Hai tàu JS Bandol và Sheng Wang Hai bắt đầu rời vùng biển Phú Quốc đi Singapore giữa tháng 1-2017 - Ảnh: V.TR. |
Từ các nguồn tin ở Singapore và được kiểm chứng qua ứng dụng theo dõi hải trình của tất cả tàu thuyền trên toàn thế giới marinetraffic, chúng tôi xác định được điểm đến của tàu chở cát từ Việt Nam từ năm 2016 đến nay là đảo Tekong và khu Changi Villa nằm cạnh sân bay quốc tế Changi.
Cuối tháng 2-2017, khi chúng tôi có mặt tại Singapore thì tàu mang số hiệu Peterborough đến Phú Quốc chở cát hồi tuần trước đã thả neo tại vùng biển khu vực Tanah Merah, cạnh sân bay Changi. Còn chiếc mang số hiệu Yangtze Harmony thì đang “giao hàng” tại đảo Tekong.
Dập dìu tàu chở cát
Chúng tôi bắt đầu theo dõi tàu chở cát ra nước ngoài từ những ngày đầu tháng 1-2017. Lúc này có tới 5 chiếc tàu vận tải mang quốc tịch nước ngoài gồm: RHL Monica, JS Bandol, Sheng Wang Hai, Great Rainbow và Jin Sui vừa vào vùng biển Phú Quốc chờ nhận hàng.
Đây là tàu do Công ty Singapore Hua Kai Engineering thuê đến để chở cát mà họ ký hợp đồng mua của Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Đức Long. Nguồn cát xuất khẩu này được tận thu từ dự án nạo vét quân cảng Vùng 5 hải quân.
5 chiếc tàu này neo đậu ngoài biển, cách cầu cảng An Thới chừng 2-3 hải lý. Liên tục mấy ngày biển động, sà lan chở cát không cập mạn tàu được. Bãi bơm hút cát cạnh mũi Ông Đội có 7 tàu chuyên dụng hút cát và khoảng chục chiếc sà lan chở cát từ bãi ra tàu nước ngoài.
Đến sáng 13-1, tàu RHL Monica tải trọng hơn 53.500 tấn (quốc tịch Liberia) nổ máy rời khu vực biển An Thới tiến ra Biển Đông. Trưa, đến lượt tàu JS Bandol tải trọng hơn 57.900 tấn (quốc tịch Malta) cũng nhổ neo sau khi 5 hầm hàng đã đầy cát.
Các ngày sau đó, lần lượt 2 tàu Great Rainbow tải trọng hơn 63.400 tấn và Jin Sui tải trọng gần 57.000 tấn (đều có quốc tịch Hong Kong - Trung Quốc) cũng rời Phú Quốc.
Riêng tàu Sheng Wang Hai tải trọng 33.580 tấn (quốc tịch Trung Quốc) bị hỏng máy phải neo ngoài biển sửa chữa đến ngày 22-1 mới khởi hành được. Các tàu này sau đó đều đến khu vực Changi Villa Tanjung Pengelih - giữa đảo Tekong và sân bay Changi - xếp hàng chờ bốc dỡ cát xuống sà lan.
Cùng thời gian này, tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa cũng có 10 chiếc tàu vận tải quốc tịch nước ngoài đến nhận cát chở đi Singapore. Trong đó có tới 9 tàu vào vịnh Cam Ranh gồm: HTC Delta, Pacific Pride, Fu Quan Shan, Zoro, Equinox Glory, Great Vision, Ultra Trust và Wariya Naree. Chiếc còn lại nhận cát tại cửa biển Hòn Rớ, TP Nha Trang.
Những tàu vào Cam Ranh để chở cát cho Công ty Le Tong Resources.
Doanh nghiệp xuất khẩu cát là Công ty CP Đầu tư Cái Mép. Còn tàu vào TP Nha Trang thì chở cát cho Công ty TNS Resources. Doanh nghiệp xuất bán là Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Sài Gòn - Hà Nội.
Điều đặc biệt là trong những ngày nghỉ Tết Đinh Dậu vẫn có nhiều tàu đến Phú Quốc chở cát. Đó là các tàu: Silk Road 03, Jin Xiang, Great Link, Giaovanni Topic, Dubai Galactic. Đây cũng là vùng biển có nhiều tàu nước ngoài đến chở cát đi Singapore nhất trong hai tháng đầu năm 2017.
Công trình lấn biển trên đảo Pulau Tekong, Singapore - Đồ họa: Tấn Đạt |
Đại công trường lấn biển
Tại Changi Villa có một bến tàu du lịch chở du khách qua đảo Ubin và qua Pengerang (Malaysia). Người dân địa phương bảo không có tàu nào qua đảo Tekong vì ở đó không có dân. Để nhìn thấy hoạt động san lấp mở rộng đảo Tekong thì phải mua vé tàu qua Malaysia vì tàu sẽ đi ngang qua đó.
Tuy nhiên sau khi liên lạc với bên Pengerang, nhân viên bán vé người Malaysia từ chối chở chúng tôi đi với lý do biển động và trời sắp tối. Chúng tôi đành thuê tàu qua đảo Ubin rồi tiếp tục thuê xe đi về cuối đảo với hi vọng nhìn thấy được gì đó phía bên đảo Tekong.
