong chương trình giáo dục đại học miễn phí có động cơ để học tập chăm chỉ như những người phải trả phí hay không? Theo tôi, 2 điều đó không tương quan với nhau. Tôi tin rằng động lực để thành công trong học tập không liên quan việc bạn có phải trả phí để đi học hay không", người đàn ông này nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận