Đường Hồ Chí Minh sẽ về đích sớm 1 năm so với NQ của Quốc hội

Thị trường 21/02/2015 07:46

Ban quản lý đường Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định số 1999/QĐ-BGTVT ngày 11/8/1999 của Bộ GTVT với nhiệm vụ “Đại diện chủ đầu tư quản lý quá trình đầu tư và xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh” theo quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.


??????????????????????
Đường Hồ Chí Minh là công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội khóa XI thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 03/12/2004 về chủ trương đầu tư và Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội khóa XIII về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11. Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết. Theo đó, phạm vi quy hoạch đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến 3.183 km (trong đó tuyến chính dài 2.499 km, tuyến nhánh phía Tây dài 684 km). Điểm đầu tuyến tại Pác Bó thuộc tỉnh Cao Bằng và điểm cuối là Đất Mũi thuộc tỉnh Cà Mau.

Đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000, đến năm 2007 đã hoàn thành đoạn Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) với chiều dài khoảng 1.350km và được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước chấp thuận nghiệm thu cấp Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục đầu tư để nối thông quy mô hai làn xe toàn tuyến đoạn phía Bắc từ Cao Bằng đến Hà Nội, phía Nam từ Kon Tum đến Cà Mau. Đến nay, đã triển khai thi công 1.035/1.393km (74%), đã hoàn thành 355km, trong đó năm 2014 hoàn thành 135km, năm 2015 dự kiến hoàn thành khoảng 414km, còn lại 267km hoàn thành vào năm 2016 – 2020. Riêng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang triển khai từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài 553km, đã hoàn thành 190km, dự kiến đến Tết Nguyên đán 2015 thảm bê tông nhựa được khoảng 390km (70%), hoàn thành thảm toàn bộ trước 30/5/2015, rút ngắn thời gian hoàn thành 1,5 năm so với yêu cầu của Quốc hội.

Trong năm 2014, Ban đã khởi công xây dựng 78km/4 dự án, gồm đoạn Cây Chanh – Cầu 38, Đồng Xoài – Chơn Thành, 14 cầu đoạn Đăk Nông đến Bình Phước và 1 phần đoạn Bến Nhất – Gò Quao. Đặc biệt là triển khai thi công dự án BT La Sơn – Túy Loan. Đây là một phần đường cao tốc Bắc – Nam và là dự án đường cao tốc đầu tiên thực hiện theo mô hình PPP sử dụng vốn vay gói tín dụng của Nhật Bản, dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2017. Như vậy, đến năm 2017 sẽ hoàn thành nối thông đường Hồ Chí Minh quy mô 2 làn xe được 1.035km, còn 358km chưa triển khai. Để có thể triển khai sớm dự án nhằm rút ngắn thời gian nối thông toàn bộ tuyến đường, Bộ GTVT và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (Ban) đang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thông qua một số chủ trương đầu tư. Cụ thể, được chỉ đạo của Bộ GTVT, Ban đã rà soát, tối ưu hóa tiêu chuẩn kỹ thuật của các dự án khu vực Tây Nguyên và một số dự án khác với phương châm không thay đổi quy mô & hiệu quả đầu tư nhằm tiết kiệm được một phần vốn dư để đầu tư các dự án chưa triển khai đặc biệt là các dự án phía Bắc từ Bắc Kạn – Thái Nguyên – Tuyên Quang, gồm 4 dự án dài 70km/tổng mức đầu tư 4.454 tỷ đồng (tuyến tránh Thị trấn Ngân Sơn, tuyến tránh Thị trấn Nà Phặc, cầu Bình Ca và đoạn Chợ Mới – ngã ba Trung Sơn). Nếu được chấp thuận các dự án này dự kiến sẽ khởi công năm 2015, hoàn thành 2017, sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, thời gian qua Ban đang kêu gọi đầu tư theo hình thực BT, BOT một số dự án như Đoạn Cam Lộ – La Sơn dài 103km/tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng để phấn đấu khởi công Quý III/2015 và hoàn thành 2017; đoạn Đoan Hùng – Chợ Bến (theo quy hoạch được duyệt là quy mô cao tốc, Ban đang lập dự án đầu tư với quy mô hai làn xe để kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT hoặc ODA, dự kiến triển khai 2016, hoàn thành 2018, sớm hơn so với yêu cầu của Quốc hội 2 năm.

Ngoài ra, với quyết tâm đưa các dự án thành phần về đích đạt chất lượng, đúng tiến độ, và đảm bảo an toàn giao thông, Lãnh đạo Ban đã kiên quyết xử lý các nhà thầu không đủ năng lực, thay thế tư vấn giám sát để xảy ra sai xót về chất lượng, thành lập Tổ chuyên gia chất lượng của Ban để kiểm soát chất lượng dự án, yêu cầu đơn vị thi công tập kết sẵn đá, nhựa đường…

Việc này đã làm thay đổi nhận thức của các nhà đầu tư, trước đây quan hệ giữa nhà đầu tư BOT với Ban QLDA thường lỏng lẻo (nhà đầu tư quan niệm rằng dự án BOT là tiền của nhà đầu tư), sau khi có những biện pháp xử lý mạnh mẽ, kiên quyết của Bộ đã có sự lan tỏa trong nhận thức của các nhà đầu tư, quan hệ giữa nhà đầu tư BOT với Ban QLDA đã được cải thiện và phối hợp chặt chẽ hơn. Trong một thời gian ngắn, các công trường có chuyển biến rõ rệt. Đến nay, nhiều dự án đã đạt và vượt kế hoạch, cụ thể tiến độ dự án đường Hồ Chí Minh qua Tay Nguyên và Bình Phước vốn TPCP đạt 50% giá trị sản lượng (tương đương khoảng 70% tiến độ tổng thể dự án), các dự án BOT đạt 47%. Các nhà thầu, nhà đầu tư yếu kém, đứng trước nguy cơ bị loại ra khỏi dự án như Công ty Đức Long Gia Lai, Tổng Cty XDCT Đường thủy (dự án TPCP tỉnh Đăk Lắk), Công ty Sơn Hải (dự án TPCP tỉnh Đăk Nông), nhà đầu tư Quang Đức (dự án BOT Đăk Lắk) sau khi bị nhắc nhở, cảnh cáo đến nay đã có những tiến bộ đáng kể, đáp ứng tiến độ yêu cầu, thậm chí có nhà thầu đã vượt tiến độ (Công ty Đức Long gói 2 dự án TPCP Đăk Lắk)… Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Với sự nỗ lực không ngừng, lãnh đạo và tập thể Ban QLDA đường Hồ Chí Minh quyết tâm hoàn thành dự án trọng điểm này trong năm 2015, về đích sớm hơn 01 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Những kết quả của giai đoạn 2 cùng với việc hoàn thành giai đoạn 1, Dự án đường Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây; rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, miền núi với đồng bằng; hỗ trợ Quốc lộ 1 khi giao thông bị ách tắc trong mùa mưa lũ; đảm bảo an ninh quốc phòng; góp phần thắng lợi vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ghi nhận những nỗ lực cố gắng của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh về những kết quả đạt được thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó:
- Năm 2009: Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
- Năm 2014: Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh ược Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.
- Cũng trong năm 2014, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh được vinh dự nhận cờ Đơn vị dẫn đấu phong trào thi đua của Chính phủ.
Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, viên chức của Ban được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và bằng khen của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, tỉnh tặng Cờ và Bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển đường Hồ Chí Minh.

Dương Hồ Minh
Phó Tổng giám đốc – BQLDA Đường Hồ Chí Minh

Ý kiến của bạn

Bình luận