Quyết liệt đưa dự án về đích sớm
Đến nay, dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn một, đưa vào sử dụng hơn 1.350km từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Giai đoạn hai của dự án đang được gấp rút triển khai xây dựng, nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về việc nối thông đường Hồ Chí Minh với quy mô 2 làn xe từ điểm đầu Pác Bó (Cao Bằng) đến điểm cuối Đất Mũi (Cà Mau).
Thực hiện giao đoạn 2, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang quản lý đầu tư 34 dự án thành phần, trong đó 24 dự án đang triển khai bằng nguồn TPCP, 01 dự án triển khai theo hình thức BT, 04 dự án triển khai theo hình thức BOT và 06 dự án đang chuẩn bị đầu tư.
Ông Lâm Văn Hoàng – Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và đặc biệt là Bộ GTVT, đến nay dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Tính đến hết tháng 3/2015, Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước, đang đầu tư thi công dài 420 km gồm 6 dự án vốn TPCP dài 212km và 5 dự án BOT dài 208km. Đến đầu tháng 4/2015 đã hoàn thành BTN lớp 1 được 374/420km (đạt 90%), BTN lớp 2 được 210/420km (đạt 50%), dự kiến hoàn thành thảm BTN toàn bộ trước 31/5/2015.
Đề đảm bảo chất lượng công trình, từ năm 2014 Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã thành lập tổ chuyên gia rà soát chất lượng công trình, tham mưu cho Ban QLDA đưa ra những giải pháp tốt nhất cho từng đoạn đường. Thành viên trong Tổ là các chuyên gia Cu Ba và những người kinh nghiệm lâu năm về vật liệu BTN, chuyên gia cầu đường… Tổ chuyên gia này có quyền tạm dừng thi công ngay lập tức khi đơn vị thi công không đảm bảo chất lượng công trình.
Để có thể triển khai sớm dự án nhằm rút ngắn thời gian nối thông toàn bộ tuyến đường, Bộ GTVT và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thông qua một số chủ trương đầu tư. Cụ thể, được chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban đã rà soát, tối ưu hóa tiêu chuẩn kỹ thuật của các dự án khu vực Tây Nguyên và một số dự án khác với phương châm không thay đổi quy mô và hiệu quả đầu tư nhằm tiết kiệm được một phần vốn dư để đầu tư các dự án chưa triển khai đặc biệt là các dự án phía Bắc từ Bắc Kạn – Thái Nguyên – Tuyên Quang, gồm 4 dự án dài 70km/tổng mức đầu tư 4.454 tỷ đồng (tuyến tránh thị trấn Ngân Sơn, tuyến tránh thị trấn Nà Phặc, cầu Bình Ca và đoạn Chợ Mới – ngã ba Trung Sơn). Nếu được chấp thuận, các dự án này dự kiến sẽ khởi công năm 2015, hoàn thành 2017, sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GTVT về huy động xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, thời gian qua Ban đã và đang kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT một số dự án như đoạn Cam Lộ – La Sơn dài 103km/tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng để phấn đấu khởi công Quý III/2015 và hoàn thành năm 2017; đoạn Đoan Hùng – Chợ Bến (theo quy hoạch được duyệt là quy mô cao tốc, Ban đang lập dự án đầu tư với quy mô hai làn xe để kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT hoặc ODA, dự kiến triển khai năm 2016, hoàn thành năm 2018, sớm hơn so với yêu cầu của Quốc hội 2 năm.
Việc này đã làm thay đổi nhận thức của các nhà đầu tư. Trước đây, quan hệ giữa nhà đầu tư BOT với Ban QLDA thường lỏng lẻo (nhà đầu tư quan niệm rằng dự án BOT là tiền của nhà đầu tư), sau khi có những biện pháp xử lý mạnh mẽ, kiên quyết của lãnh đạo Bộ đã có sự lan tỏa trong nhận thức của các nhà đầu tư, quan hệ giữa nhà đầu tư BOT với Ban QLDA đã được cải thiện và phối hợp chặt chẽ hơn. Trong một thời gian ngắn, các công trường có chuyển biến rõ rệt. Đến nay, nhiều dự án đã đạt và vượt kế hoạch. Các nhà thầu, nhà đầu tư yếu kém, đứng trước nguy cơ bị loại ra khỏi dự án như Công ty Đức Long Gia Lai, Công ty Sơn Hải (dự án TPCP tỉnh Đắk Nông), nhà đầu tư Quang Đức (dự án BOT Đắk Lắk) sau khi bị nhắc nhở, cảnh cáo đến nay đã có những tiến bộ đáng kể, đáp ứng tiến độ yêu cầu, thậm chí có nhà thầu đã vượt tiến độ (Công ty Đức Long gói 2 dự án TPCP Đắk Lắk)… Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, với sự nỗ lực không ngừng, lãnh đạo và tập thể Ban QLDA đường Hồ Chí Minh quyết tâm hoàn thành dự án trọng điểm này trong năm 2015, về đích sớm hơn 01 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.
Động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội
Trước hết, đó là mục tiêu tạo ra sự liên thông ở khu vực phía Tây của Tổ quốc và hình thành trục đường xuyên Việt thứ 2, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Thực hiện mục tiêu này, chỉ trong một thời gian ngắn (từ năm 2000 đến năm 2005) dự án đã khai thông một tuyến đường mới ở phía Tây, nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Nguyên và Đất mũi và đang hình thành một trục đường xuyên Việt thứ 2 sau QL1A.
Minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả của con đường này là Tây Nguyên nói riêng và cả vùng đất phía Tây bao la, giàu tiềm năng của Tổ quốc trước đây dường như “bị lãng quên” nay đã được mở lối hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước. Khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, miền núi với đồng bằng đã được rút ngắn, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội các tỉnh trong vùng, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo đối với hàng chục triệu đồng bào các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây.
Đặc biệt, sau khi đưa vào khai thác giai đoạn một, đường Hồ Chi Minh đã hỗ trợ đắc lực cho QL1A hiện đang quá tải và cùng với QL1A giải quyết kịp thời tình trạng giao thông ách tắc trong mùa bão lũ, bảo đảm giao thông thông suốt quanh năm. Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, sau gần hai năm thực hiện phân luồng bắt buộc đoạn Hà Nội – Vinh đối với các xe vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định đi từ các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc và Hà Nội đến khu vực từ thành phố Vinh trở vào phía Nam và ngược lại, kết quả bước đầu cho thấy, bình quân mỗi tháng lượng phương tiện vận tải lưu hành trên đường Hồ Chí Minh tăng từ 30% đến 40%.
Châu Giang
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.