Sau hơn 25 năm, dự án mở rộng sân bay Heathrow mới được Chính phủ Anh ủng hộ nhưng tiếp tục vấp phải hàng loạt chỉ trích và phản đối, vì lo ngại ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân và chi phí đắt đỏ.
Đường băng 22 tỷ USD
Cuối tháng 10 vừa qua, bất chấp các phản đối về môi trường và chính trị, Thủ tướng Anh Theresa May quyết định xây dựng đường băng thứ 3, trị giá 22 tỷ USD tại sân bay bận rộn nhất châu Âu - Heathrow của London, để tăng khả năng phục vụ (hiện đón 72,4 triệu hành khách/năm), loại bỏ các đề xuất khác như xây dựng đường băng nhỏ ở sân bay Gatwick. Dù đã được Thủ tướng ủng hộ nhưng dự án này còn đối mặt với nhiều thách thức pháp lý và một vòng bỏ phiếu cuối cùng tại Quốc hội trong thời gian một năm. Đồng nghĩa, sớm nhất vào năm 2025, đường băng thứ ba của sân bay Heathrow mới có thể đi vào hoạt động.
Dự án này được đánh giá là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất châu Âu và tiếp nối những động thái đáng kể của Thủ tướng May kể từ khi bà nhậm chức tháng 7 vừa qua. Đây là một trong những biện pháp của bà May để thực hiện cam kết tạo việc làm, liên kết thương mại sau khi người Anh chọn ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). “Sau nhiều thập kỷ trì hoãn, động thái này cho thấy, chúng ta sẵn sàng đưa ra quyết sách lớn, chỉ cần đó là những quyết định đúng đắn cho nước Anh”, bà May nói.
Theo nghiên cứu do Ủy ban Sân bay độc lập của Anh thực hiện, tính đến năm 2050, một đường băng tại sân bay Heathrow sẽ tạo ra 70.000 việc làm, giúp tăng tổng sản phẩm quốc nội lên khoảng 0,65-0,75% so với cùng kỳ trước. Dự án này tạo đà cho sân bay Heathrow 70 tuổi của Anh bắt kịp với các sân bay lớn nhất của châu Âu tại Paris, Amsterdam và Frankfurt.
Hàng loạt chỉ trích
Tuy nhiên, chỉ vài giờ đồng hồ khi quyết định được công bố, dự án đường băng 22 tỷ USD vấp phải hàng loạt chỉ trích. Trước hết, ngay khi quyết định Thủ tướng Theresa May đã đặt mình vào vị trí đối lập với hàng loạt quan chức cấp cao của Chính phủ, kể cả Ngoại trưởng Boris Johnson. Vì dự án này, Nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh Zac Goldsmith tuyên bố từ bỏ ghế Quốc hội.
Ông Johnson, người tiên phong trong chiến dịch vận động Brexit khẳng định, “không nên thực hiện” và “cần phải dừng lại” kế hoạch xây thêm đường băng thứ ba. Cựu Thị trưởng London Boris Johnson từng thề sẽ đứng đầu nhóm đối lập ngăn chặn dự án xây đường băng mới cho Heathrow. “Chúng ta có New York là thành phố của những tòa nhà chọc trời tuyệt đẹp, Paris thành phố của ánh sáng và London - thành phố của máy bay. Liệu đó có phải là điều chúng ta thực sự muốn khi xây dựng Thủ đô của nước Anh?”, ông Johnson nói.
Là sân bay kết nối với toàn thế giới, Heathrow có nhiều tiềm năng kinh tế to lớn. Tuy nhiên, vị trí của sân bay nằm tại phía Tây London nên người ta lo ngại đường bay mới gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân nơi đây.
Nguy hại không khí và tác động lên hạ tầng giao thông
Bản thân Thị trưởng London Sadiq Khan từng cảnh báo đường băng thứ ba có nguy cơ chất lượng không khí. Trước đó, BBC có bài viết cho biết, dự án xây dựng đường băng thứ ba của Heathrow sẽ khiến một ngôi làng gần đó bị san bằng, nhiều ngôi làng khác bị phá hủy một phần.
Chia sẻ với BBC, người dân làng Harmondsworth, nơi có thể bị san bằng một nửa nếu xây đường băng thứ ba cho biết, cuộc sống của họ lúc này rất mệt mỏi, kiệt quệ. Họ không chỉ lo lắng chờ đợi quyết định cuối cùng mà còn căng thẳng vì phải chọn lựa giữa tiếp tục ở lại gần sân bay hay chuyển đi nơi khác. Theo BBC, người dân tại khu vực bị ảnh hưởng sẽ được trả tiền bồi thường tùy vào khoảng cách từng hộ gần đường băng mới.
Một bất lợi khác là đường bay mới đòi hỏi các đường cao tốc xung quanh Thủ đô phải xây dựng lại. Do đó, phương án này đắt đỏ và phức tạp hơn các phương án mở rộng đường băng hiện có của Heathrow hay xây sân bay mới tại Gatwich.
Để giải quyết vấn đề chi phí, ngành tư nhân sẽ chịu trách nhiệm chi trả việc mở rộng sân bay Heathrow (thuộc sở hữu của Công ty hạ tầng Tây Ban Nha Ferrovial, Tập đoàn Qatar, Tập đoàn đầu tư Trung Quốc và các nhà đầu tư khác); Còn các chi phí về sửa chữa đường bộ, đường sắt liên quan tới sân bay sẽ do Chính phủ chịu trách nhiệm.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất các ràng buộc pháp lý về tiếng ồn, cấm bay đêm để đảm bảo cuộc sống của người dân, đồng thời yêu cầu Heathrow phải đáp ứng các quy định chất lượng không khí. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để dự án được chấp thuận. Lo ngại quyết định dự án bị ảnh hưởng, bà May cho phép các Bộ trưởng chỉ trích nhưng không được mở chiến dịch vận động chống lại kế hoạch này. Nhiều khảo sát cho thấy, phần lớn Nghị sĩ Quốc hội ủng hộ bà May.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.