Gần tối. Gió mạnh hơn. Sóng biển dội vào đảo ầm ầm. Chúng tôi hỏi ông Teo Gek Hee - tài công lái tàu du lịch loại nhỏ trên đảo Ubin - có dám chạy ra gần đảo Tekong không.
Ông nhìn quanh quất một hồi rồi nói: “Được, nhưng tiền thuê tàu là 150 đôla Singapore (2,4 triệu đồng). Chịu thì đi, không thì thôi”. Chúng tôi gật đầu, bởi vì không còn lựa chọn khác.
Chiếc tàu du lịch nhỏ “vật lộn” với sóng biển hướng về đảo Tekong. Đây là một hòn đảo nằm ngoài khơi bờ biển đông bắc của Singapore. Về mặt địa lý, đảo Pulau Tekong gần với bang Johor (Malaysia) hơn so với đảo chính của Singapore.
Theo một doanh nghiệp nhập khẩu cát của Singapore, chính phủ nước này triển khai dự án lấn biển cả chục năm rồi nhằm tăng diện tích đảo Tekong từ 657ha lên 3.310ha. Tổng chi phí san lấp lên đến gần 6,5 tỉ USD.
Doanh nghiệp này nhập khẩu cát từ Việt Nam và một số nước khác phục vụ dự án tại đảo Tekong suốt từ năm 2009 đến nay.
Các ghe tàu bơm hút cát của Công Ty Sài Gòn - Hà Nội tại cửa biển Hòn Rớ, TP Nha Trang giữa tháng 2-2017 - Ảnh: V.TR. |
Tàu chạy được 30 phút thì hình ảnh ba chiếc tàu chở cát khổng lồ neo ở cửa biển, sát đảo Tekong càng rõ dần. Nhưng để đọc được số hiệu chiếc tàu gần nhất, chúng tôi zoom hết cỡ ống kính 70-300mm, sau đó tiếp tục phóng to trên màn hình LCD máy ảnh.
Đó là tàu Yangtze Harmony. Một chiếc cần cẩu to đùng trên tàu chuyển cát từ các hầm hàng xuống một chiếc sà lan cỡ lớn đang cập mạn. Thì ra chiếc tàu trọng tải hơn 56.000 tấn này mới rời Phú Quốc mấy ngày trước.
Giữa trùng điệp tàu vận tải neo đậu trên vùng biển Singapore mà chúng tôi “chạm mặt” nó khi đang bốc dỡ cát san lấp đảo Tekong quả là một thú vị. Xung quanh đảo Tekong đã được xây kè đá kiên cố. Cát nhập từ nước ngoài về sẽ được đổ phía bên trong để không bị sạt xuống biển.
Hôm sau chúng tôi thuê ôtô vào khu vực bên cạnh sân bay quốc tế Changi. Trên bản đồ ghi chỗ này là Singapore General Aviation Park. Dữ liệu từ trang marinetraffic cho biết có rất nhiều tàu chở cát từ Việt Nam neo đậu, giao hàng cạnh khu này.
Tài xế tên Lu Aimin (54 tuổi) nói đây là khu đang lấn biển. Bản thân ông chưa từng đến đây nên không biết có đường đi hay không. Chúng tôi bảo cứ đi, tới đâu tính tới đó.
Hai bên các con đường Changi Coast, Tanah Merah Coast, Aviation Park... là những đồi cát khổng lồ cao hơn 10m, được che chắn kỹ lưỡng. Hàng trăm chiếc xe ben chở cát xuôi ngược, thỉnh thoảng lại có một ôtô con ra vào.
Khi chạy gần đến biển, chúng tôi bị nhân viên gác cổng chặn lại. Người này yêu cầu quay trở ra bởi vì đây là công trình đang xây dựng, không cho phép người lạ vào. Nhìn qua khe rào chắn, bên trong là rất nhiều xe ben, xe ủi, cần cẩu cát... đang hoạt động.
Hơn 900.000m3 cát đã rời Việt Nam chỉ trong hai tháng Theo số liệu chúng tôi nắm được, từ ngày 1-1 đến 23-2-2017 có tổng cộng 40 tàu đến Việt Nam chở cát đi Singapore với tổng khối lượng hơn 905.000m3. Trong đó, Công ty Đức Long xuất nhiều nhất với 19 tàu với khối lượng 603.780m3. Công ty Cái Mép xuất 16 tàu, khối lượng 369.000m3. Còn lại hai công ty Bình Minh Vàng Vina và Sài Gòn - Hà Nội chỉ mới xuất được 5 tàu. Từ cuối năm 2009 Chính phủ Việt Nam cấm xuất khẩu cát. Đến năm 2013 Bộ Xây dựng mới cho phép một số doanh nghiệp được xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét luồng, cửa sông, cửa biển theo hình thức xã hội hóa. Và kể từ đó đến nay cát nhiễm mặn (Singapore gọi là cát biển) từ Việt Nam liên tục được bốc lên tàu chở đi Singapore. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.